Cát Tiên: Khẩn trương thực hiện lộ trình nâng chuẩn giáo viên

06:04, 28/04/2021

Năm học 2020-2021 cũng là thời điểm các địa phương phải thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, như quy định mới trong Luật Giáo dục...

Năm học 2020-2021 cũng là thời điểm các địa phương phải thực hiện việc nâng chuẩn giáo viên theo lộ trình, như quy định mới trong Luật Giáo dục. Chính vì vậy, ngành Giáo dục cùng các trường học trên địa bàn huyện Cát Tiên đang khẩn trương thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn cho giáo viên.
 
Huyện Cát Tiên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết ngày 31/12/2025 bảo đảm đạt 100% số giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn
Huyện Cát Tiên đặt mục tiêu phấn đấu đến hết ngày 31/12/2025 bảo đảm đạt 100% số giáo viên mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn
 
Theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, từ ngày 1/7/2020, giáo viên phải đáp ứng điều kiện mới về chuẩn trình độ đào tạo. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học, THCS phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên (thay vì chỉ cần có bằng trung cấp với giáo viên mầm non và tiểu học, cao đẳng với giáo viên THCS như hiện nay). 
 
Tại huyện Cát Tiên, theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 4/2021, trên địa bàn huyện đang có 175 giáo viên chưa đạt chuẩn. Trong đó, 92 giáo viên có trình độ trung cấp sư phạm, 83 giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm. Qua rà soát, hiện có 63 giáo viên lớn tuổi, 91 giáo viên đang theo học đại học và 21 giáo viên chưa học đại học. 
 
Cụ thể, bậc học mầm non hiện đang có 17 giáo viên chưa đạt chuẩn; trong đó có 7 giáo viên lớn tuổi, 7 giáo viên đang học đại học và 3 giáo viên chưa học đại học. Bậc tiểu học có 107 giáo viên chưa đạt chuẩn; trong đó, có 24 giáo viên trình độ trung cấp sư phạm, 83 giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm, bao gồm: 52 giáo viên lớn tuổi, 46 giáo viên đang học đại học và 9 giáo viên chưa học đại học. Bậc THCS hiện có 51 giáo viên chưa đạt chuẩn; bao gồm: 4 giáo viên lớn tuổi, 38 giáo viên đang theo học đại học và 9 giáo viên chưa học đại học. 
 
Như vậy, nếu không tính số lượng giáo viên lớn tuổi không phải thực hiện việc nâng chuẩn thì huyện Cát Tiên hiện đang có tổng cộng 112 giáo viên cần được đào tạo nâng chuẩn ở các cấp học từ mầm non, tiểu học và THCS. 
 
Ông Phan Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Tiên cho biết: Theo đó, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được tiến hành trong 10 năm, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2020 đến ngày 31/12/2025. Giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Tuy nhiên, huyện Cát Tiên đặt mục tiêu đến hết ngày 31/12/2025, phấn đấu đạt 100% số giáo viên mầm non đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non trở lên; 100% số giáo viên tiểu học, THCS đang đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo phù hợp vị trí việc làm. 
 
Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổng hợp nhu cầu và trình độ của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đơn vị sẽ xây dựng kế hoạch và báo cáo lộ trình, nhu cầu nâng trình độ chuẩn cho các đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. 
 
Cũng theo ông Hưng, lộ trình nâng trình độ chuẩn kéo dài trong hơn 10 năm, do đó các nhà trường có thể tính toán số lượng giáo viên đi học theo từng năm, cử ai đi học trước, ai đi học sau để phù hợp với thực tiễn của từng trường và giáo viên. 
 
Mặt khác, các giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn theo hình thức vừa làm vừa học. Thời gian, hình thức học tập cũng có thể thực hiện linh hoạt, như học trực tuyến, học tập trung, học trực tuyến kết hợp với tập trung, học vào ngày nghỉ, học trong hè. Bởi, trong Nghị định 71 về lộ trình thực hiện nâng chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS cũng quy định rõ ngoài thời gian tham gia đào tạo, giáo viên vẫn phải làm nhiệm vụ giảng dạy. 
 
Do đó, để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc dạy học, các nhà trường phải có phương án bố trí, sắp xếp hợp lý. Không thể cử đồng loạt nhiều giáo viên ở một trường đi học trong một thời điểm, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
 
Việc thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên mầm non, tiểu học, THCS nhằm đảm bảo chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp; đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, tiểu học và THCS; góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo. 
 
Tuy nhiên, để bảo đảm lộ trình, kế hoạch thực hiện, ngành giáo dục huyện đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm hạn chế thấp nhất những tiêu cực và các vấn đề phát sinh, bảo đảm công bằng quyền lợi, nghĩa vụ của giáo viên khi tham gia nâng chuẩn trình độ. Có như vậy mới mong Luật Giáo dục năm 2019 sớm được thực thi có hiệu quả trong bối cảnh thực tiễn sinh động đặt ra nhiều yêu cầu cần phải được giải quyết - ông Hưng cho hay.
 
HOÀNG SA