Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực trong kỳ thi THPT

07:05, 13/05/2019

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 năm 2019 mà UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh thực hiện, đó là phải "chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp các cấp năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 - 2020" tới đây...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 năm 2019 mà UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương trong tỉnh thực hiện, đó là phải “chuẩn bị các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp các cấp năm học 2018 - 2019. Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 - 2020” tới đây. Theo đó, tại phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh Lâm Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, gian lận trong quá trình thi và chấm điểm thi”. Bởi bài học nhãn tiền ở một số tỉnh phía Bắc vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mới đây còn để lại nhiều dư chấn, nên ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh hẳn các cơ quan, đơn vị thực thi nhiệm vụ sẽ phải thực hiện nghiêm túc. 
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng, kỳ thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp, xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm nay toàn tỉnh có 139.650 thí sinh (TS), trong đó có 561 TS tự do. So với năm trước giảm khoảng 1.000 TS. Và thay vì tổ chức thi riêng đối với TS tự do thì năm nay các TS này sẽ thi chung với TS hệ Trung học phổ thông và TS hệ Giáo dục thường xuyên. 
Với lượng TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia nêu trên, Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh cũng đã chuẩn bị 600 phòng thi tại 28 điểm thi nằm trên địa bàn 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 này, địa điểm thi tiếp tục được bố trí trải đều ở các địa phương với cự ly tới các điểm dự thi của các TS xa nhất không quá 20 km. Điều này giảm đáng kể việc đi lại, trọ thi cũng như thời gian của TS lẫn phụ huynh.
 
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, các đơn vị tham gia chấm thi được chia làm hai nhóm, Sở Giáo dục và Đào tạo chấm phần tự luận, còn các trường đại học sẽ chấm phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, một yếu tố dù có phần tế nhị nhưng cũng cần nhắc tới, đó là mức thù lao giữa giáo viên chấm trắc nghiệm với tự luận có mức chênh lệch rất cao. Bởi theo quy định, mỗi bài chấm trắc nghiệm được chi trả 4.000 đồng, một giáo viên chấm trắc nghiệm có mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng cho mỗi ngày chấm thi; trong khi đó chấm tự luận 15.000 đồng/bài nên thu nhập của giáo viên chấm tự luận chỉ khoảng 400.000 đồng/ngày. 
 
Bên cạnh đảm bảo kỳ thi an toàn, không xảy ra tiêu cực, có lẽ việc tính thù lao chấm thi đối với giáo viên cũng nên được Hội đồng thi THPT quốc gia tỉnh đưa ra bàn thảo, xem xét.           
 
KHẢI NHIÊN