Đưa học sinh trở lại trường

09:05, 25/05/2016

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, ngành Giáo dục huyện Đạ Huoai nỗ lực đưa nhiều em học sinh bỏ học trở lại với ghế nhà trường.

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, ngành Giáo dục huyện Đạ Huoai nỗ lực đưa nhiều em học sinh bỏ học trở lại với ghế nhà trường.
 
Một lớp học tại Trường Tiểu học Đoàn Kết - xã vùng sâu khó khăn của huyện Đạ Huoai
Một lớp học tại Trường Tiểu học Đoàn Kết - xã vùng sâu khó khăn của huyện Đạ Huoai
Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc 
 
Một trong những vấn nạn mà ngành Giáo dục (GD) Đạ Huoai phải đối mặt trong nhiều năm nay chính là tình trạng bỏ học của học sinh, đặc biệt là học sinh ở các lớp cuối cấp bậc trung học cơ sở (THCS) và ở cấp trung học phổ thông (THPT). 
 
Trong đầu năm học 2015 - 2016 vừa qua, thống kê của Phòng Giáo dục huyện cho biết, đến 25/9/2015, trên địa bàn toàn huyện có tổng cộng 108 học sinh không đến lớp, trong đó có 32 học sinh THCS và 76 học sinh THPT. 
 
Nhiều lý do đưa ra cho chuyện học sinh không đến trường. Trước nhất, do học lực yếu, kiến thức hổng, không bắt kịp chương trình; bị bạn bè lôi kéo nghỉ học. Cúp học, bỏ tiết thường xuyên dẫn đến điểm thấp, bị ở lại lớp. Ở lại lớp, phải học với các bạn nhỏ hơn mình, xấu hổ với bạn bè nên bỏ học, đặc biệt là với học sinh người dân tộc thiểu số.
 
Cũng có trường hợp bỏ học vì gia đình khó khăn, phải ở nhà lao động kiếm sống cùng gia đình. Nhưng cũng có không ít trường hợp nghỉ học do thiếu sự quan tâm của phụ huynh; không kiểm soát được mọi hoạt động của con em mình sau giờ lên lớp, để các em lêu lổng, chán học rồi bỏ học. 
 
Về phía nhà trường, do công tác phối hợp giữa trường học và phụ huynh chưa tốt; thiếu sự nối kết, trao đổi thông tin kết quả học tập giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh. Hệ quả là thiếu sự cộng tác của gia đình với trường học, thiếu sự đôn đốc nhắc nhở uốn nắn kip thời cho học sinh, đặc biệt là với học sinh sức học yếu. 
 
Cùng đó, theo Phòng GD huyện, một số trường vẫn chưa quan tâm đúng mức, có giải pháp tích cực trong phân loại các đối tượng học sinh từng lớp để lên kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo, giúp đỡ học sinh yếu kém củng cố kiến thức ngay từ đầu năm học.
 
Để đưa số học sinh bỏ học này trở lại ghế nhà trường, ngành GD Đạ Huoai đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là Ban giám hiệu các trường học có học sinh bỏ học. “Chúng tôi đã vào cuộc một cách quyết liệt để cố gắng đưa từng em ra lớp lại” - ông Nguyễn Văn Trinh, Trưởng phòng GD Đạ Huoai cho biết. Trường đã cử giáo viên kết hợp cùng chính quyền, các đoàn thể tại địa phương đến nhà vận động cho từng trường hợp cụ thể. Đến 15/10/2015, Đạ Huoai đã huy động được 69 em học sinh bỏ học ra lớp trở lại.
 
Chống bỏ học ngay trong hè
 
Rút kinh nghiệm năm học vừa rồi, Phòng GD Đạ Huoai ngay trong tháng 5/2016 này đã có công văn gửi đến các đơn vị liên quan cùng các trường học trên địa bàn nhằm chống bỏ học ngay từ trong hè.
 
Cụ thể, Phòng yêu cầu các trường học cần sớm tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể rà soát lại số học sinh đã bỏ học và những em có nguy cơ bỏ học để có kế hoạch vận động tối đa số học sinh bỏ học ra lớp trở lại ngay sau kết thúc năm học 2015-2016. 
 
Huyện sẽ tổ chức một hội nghị bàn về công tác huy động học sinh ra lớp; công tác duy trì sĩ số, chống lưu ban, chống bỏ học trong đầu tháng 8/2016. Trong dịp này mời đại diện các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, trưởng các thôn, buôn, các chi hội khuyến học tham dự nhằm xây dựng biện pháp phối kết hợp thực hiện việc huy động học sinh ra lớp; duy trì sĩ số cho năm học 2016-2017.
 
Trong hè, huyện đồng thời cũng yêu cầu các trường trên địa bàn rà soát lại toàn bộ trẻ trong độ tuổi đến trường; xác định cụ thể nguyên nhân bỏ học của từng học sinh; nhu cầu học nghề của thanh niên nhằm phối hợp với Trung tâm GD nghề và GD thường xuyên của huyện cùng trung tâm học tập cộng đồng các xã (thị trấn) xây dựng kế hoạch mở lớp phổ cập THCS (theo các hình thức lớp linh hoạt - lớp tình thương), lớp bổ túc văn hóa THCS, THPT và dạy nghề xã hội, trước mắt tập trung mở tại các xã có đồng bào dân tộc, xã vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (3 xã Đoàn Kết, Đạ Ploa, Phước Lộc).
 
Phòng yêu cầu các trường học trên địa bàn cần phối hợp tốt với ban đại diện cha mẹ học sinh để tuyên truyền, giáo dục ý thức học tập của con em; vận động cha mẹ học sinh, các lực lượng xã hội hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục học sinh, quản lý con em khi ở nhà, ngăn ngừa bỏ học. Phòng cũng vận động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong huyện quyên góp quần áo, đồ dùng học tập… để giúp học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường.
 
Phòng cũng yêu cầu các trường ngay trong hè này lên kế hoạch, dự kiến phân công giáo viên chủ nhiệm lớp cho năm học 2016-2017; giao chỉ tiêu vận động học sinh ra lớp đến từng giáo viên chủ nhiệm; nhắc giáo viên làm tốt công tác tìm hiểu đặc điểm tâm sinh lí, hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để có biện pháp giáo dục hợp lí. Yêu cầu giáo viên bộ môn lên lớp phải gần gũi, thân thiện, có phản hồi về tình hình học tập của lớp đối với bộ môn mình phụ trách nhằm giúp giáo viên chủ nhiệm kịp thời xử lý.  
 
Phòng cũng yêu cầu các trường mở rộng “phong trào 1+1” do Công đoàn ngành phát động lâu nay, đó là một cán bộ giáo dục nhận đỡ đầu cho một trường hợp học sinh học yếu, khó khăn để giúp đỡ; phân công từng cá nhân trong các tổ chức, đoàn thể gắn với địa chỉ học sinh bỏ học để tìm hiểu nguyên nhân bỏ học, có biện pháp giúp đỡ để học sinh tiếp tục học hết lớp, hết cấp. 
 
Ngay trong hè này, theo ông Trinh, Phòng GD cũng yêu cầu các trường học phân loại học sinh tại trường, từ đó có kế hoạch phụ đạo cho học sinh ngay trong hè để các em bắt kịp chương trình trong năm học đến.
 
VIẾT TRỌNG