Vợ chồng cụ Duyến

05:06, 24/06/2021

Gần năm mươi năm về trước tôi có vinh hạnh được quen biết cụ Duyến. Tôi xưng hô vậy bởi bây giờ, khi tôi kể lại câu chuyện này thì cụ Duyến đã về với tổ tiên được một năm rồi. 

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Gần năm mươi năm về trước tôi có vinh hạnh được quen biết cụ Duyến. Tôi xưng hô vậy bởi bây giờ, khi tôi kể lại câu chuyện này thì cụ Duyến đã về với tổ tiên được một năm rồi. 
 
Hồi trước, bố tôi và cụ Duyến cùng làm cán bộ hành chính của trường trung cấp dạy nghề mà tôi theo học. Ngày ấy, các trường chuyên nghiệp rất có giá. Cho nên mặc dù bố tôi và cụ Duyến chỉ là những cán bộ hành chính bình thường nhưng cũng được các học viên chúng tôi vô cùng nể trọng. Căn phòng tập thể 16 m 2 của bố tôi liền vách với phòng của cụ Duyến. Những lúc rỗi rãi, tôi thường đến với bố nên hiểu về cụ Duyến khá nhiều. Tuổi cụ Duyến với bố tôi sàn sàn nên ngày ấy tôi gọi cụ Duyến là bác, xưng cháu. Thế mà Kiều Hoa học cùng lớp với tôi, kém tôi một tuổi nhưng vẫn gọi cụ Duyến bằng anh xưng em ngọt như mía lùi. Kiều Hoa mười chín tuổi, đẹp nhất trường nên nhiều chàng ngấp nghé. Vậy mà Hoa chẳng để mắt đến ai. Hồi ấy, thấy Hoa rất hay có mặt ở căn phòng tập thể của cụ Duyến, tôi tưởng họ có quan hệ họ hàng, nhưng bố tôi bảo: “Bác Duyến trước khi làm hành chính là một thợ điện bậc cao nên cô Hoa đến để học hỏi thêm về nghề”. Thảo nào, Hoa luôn đứng đầu lớp về môn điện sinh hoạt. Biết sự qua lại khá thường xuyên của Hoa với cụ Duyến chỉ là để phục vụ cho việc học hành, nhưng đồng thời tôi vẫn luôn có tâm lí muốn né tránh mỗi khi Hoa có mặt ở căn phòng tập thể của cụ. Bởi vì hầu hết bạn học cùng lớp không nghĩ như tôi. Nhiều người cho rằng Kiều Hoa lợi dụng cụ Duyến để thực hiện một ý đồ không trong sáng nào đó. Nhất là những chàng ngầm say mê Kiều Hoa thì lại càng cay cú về chuyện này.
 
Mỗi ngày Hoa đến phòng cụ Duyến một dày hơn. Có những buổi tối, tận hơn mười giờ, nghĩa là quá giờ qui định của nội qui nhà trường, Hoa mới về kí túc xá. Bởi vậy, mối quan hệ giữa cụ Duyến với Kiều Hoa trước mắt bạn bè cùng lớp càng trở nên “có vấn đề”. Nhiều người trong lớp đã tỏ thái độ coi thường, đặc biệt là những chàng thầm mê Kiều Hoa lại càng sục sôi. Không ăn thì đạp đổ. Những lời thì thầm nhỏ to, đàm tiếu về cụ Duyến và Hoa xuất hiện ngày một dày. Thậm chí có người muốn đưa ra kiểm điểm Hoa tại chi đoàn. Nhưng thực ra, chuyện này nếu có đưa ra kiểm điểm cũng thiếu căn cứ. Cụ Duyến đang là cán bộ của nhà trường, chi đoàn muốn thực hiện việc kiểm điểm cũng không phải dễ. Hơn nữa, có một sự thật hiển nhiên là cụ Duyến hiện sống độc thân và Kiều Hoa là gái chưa chồng. Tiếng vậy nhưng họ đã bao giờ có những hành động mờ ám, trái đạo đức đâu. Họ chỉ ngồi cùng phòng, tỏ ra tâm đầu ý hợp. Bạn bè trong lớp nổi sóng lên như vậy nhưng đã ai nắm được nội dung của những cuộc trò chuyện giữa cụ Duyến và Kiều Hoa như thế nào. Trong lớp, chỉ có tôi, những lúc sang chơi với bố ở sát liền phòng cụ Duyến nên đôi khi được lọt vào tai những chuyện họ tâm sự cùng nhau. Vốn tôi không phải là người tò mò nên cũng ít để vào tai những chuyện riêng tư của cụ Duyến và Hoa. Nhưng có một điều tôi biết rất rõ là cả hai cùng có chung sở thích uống chè búp (ngày ấy cụ Duyến đã gọi là trà) và yêu ghi ta, một nhạc cụ khá phổ biến, được coi là sang trọng thời bấy giờ. 
 
Vào mỗi buổi tối đến với cụ Duyến, công việc đầu tiên của Hoa là xúc ấm pha một ấm chè ngon. Ngày ấy, những người bình thường không ai dám mua chè búp về uống, kể cả những người chuyên sản xuất cũng chỉ dám giữ lại một chút chè cám, chè ban, là những loại thứ phẩm để dùng. Chè búp đều phải đem bán để lấy tiền sinh sống và tái sản xuất. Cụ Duyến thì khác. Nhà cụ bao giờ cũng có loại chè búp hảo hạng. Cụ giải thích về việc này: “Là vì mọi người quá xem nặng cái ăn, cái mặc chứ tôi cũng đâu giàu có gì. Thực ra, chỉ cần bớt ăn, bớt chi tiêu mỗi thứ một chút thôi là có thể có tiền mua được loại trà ngon nhất. Thưởng trà là một thứ làm cho cuộc đời đáng sống hơn, vậy tội gì lại xếp nó vào hàng thứ yếu”. 
 
Có lẽ Kiều Hoa được cụ Duyến huấn luyện cách pha chè nên rất sành điệu và luận về trà cũng khá thâm sâu. Ngay như tôi, một người vốn được các bạn trong lớp cảm phục về việc đọc nhiều hiểu rộng nhưng có lần Hoa cao hứng vanh vách thuyết trình trước mọi người về trà đạo (Nhật Bản), trà mỹ (Trung Hoa), trà nhàn (Đại Hàn), trà hòa (Việt Nam) hoặc nói về các tác phẩm viết về trà của Nguyễn Tuân như “Chén trà trong sương sớm”, “Những chiếc ấm đất” cùng câu nói bất hủ của nhà văn: “Trong một ấm trà ngon, người ta thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”, làm tôi cũng phải phát ghen về sự hiểu biết của Hoa. Tôi biết, Kiều Hoa có được những kiến thức đó là do cụ Duyến truyền lại.
 
Ngoài những kiến thức uyên bác hơn đời, cụ Duyến còn là người rất tỉ mỉ trong cuộc sống thường nhật. Một lần, tôi được nghe trọn vẹn một cuộc trò chuyện giữa cụ và Kiều Hoa vọng sang. Giọng cụ Duyến trầm ấm:
 
- Nước pha trà đúng là cần phải thật nóng, nhưng chỉ cần từ khoảng tám mươi lăm đến chín mươi độ là cùng. Cho nên, em không cần phải đun lại nước trong phích. Nước sôi quá độ sẽ làm cho cánh trà bị bã hóa nhanh, mất mùi thơm, nhất là khi pha tuần nước thứ hai trà sẽ bị nồng. Cái điều đơn giản ấy nhưng rất ít người biết đấy.
 
Tiếng Hoa cười, giọng đầy vẻ thán phục:
 
- Ồ! Em cứ tưởng là nước phải sôi thật kĩ thì pha trà mới tốt. Anh không nói thì em cũng không biết. 
 
Giọng cụ Duyến trở nên êm ái và đầy vẻ triết lí:
 
- Pha trà và thưởng trà cũng giống như tình yêu, rất cần sự nồng cháy, nhưng nếu quá độ thì lại dễ chóng tàn. Chắc em đã từng chứng kiến, có những đôi trẻ tình yêu quá nồng nàn, tưởng chừng thiếu nhau thì không thể sống nổi, vậy mà chỉ cưới nhau vài năm đã ra tòa li hôn. Tình yêu ấy giống như một ấm trà pha hỏng.
 
Trời đất! Cụ “tán gái” thế thì cánh trẻ chúng con xin chắp tay lạy sống cụ ba vái. Mấy gã cậy tuổi thanh niên sức dài vai rộng nhưng đầu óc rỗng tuếch, ăn không nên đọi, nói không lên lời kia bị cụ cho nốc - ao trong cuộc rượt đuổi Kiều Hoa là phải.
 
Rồi sau mỗi tuần trà, tiếng ghi ta lại bắt đầu vẳng lên gọi người về cõi mộng. Cụ Duyến là người chơi ghi ta có hạng. Tiếng đàn của cụ mỗi khi cất lên hòa cùng giọng hát trầm ấm, hiu hắt buồn như những cơn gió heo may, làm trái tim người tan nát. Cụ Duyến có một ca khúc “tủ” là bài dân ca “Bèo dạt mây trôi”. Nhưng tôi biết Kiều Hoa còn mê bài dân ca ấy hơn cả cụ Duyến. Lần nào Kiều Hoa sang chơi, bài dân ca đó cùng tiếng ghi ta cũng vang lên ít nhất vài lượt. Có lần vô tình nhìn sang, tôi thấy Kiều Hoa hát theo tiếng đàn mà mấy giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Người xưa thường nói “Một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Không hiểu sao lúc ấy tôi chợt xuất hiện ý nghĩ câu nói kia chính là dành cho họ.
 
Nhưng trong lớp tôi nhiều người không nghĩ thế. Họ bảo: ông Duyến già rồi còn chơi trống bỏi. Họ đoán già đoán non: “đôi ấy mà lấy nhau thì ba bảy hai mốt ngày là tan. Cách nhau hơn hai chục tuổi chứ ít ỏi gì”. Có người thương sự dại dột của Kiều Hoa: “Người ta nói không sai, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Tiếng ghi ta của ông Duyến còn khiếp hơn cả tiếng đàn bầu. Chè ngon, đàn ngọt. Thế thì làm gì không chết”.
 
Nhưng rồi chuyện gì đến vẫn cứ phải đến. Khoảng vài tuần trước khi mãn khóa học, lễ cưới giữa cụ Duyến với Kiều Hoa được tổ chức ngay tại trường. Một lễ cưới có một không hai. Tiệc cưới chỉ có trà, kẹo lạc cùng tiếng ghi ta bập bùng như biến lễ cưới thành buổi liên hoan ca nhạc. Nhưng với tôi đó lại là một kỉ niệm đẹp, khó quên.
 
Cuối năm thì trường dạy nghề của chúng tôi giải thể. Mỗi người một ngả. Tôi được điều lên tỉnh Lào Cai công tác. Quãng đời học tập ở trường dạy nghề cũng dần phôi pha. Chuyện về cụ Duyến với Kiều Hoa cũng đã trở thành dĩ vãng.
     
* * *
 
Cho đến tận ngày về hưu tôi mới có dịp trở về thành phố quê hương. Câu chuyện của cụ Duyến và Kiều Hoa lại có dịp trở lại trong tâm trí tôi.
 
Hỏi thăm mãi mới biết sau ngày nghỉ công tác, cụ Duyến và Kiều Hoa về sống tại một vùng chè của tỉnh. Nhưng hơi buồn vì tôi đã vĩnh viễn không còn được gặp lại họ. Năm ngoái, cả hai vợ chồng cụ Duyến đã về với tiên tổ. Tôi ngậm ngùi đến tận nơi thắp cho họ một nén hương, cũng là để tưởng nhớ lại những tháng năm quá khứ. Buồn, nhưng tôi lại thấy vui vì như vậy họ đã sống với nhau tới trọn đời chứ không phải như trước đây người ta từng nghĩ một cách nông cạn.
 
 Bích Trà, cô con cả của vợ chồng cụ Duyến là giám đốc một công ty sản xuất và chế biến trà. Biết tôi là bạn cũ của cả bố lẫn mẹ, cô có vẻ hồ hởi:
 
 - Từ ngày nghỉ hưu, cả hai ông bà trở thành chuyên gia thẩm định trà của công ty chúng cháu. Về già, các cụ sống rất đơn giản, nhưng có hai cái thú là thưởng trà và vừa chơi đàn ghi ta vừa hát thì cho đến gần lúc trút hơi thở cuối cùng các cụ mới chịu buông.
 
 Tôi bồi hồi hỏi Trà:
 
 - Cụ ông mất được sáu tháng thì cụ bà mất hay sao?
 
 - Thưa bác, đúng thế ạ? Khi ở bệnh viện, mẹ cháu trong tình trạng hôn mê, cháu có hỏi ông bác sĩ, cũng là một người quen thân với gia đình, là mẹ cháu mắc bệnh gì thì ông lắc đầu cho biết bà không có bệnh gì hết. Ông ấy nửa đùa nửa thật nói thêm, nếu gọi là bệnh thì có lẽ mẹ cô mắc căn bệnh vì quá thương nhớ chồng mà mất. Trong đời không phải không có những phụ nữ như vậy. Ông nói thêm, từ ngày làm ở bệnh viện, đây là trường hợp đầu tiên ông ấy gặp.
 
Tôi ngước nhìn lên ban thờ thấy bày bộ ấm pha trà xinh xinh và một cây ghi ta nhỏ bằng bàn tay. Bích Trà tỏ ra rất hiểu bố mẹ. Tôi thoảng nghĩ: Có lẽ bà Hoa mất sớm hơn là vì sau ngày cụ Duyến ra đi, bà thấy không còn lí do gì ở lại cõi trần này nữa. Bà đi theo chồng là để cùng ông đối ẩm và nghe ông chơi bài dân ca “Bèo dạt mây trôi”. Và tôi biết, bây giờ ở dưới tuyền đài, họ không cô đơn.
 
Câu chuyện tôi kể, hẳn có đôi chỗ hơi khác thường làm bạn đọc khó tin. Nhưng tôi xin cam đoan với các bạn rằng đúng là đã có một đôi vợ chồng như thế.
 
HỒ THỦY GIANG