Lá ngủ

05:07, 16/07/2020

Con đường dọc trung du phẳng và thoải. Những hàng cọ lờ mờ trong sương sớm. Những biển hiệu loáng thoáng trôi qua ở vài phố thị. Chuyến xe sớm ấy chỉ có ba người. Chị không nhớ đã nói với bạn những gì. Nhạc trong xe hôm ấy hơi to.
 

Con đường dọc trung du phẳng và thoải. Những hàng cọ lờ mờ trong sương sớm. Những biển hiệu loáng thoáng trôi qua ở vài phố thị. Chuyến xe sớm ấy chỉ có ba người. Chị không nhớ đã nói với bạn những gì. Nhạc trong xe hôm ấy hơi to.
 
 
Cũng không biết có phải giọng bô-lê-rô nghe buồn quá không, nên mắt chị toàn hắt ra đường để nhìn cây và nhìn núi. Chếch lên một chút là những hàng chè đều tắp trên mạn đồi. Miền chè, nên hèn gì người xứ Tuyên, xứ Thái dùng trà rất khiếp - là chị nhận ra điều đó khi bạn đồng nghiệp trong chuyến tạt qua phòng chị hồi nào, đã cho vào 1/2 ấm, đến độ chị không dám ghé môi bởi sự đặc quánh trong chén trà nhỏ. Nhớ chị bạn đã cười vang khi bảo “Tớ là cứ phải thế! Quen rồi”...
 
Nhưng bô-lê-rô nghe buồn thật. Chị ngại nói nên cứ để nó trôi qua vai bằng cách hạ cửa kính, để gió mang đi bớt. Chuyện vãn cũng ngưng lại. Cứ tưởng bạn đồng hành của chị ngủ, cho đến khi nghe giọng cất lên từ bên cạnh: “Thôi đi ông, nhạc gì mà rền hết cả người đây này!”. Lúc đó, chị đã bật cười vì kiểu nói khá làu bàu ở cô bạn thường ngày hoạt ngôn. Không biết có phải va vào bô-lê-rô sớm quá hay không.
 
Chắc chắn là nghe rõ, nhưng người lái xe hình như phớt lờ đi. Nhìn lên từ phía sau, chị thoáng thấy khóe môi mím lại. Tối qua chị ngồi gần, biết cùng tuổi với người đang ôm vô lăng nên cương quyết xưng ngang. Dáng vẻ kia, có lẽ là cách anh chọn để đưa hai khách vừa quen đi hơn trăm km đường. Cũng có thể là một “đối khách” với bạn nữ...
 
Nghe “lá về nguồn” bao giờ chưa? Chị với qua vai nói với người đang cầm lái. Một phía lông mày nhướng lên, thay cho câu hỏi khác. “Đường hoang vắng cho lá về nguồn/người tìm đến xin gợi nỗi hờn... Có vẻ hợp với chuyến xe này quá. Nguyên chọn "Dấu tình sầu" đi. Nghe xong rồi mình chuyển kênh là vừa đủ”...
 
Thế mà chuyển kênh được thật, khi những câu chuyện sau đó không bị những giọng bô-lê-rô chèn qua. Giọng của cô bạn đã vui trở lại. Không còn vẻ ngái ngủ nữa. Thật ra thì chị đã thoáng ngạc nhiên khi hay người đàn ông cùng tuổi với mình đã có cháu ngoại. Biết anh từng là bộ đội, nhưng không phải là người chọn trung du làm đất sống, mà vì bố mẹ anh đã rời quê chọn vùng đồi núi làm quê hương. Mang máng nhớ anh kể bố mẹ đã nên duyên từ trước khi vào đội xung phong làm Con đường hạnh phúc trên cao nguyên đá!
 
“Hèn chi Nguyên có cháu ngoại sớm. Thì phát huy truyền thống của bố mẹ mà” - Chị đùa, rồi chuyển sang chuyện xe cộ để làm nhạt đi phần bối rối đang có ở người trước mặt. Thật ra cũng là cách khơi chuyện lấp chỗ trống thôi, vì kiến thức về máy móc ô tô, với chị chỉ hơn số không một ít.
 
Biết có chút ngại ngần về chỗ đứng, nên chị đã tìm cách khỏa lấp khi kéo anh vào câu chuyện sau đó, ở một nơi chốn mà họ ghé qua. Kéo anh vào nhóm, khi nhận ra sự lúng túng khi ai đó đề nghị chụp một vài kiểu ảnh chung. “Thôi, mình thế thôi. Các bạn cứ tự nhiên đi...”.
 
“Hôm trong xe đúng là mình có phần không phải khi bắt các bạn phải nghe bô-lê-rô. Nghĩ mình cũng ương bướng thật vì hôm đó, bị bốc đi lái xe và lần đầu chở hai bạn nữ cùng tuổi, đến từ hai nơi rất xa, lại không biết bắt đầu như thế nào cho đỡ nhạt! Nhưng bài hát đó, mình đã nghe nó cả quãng đường về. Giờ thi thoảng vẫn mở, thích nghe Bằng Kiều thả giọng gọi người khi nắng phai tàn mà...” - Chị mở zalo và tin nhắn của Nguyên đã ở đấy. Hình như đã cả tháng sau lần chia tay. 
 
"Nhưng giờ lá đã ngủ rồi!” chị gõ mấy chữ và để lại con icon mặt cười. Thì ngủ cũng là một cách "cho lá về nguồn" còn gì...
 
HẠNH NHI