Xuân Hương - đời hồ với đời người

10:01, 18/01/2020

(LĐ online) - Hồ Xuân Hương là trái tim của thành phố Đà Lạt. Vâng, nó là nhịp đập của mọi cung bậc diễn ra ở thành phố, là chứng nhân của mỗi vui tươi, mỗi lam lũ của đời người… 

(LĐ online) - Hồ Xuân Hương là trái tim của thành phố Đà Lạt. Vâng, nó là nhịp đập của mọi cung bậc diễn ra ở thành phố, là chứng nhân của mỗi vui tươi, mỗi lam lũ của đời người… 
 
Cải tạo nạo vét hồ Xuân Hương lần thứ 4, năm 2010
Cải tạo nạo vét hồ Xuân Hương lần thứ 4, năm 2010
Tôi quê ở huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh, bên nội là thôn Phụng Luyện xã Cẩm Hòa, bên ngoại là thôn Hoàng Chuân xã Cẩm Nhượng. Quanh năm được sống bên biển biếc, để đằm với rì rào phi lao và con sóng dạt dào, để mênh mang với cát trắng tinh khôi và để nồng nàn cùng hương tràm thơm rưng rức. Bởi thế, tôi không thể và không bao giờ hình dung được khi mới ngụ cư ở đai độ cao gần 1.500 mét để cảm nhận về những con hồ nơi cao nguyên đại ngàn ngút ngát xanh. Xuân Hương, cái tên mĩ miều, gợi cảm về hương hoa về thanh tao của con hồ, trái tim thành phố Đà Lạt, nơi chỉ cách chỗ tôi sống mấy trăm mét suốt hơn 30 năm nay. Có quá nhiều đêm thức cùng hồ, chìm vào sương khói, gội ướt át với giá lạnh…Hồ Xuân Hương hôm nay vẫn chưa khác nhiều so với gần 90 năm trước, khi thi nhân Hàn Mặc Tử đã rung cảm. Vẫn “tơ liễu run trong gió”, “hàng thông lấp loáng đứng trong im”…Nhưng những ngày cận Tết cổ truyền con con dân Việt, rảo bộ dọc hồ Xuân Hương, nhiệt độ xuống rất thấp, biên độ trong ngày từ 12 độ vào ban đêm đến 26 độ vào giữa trưa. Chiều nghiêng, khi ánh nắng vơi nông với hồ, gió từ phương bắc, từ thung sâu dào xuống, tạo những con sóng cuộn dào không ngơi nghỉ…Sóng đưa tôi về với cố hương những mùa Xuân xa gần…
 
Hoa Địa lan, đặc sản hoa Đà Lạt
Hoa Địa lan, đặc sản hoa Đà Lạt
 
Ngày xưa lắm, con hồ chưa sinh ra, thủy tổ chỉ là con suối nhỏ hiền hòa và cả biếng trôi. Suối sinh ra từ vách đá của dãy núi có tên LangBian, cao nhất vùng Nam Tây Nguyên, nơi chất chứa trầm tích văn hóa rừng, nơi gắn những huyền thoại lung linh với đời sống của cư dân bản địa. Nơi ấy, 126 năm trước, đoàn thám hiểm người Pháp đã dừng chân nghỉ lại giữa đại ngàn để sau đó hiện thực hóa một thành phố Đà Lạt mộng mơ. Thành phố hình thành chính trên vùng đất của cộng cư sắc dân K’Ho Lạch. Họ biết chọn những dòng suối để neo vào đó sinh tồn. Trong tín ngưỡng đa thần, Lửa và Nước là hai vị thần đặc biệt quan trọng đối với đời sống của họ, cả biểu tượng lẫn hiện thực…
 
Hồ Xuân Hương sinh ra nhờ từ sự sáng tạo của những kĩ sư công chánh người Pháp, ông Labbé sáng tạo nên cái đập ngăn dòng suối Cam Ly vào năm 1919. Hồ hình thành cũng là lúc những cư dân K’Ho rời nơi cư trú nối nhiều đời lên các vùng đất cao hơn, cách xa trung tâm thành phố hơn. Hồ lớn lên theo con nước mạch ngầm của Mẹ Rừng Cha Núi và cả trí tuệ của con người. Năm 1923, người ta xây thêm một đập thành 2 hồ. Năm 1932, cả 2 đập bị vỡ do bão lớn và kỹ sư Trần Đăng Khoa cho xây một đập lớn bằng đá, mà người dân gọi là cầu Ông Đạo hôm nay. Người Pháp đặt tên hồ là Grand Lac (hồ Lớn), năm 1953, Chủ tịch Hội đồng Thị chính Đà Lạt đổi tên hồ thành Xuân Hương. Bồi lở đời hồ, tồn tại, hao gầy theo mùa mưa nắng. Cho đến nay, hồ đã trãi qua 4 lần nạo vét, sửa chữa kè bờ (các năm 1984, 1988, 2003 và 2010). May mắn kẻ ngụ cư tôi được chứng kiến 3 lần “tái sinh” trong số đó. Những khoảnh khắc đi giữa đáy hồ, trong tôi dâng trào những cảm xúc khó tả. Bước chân qua những đường nứt nẻ của lớp bùn khô rong ở đáy hồ, tôi vẫn có cảm giác bồng bềnh khi hồ đẩy đưa chúng tôi thung thăng trên mặt nước bởi chiếc du thuyền… Đến nay hồ Xuân Hương có tổng diện tích toàn lưu vực khoảng 21 km 2, chiều rộng mặt hồ trung bình 200 m, đường vòng quanh hồ hơn 5 km. Ngày 06 tháng 11 năm 1988, hồ Xuân Hương trở thành danh lam thắng cảnh quốc gia… 
 
Tôi rất nhớ một chi tiết tại hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung” do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức vào ngày 20 tháng 12 năm 2017, các kiến trúc sư hàng đầu của đất nước nhận xét, ở Việt Nam, chỉ có hai thành phố có hồ ở trung tâm rất đẹp, đó là hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội và hồ Xuân Hương của Đà Lạt. Các nhà khoa học muốn nhấn mạnh: không gian sống của thành phố Đà Lạt rất đặc trưng nhờ yếu tố mảng xanh và mặt nước, rất và rất cần giữ gìn những giá trị này ! Vâng, hồ Xuân Hương có vị thế đặc biệt về sinh thái, cảnh quan và góp phần tạo nên giá trị hồn cốt của đô thị Đà Lạt.  Ngày nay, với xu thế phát triển, hồ Xuân Hương còn là sự đồng hành với nhịp sống đô hội xung quanh mình: một sân golf, một quảng trường và rất nhiều phòng hội nghị lớn…
 
 Dưới hồ du khách thong dong, trên bờ hoa Mai vàng tưng bừng đón Tết
Dưới hồ du khách thong dong, trên bờ hoa Mai vàng tưng bừng đón Tết
 
Chẳng biết từ lúc nào, có thể là từ khi có hồ Xuân Hương chăng, một đoạn con đường quanh hồ, phía bắc cầu Ông Đạo, những cư dân của thành phố Đà Lạt neo vào vỉa hè để bán hàng rong. Những món ăn của nền văn minh lúa nước: khoai lang nướng, ngô nướng, xắp xắp, bánh tráng hành, sữa đậu nành…, rất bình dân nhưng cũng rất hấp dẫn du khách. Bởi không chỉ hợp khẩu vị, vừa túi tiền, mà khi được thưởng thức văn hóa ẩm thực bên bếp lửa hồng trong cái se se lạnh thì giá trị món ăn được nâng lên ở cung bậc thi vị… Ngày của hồ Xuân Hương, là không gian khoáng đạt cho những ai du thuyền thong dong, thả hồn theo trời mây non nước và để chiêm nghiệm khoảnh khắc sống chậm với chính mình… Đêm hồ Xuân Hương, bữa tiệc ánh sáng lung linh từ hệ thống đèn chiếu sáng xung quanh hắt xuống trong sương khói bảng lảng đánh đố lời yêu…
 
Chuyển hàng Hoa Cúc từ miền Tây về Đà Lạt
Chuyển hàng Hoa Cúc từ miền Tây về Đà Lạt
 
Và nữa, không biết tự lúc nào, những ngày áp Tết cổ truyền của dân tộc, một cung đường dài mấy trăm mét phía nam hồ hình thành con đường hoa, bonsai, đồ mỹ nghệ…Dòng người ngược xuôi, tha hồ ngắm và sắm về chưng Tết. Sản phẩm của những bàn tay khéo léo và cần cù mang từ nhiều miền quê về hội chợ Tết. Mai vàng Bình Định, các tỉnh miền Tây, đào các tỉnh miền Bắc và đào tại Lâm Đồng trong quá trình di thực chuyển vị. Rất nhiều nữa, hoa có cúc, địa lan, phong lan, hồng môn, mào gà, ,…; trái có quất, bưởi, phật thủ, khế, ổi, ớt,…; bon sai có tùng, bách, trúc, ngũ sắc, trắc, mai xanh, mai chiếu thủy,… “Chợ Tết hồ Xuân Hương”, tôi tạm đặt tên như thế. Có năm hàng chạy, cũng có năm hàng ế ẩm ê chề, tất cả tùy thuộc vào mãi lực từ người tiêu dùng. Tôi còn nhớ Tết năm ngoái, Kỷ Hợi-2019, khi đêm 30 tết đã choàng màn đen, chỉ còn 3-4 giờ nữa là chạm vào thời khắc giao duyên năm cũ - năm mới, vẫn còn kẻ mua người bán. Dĩ nhiên là giá cả theo thời khắc tuột dần, những tiếng thở dài tiếc nuối kẻ “xổ hàng”, và có cả rạng rỡ từ người mua được. Ô tô, xe máy kìn kìn chở mùa Xuân về với mỗi nhà. Còn những người bán co ro đốt lửa hoặc chui vào lều bạt dựng tạm bên hồ, thích ứng với cái lạnh để cố bán nốt hàng tồn…Tôi cảm nhận hình như con hồ trắc ẩn ? Sóng nối sóng, thao thức. Hơn ai hết, hồ Xuân Hương là chứng nhân rõ nhất, thủy chung và đồng điệu với nhịp sống của con người giao hòa với nó...
 
Đà Lạt ngày giáp Tết Canh Tý, 2020 
 
Tản văn: TĨNH XUYÊN