Âm nhạc phòng trà - trở về tìm lại thời tuổi trẻ

09:11, 17/11/2016

Âm nhạc phòng trà là một không gian sinh hoạt văn hóa rất thịnh hành của người Đà Lạt những năm 60 - 90/XX, đó là chốn hẹn hò của những người đang yêu. Vào đêm thứ bảy vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra Đêm nhạc Ngô Thụy Miên "Một cõi tình phai" là dịp để những "chàng trai cô gái" ngày xưa trở về chốn hẹn hò, sống lại cùng kỷ niệm. 

Âm nhạc phòng trà là một không gian sinh hoạt văn hóa rất thịnh hành của người Đà Lạt những năm 60 - 90/XX, đó là chốn hẹn hò của những người đang yêu. Vào đêm thứ bảy vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh đã diễn ra Đêm nhạc Ngô Thụy Miên “Một cõi tình phai” là dịp để những “chàng trai cô gái” ngày xưa trở về chốn hẹn hò, sống lại cùng kỷ niệm. 
 
Rất đông người lớn tuổi đã đến đêm nhạc phòng trà để nghe và tự mình thể hiện những ca khúc mình yêu thích của Ngô Thụy Miên. Ảnh: Q. Uyển
Rất đông người lớn tuổi đã đến đêm nhạc phòng trà để nghe và tự mình thể hiện những ca khúc
mình yêu thích của Ngô Thụy Miên. Ảnh: Q. Uyển

Trong ngôi biệt thự, 2 phòng rộng nối với một sân khấu được tô điểm bởi những vách ngăn đường nét vòng cung kiến trúc Tây phương cổ kính. Ánh đèn vàng của những ngọn nến hắt ra ấm áp, cái lạnh bên ngoài và sương mây lãng đãng của trời đêm Đà Lạt không đủ sức để len lỏi vào bầu máu nóng của những con người đã từng yêu và vẫn đang yêu. 
 
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên (1948) tên thật là Ngô Quang Bình thành danh tại Sài Gòn từ trước 1975, hiện đang sinh sống tại Mỹ. Ông sinh ra trong môi trường sách vở và thi ca tại Hải Phòng. Những năm 60/XX ông được học vĩ cầm tại trường âm nhạc Sài Gòn và bắt đầu có mối tình sâu đậm. Tình khúc đầu tiên ông viết là “Chiều nay không có em” vào năm 1965 được giới sinh viên học sinh lúc bấy giờ đón nhận nồng nhiệt. 1969 ông cho in tập nhạc đầu tiên trên giấy có những bài như: Giáng ngọc, Mùa thu cho em, Giọt nắng hồng, Dấu tình sầu, Thu trong mắt em, Tình khúc tháng 6, Ngày mai em đi, Niệm khúc cuối… Tiếp đó là những bài thơ phổ nhạc của Nguyên Sa: Áo lụa Hà Đông, Tuổi 13, Paris có gì lạ không em… Sau 1975, ông tiếp tục sáng tác các ca khúc: Em còn nhớ mùa xuân, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng, Riêng một góc trời, Mưa trên cuộc tình tôi… được người nghe đồng cảm đón nhận nồng nhiệt.
Bên ấm trà nóng, cùng những giọt cà phê tí tách, hơn 20 tình khúc của Ngô Thụy Miên được những người yêu nhạc, những ca sĩ khách mời từ Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận trình bày, đặc biệt là ca sĩ Đình Nguyên người con của Đà Lạt trở về từ TP Hồ Chí Minh thể hiện 3 ca khúc đã làm nên một cuộc chơi sang trọng. Tiếng hát ngân lên, ca từ như quấn quýt cùng điệu đàn ghi ta, dương cầm, kèn Sacxophon dưới ngón nghề của các nghệ sĩ: Quang Hải, Kỳ Phong, Hoàng Phúc. Cả ca sĩ và nhạc công, người xem đều hòa mình và sống cùng âm nhạc, cùng những giai điệu đam mê. 
 
Tình yêu trong ca khúc Ngô Thụy Miên là cho đi, chấp nhận và tha thứ. Dưới ngòi bút đa cảm, lãng mạn và mộng mơ, tất cả những bài hát ông viết đều là tình ca, là tình yêu đôi lứa. Ca từ ngất ngây, say đắm lòng người, trên nền giai điệu ngân lên theo xúc cảm, đã yêu là yêu đến tận cùng, cho dù có chia ly. Với Ngô Thụy Miên, tình yêu không có tuổi. Tình yêu thời trẻ là mộng mơ, lãng mạn, thì khi lớn tuổi thêm một chút tình yêu còn là hạnh phúc, khổ đau. Ở tuổi 20, tình yêu nồng nàn, say đắm, miệt mài… thì khi cuộc tình đã chết sẽ là nỗi buồn đau, tiếc nuối, xót xa nhẹ nhàng như Tình cuối, Niệm khúc cuối. Tuổi 30, tình yêu thổi qua đời như cơn gió lạ đầu mùa, là bát ngát mộng mơ, rồi bỗng thành chia lìa, tan tác. Đó là thời kỳ của Em còn nhớ mùa xuân, Dốc mơ. Còn ở tuổi 40, tình sâu lắng cùng những tiếc nhớ khôn nguôi của một thời đã qua với Trong nỗi nhớ muộn màng, Riêng một góc trời. Tuổi 50 nhìn lại mình, những sợi tóc xanh xưa dần bỏ đi như những kỷ niệm cũ, nhưng trái tim hồng ngày nào cùng Mưa trên cuộc tình tôi, Nỗi đau muộn màng… 
 
Những người lớn tuổi, trung tuổi một thời đong đưa theo từng điệu nhạc, nhẩm theo ca từ, thổn thức như thời mới yêu. Đêm nhạc kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ đã làm sống dậy không khí sinh hoạt âm nhạc từ những năm cuối thế kỷ trước ở Đà Lạt. Phòng trà tan, từng cặp tình nhân trung tuổi, lớn tuổi trở về mái nhà của mình, vẫn còn nhịp theo mãi câu hát còn vương vít: “Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây/Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy, có lá buồn gầy/Dù sao dù sao đi nữa tôi cũng yêu em…”.
 
Muốn tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa phải có chủ thể văn hóa phù hợp. Cuộc sống sôi động, âm nhạc phòng trà không còn là “gu” của những người trẻ tuổi Đà Lạt. Sẽ rất khó để kéo người ta đến những phòng trà nghe nhạc, bởi thời đại số cho phép con người ngồi ở đâu cũng có thể nghe những bản nhạc mình thích vào bất cứ lúc nào. Việc làm sống dậy không gian văn hóa âm nhạc phòng trà là điều rất khó nhưng việc tạo nên đêm nhạc phòng trà là dịp để những “chủ thể văn hóa” của thập kỷ 60 - 90/XX, những người lớn tuổi đã có dịp “trở về” sống lại trong không khí của những năm tháng tuổi trẻ, những buổi hò hẹn đầy mê say, để gặp lại tuổi trẻ của mình ở đó - Đó cũng là ý tưởng đẹp, là tâm huyết của ông Nguyễn Vũ Hoàng (Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng) muốn gửi gắm. 
 
QUỲNH UYỂN