Lên Tây Bắc

VÕ TRẦN PHÚ 06:01, 04/04/2024

Cuộc hành trình xuyên Việt trong chuyến đi về nguồn của đoàn cựu chiến binh Lâm Đồng, đưa chúng tôi về với Điện Biên - một địa danh lịch sử của đất nước, một dấu son trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc.

Một góc thành phố Sơn La
Một góc thành phố Sơn La

Từ cao nguyên Lâm Viên, đoàn chúng tôi vượt trên 1.733 km bằng đường bộ để về thành phố Điện Biên. Thành phần trong đoàn đi lần này là những anh chị em cán bộ, chiến sĩ đã trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất Lâm Đồng - Đà Lạt. Trên nét mặt của mọi người thoáng hiện niềm hân hoan, phấn khích. Khi đoàn chúng tôi vừa đặt chân đến đất Quảng Nam, cơn bão số 6 đã chào đón chúng tôi bên bờ biển Cửa Đại. Từ huyện Duy Xuyên, qua cầu Cửa Đại nhìn về thành phố cổ Hội An, trời mịt mù trong mưa bão, đường ngập nước như những dòng sông. Đêm ấy, chúng tôi về nghỉ tại trại huấn luyện quân sự, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Đà Nẵng. Nơi đây là tâm của cơn bão khi đổ bộ vào đất liền, mưa như trút nước, gió giật liên hồi, nước dâng cao ngập nửa bánh xe ô tô, cây cối đổ ngổn ngang trên đường phố.

Đến Nghệ An, đoàn nghỉ lại và tổ chức về làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn để thăm quê hương Bác Hồ kính yêu. Dưới những hàng cau xanh mướt, hàng rào dâm bụt nở những bông hoa đỏ thắm. Một làn khói xanh lam lan tỏa ôm ấp mái tranh. Nơi ấy là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời. Trong không gian ấm cúng, cả đoàn kính cẩn dâng hương lên bàn thờ Người, với một tấm lòng thành kính của những đứa con từ cao nguyên Lâm Viên xa xôi về thăm quê Bác. Tại đây, đoàn lặng lẽ lắng nghe những lời thuyết minh của người con gái xứ Nghệ về sự ra đời của bậc vĩ nhân khi đất nước còn trong vòng đô hộ của thực dân Pháp.

Đoạn đường lên cao nguyên Mộc Châu phải vượt qua những khúc quanh hiểm trở bên vách núi. Chiều xuống, thời tiết trên vùng cao nguyên này se lạnh, giống như không khí ở Đà Lạt những buổi chiều đông. Hôm sau, đoàn chúng tôi đến viếng Nhà tù Sơn La, là nhà tù của thực dân Pháp giam cầm những nhà hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Thăm cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư Chi bộ Đảng kiên trung của nhà tù. Cây đào vẫn trổ hoa rực rỡ khi mùa xuân về, biểu thị cho tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cộng sản khi bị giam ở nhà lao. Về thăm Nhà tù Sơn La và cây đào Tô Hiệu nhà thơ Tạ Hữu Yên đã cảm xúc: "Trang thơ tôi đằm lại/ Giữ Nhà tù Sơn La/ Tô Hiệu ơi có phải/ Anh về cùng mùa hoa".

Vượt đèo Pha Đin, xe đưa chúng tôi về vùng đất lịch sử Điện Biên. Tôi đã quan sát tận mắt và ghi nhận qua ống kính của mình con người Điện Biên vẫn giữ được nếp sống văn hóa mang bản sắc của người Thái ở Tây Bắc. Cụ thể là những nếp nhà sàn đơn sơ bên vách núi, nhà rẫy trên ruộng bậc thang hay những nhà sàn to rộng ở thung lũng Mường Thanh. Tất cả nhà làm bằng gỗ kiểu cách rất giống nhau. Họa hoằn lắm mới có một vài nhà xây theo kiến trúc kiểu mới. Đặc biệt, các cô gái Thái ở Điện Biên vẫn duyên dáng trong trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình khi xuống chợ hay là lúc đi lễ hội.

Đoàn chúng tôi được cơ quan Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đón tiếp rất nghĩa tình và tổ chức cho đi tham quan các điểm lịch sử quanh thành phố như Đồi A1, trận Him Lam, đài chiến thắng, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi bắt sống tướng giặc De Castries. Các sĩ quan đưa đoàn chúng tôi viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Điện Biên, đặt vòng hoa tưởng niệm và thắp những nén hương thơm lên các phần mộ liệt sĩ.

Là những người lính đã trải qua những cuộc chiến tranh, dù ở bất cứ nơi nào trên mọi miền Tổ quốc đều xúc động nghẹn ngào trước những nấm mồ của những chiến sĩ cách mạng đã nằm lại trên đất này. Anh Lê Văn Nho (nguyên là thượng sĩ, Phòng Thống kê quân sự, Tỉnh đội Lâm Đồng) bày tỏ cảm xúc: “Hôm nay đến đây, tôi đã thắp những nén nhang cho những người đồng đội đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Các anh và tôi chưa một lần biết tên, chưa một lần thấy mặt nhưng trong thâm tâm tôi nghĩ là một người lính đã trải qua chiến tranh thấy các anh như là đồng đội của mình cùng chung chiến hào. Các anh là lớp người đi trước đã ngã xuống, lớp đàn em như tôi vẫn vững tay súng cho đến ngày Nam - Bắc thống nhất”.

Đứng trên Đồi A1, nhìn bao quát thành phố Điện Biên, ai đó chưa trải qua chiến tranh thì khó hình dung nổi trận đánh với gần 1.000 kg thuốc nổ đưa vào cứ điểm này. Ngày xưa, rừng bao phủ đến tận cứ điểm, dưới tán rừng là những đường giao thông hào, những hầm trú ẩn để bộ đội ta chuyển thuốc nổ vào tận lô cốt của giặc trên Đồi A1. Nơi ấy, ngày nay là thành phố, nhà cửa mọc lên san sát làm sao hình dung nổi. Trong lần tham quan này, ấn tượng nhất để lại trong tôi là lúc tham quan nhà Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ, nơi tôn vinh giá trị chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bảo tàng được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000 m2, đến tháng 5/2014, chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng được thiết kế theo hình nón cụt. Xung quanh trang trí lấy ý tưởng từ chiếc mủ anh bộ đội có tấm lưới cắm lá ngụy trang. Tại không gian trưng bày trong bảo tàng đập vào mắt tôi là bức tranh panorama (toàn cảnh), rộng hơn 3.000 m2, tái hiện lại 4.500 nhân vật giữa chiến trường bi tráng. Bức tranh được hơn 200 họa sĩ miệt mài thể hiện trong vòng 2 năm, đây là bức tranh lớn nhất thế giới. Bức tranh được chia làm bốn trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Chiến thắng. Mỗi trường đoạn là một bản thông điệp mô tả cuộc chiến đấu 56 ngày đêm trên trận địa Điện Biên Phủ. Tạo nên một pho sử hoành tráng bằng tranh rất sống động.

Về Điện Biên hôm nay là nỗi niềm khao khát của nhiều người, trong chuyến đi này. Chị Trần Thị Đa, nguyên là chiến sĩ quân y Tiểu đoàn 810 (đơn vị 2 lần được phong anh hùng) nghẹn ngào trong cảm xúc: “Niềm mơ ước của tôi trong thời kỳ chống Mỹ, đến bây giờ mới thành hiện thực. Tai nghe, mắt thấy những cảnh quan qua những chiến tích trong phòng trưng bày với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, bản đồ, vũ khí khí tài, quân trang, quân dụng mà bộ đội ta thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Cảm ơn Bảo tàng lịch sử Điện Biên đã trưng bày, giải thích cho tôi hiểu thêm về những trận đánh ở đồi Him Lam, Đồi A1, sở chỉ huy của ta ở chiến dịch. Trong đó nói rõ việc tấn công vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ở cánh đồng Mường Thanh, bắt sống viên chuẩn tướng De Castries. Khi nghe nói về trận đánh thuốc nổ ở Đồi A1 tôi thật xúc động về những chiến sĩ trước khi xuất quân đánh trận này được tổ chức làm lễ truy điệu sống - có nghĩa là ra đi không có ngày về. Tôi xúc động rưng rưng nước mắt và chỉ biết nói lời cảm ơn”.

Những ngày ở Bộ CHQS tỉnh Điện Biên, các lãnh đạo và các sĩ quan tham mưu, hậu cần đã tạo mọi điều kiện cho đoàn chúng tôi nơi ăn, chốn ngủ và hướng dẫn đi tham quan thật chu đáo ấm áp nghĩa tình. Trong buổi tiệc trước khi chia tay, Đại tá Ngô Quang Tuấn - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên thân mật bắt tay tôi, siết chặt, nói to trong khán phòng một câu đùa dễ thương: “Đây là người lính đánh giặc không có súng”. Anh là phóng viên chiến trường thời chống Mỹ. Hôm nay về với Điện Biên, về với những người lính hai miền Nam - Bắc đầy nghĩa tình. Nhà báo phải viết một bài thật hay nhé! Chúng tôi ở tận biên cương, mong các anh, các chị đi đường bình an để có ngày trở lại thăm Điện Biên trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”.