Phố núi… chợt nắng, chợt mưa

TỨ ĐỨC 07:02, 06/02/2024

Xe vừa qua khỏi đèo Bảo Lộc, không khí hầu như khác hẳn, không còn cái nắng oi nồng của Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Chỉ vì một điểm rất đặc biệt, phố núi… chợt nắng, chợt mưa.

Niềm vui của những nông dân thành phố trà, tơ lụa
Niềm vui của những nông dân thành phố trà, tơ lụa

Mưa nắng Bảo Lộc rất hay và lạ mà nhiều người, nhất là văn nghệ sĩ thường dùng một từ để gọi, để đặt tên cho các tác phẩm của mình “chợt”. Chợt” nghĩa là bỗng nhiên, thình lình, con người không định lượng trước được thời gian chính xác có thể diễn ra. Miên man ngày dài ở Bảo Lộc, cho ta những suy ngẫm giữa lằn ranh mưa, nắng. Có lẽ, Bảo Lộc quá mến những vị khách phương xa, nên chợt nắng, chợt mưa để rồi níu giữ. 

Lâm Đồng là tỉnh duy nhất của Tây nguyên có đến 2 thành phố, một Đà Lạt ngàn hoa và đầy sương; một Bảo Lộc chợt nắng, chợt mưa với trà, tơ lụa. Trên địa bàn TP Bảo Lộc hiện nay có khoảng 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh trà; trong đó, có 70 doanh nghiệp và khoảng 90 cơ sở sản xuất. Sản lượng sản xuất các loại trà hàng năm đạt khoảng 23.000 tấn.

Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ tằm đến nay là 29 doanh nghiệp. Trong đó, có 10 doanh nghiệp ươm tơ, 9 doanh nghiệp dệt, 1 doanh nghiệp in, chải, nhuộm; 5 doanh nghiệp kinh doanh tơ lụa, 3 doanh nghiệp sản xuất trứng giống tằm, 1 doanh nghiệp kinh doanh trứng giống tằm, ngoài ra còn có khoảng 10 hộ ươm gia đình dạng ươm tơ cơ khí. Sản lượng sản xuất, sản lượng tơ khoảng 1.050 tấn tơ/năm; khoảng 5 triệu mét vải lụa các loại. Phải đưa ra những số liệu như vậy mới minh chứng được vì sao khi nhắc đến Bảo Lộc là nghĩ ngay đến thành phố của trà, tơ lụa. 

Đến Bảo Lộc, điều lạ lẫm nhất chính là thành phố gì mà lạ kỳ, sáng sớm nắng lẫn trong sương, trưa đến mây ở đâu ầm ầm kéo đến, đổ một cơn mưa trắng trời. Mây vần vũ đến rất nhanh, mưa cũng vội vàng nhường mình lại cho những tia nắng he hé phía lưng chừng núi. Cầu vồng mọc lên, lẹm một vệt sáng bảy màu bắc ngang hồ Đồng Nai Thượng, Đồng Nai Hạ. Mưa rơi, từng nơi từng nẻo. Mưa cho đồi trà thêm xanh, tơ tằm thêm biếc, phảng phất trong gió hương hoa phôi pha.

Trên những đồi trà, từng luống trải dài, vuông vức; lứa đôi tình tứ chụp ảnh trong màn sương mờ ảo, từng ánh nắng he hé phản chiếu từng búp trà non mơn mởn. Bỗng nhiên phố núi lại chợt nắng, chợt mưa; để rồi từng đôi dìu nhau trong hoang vắng, miên man. Nắng ở Bảo Lộc không gay gắt như ở các huyện phía Nam, cũng không phải nắng lạnh như Đà Lạt, mà có một cái gì đó trung hòa giữa các miền khí hậu, cho ta một cảm giác thoải mái, khoan khoái. 

Đi qua những ngày mưa, nắng, hoa ở Bảo Lộc lại hé nở. Có hai loài hoa khá đặc biệt ở đây là hoa hồng phấn (kèn hồng) và hoa phượng vàng. Hồng phấn mọc nhiều ở hồ Nam Phương cách trung tâm thành phố chừng 2 km. Tuy nhiên, vẻ đẹp của loài hoa này sớm bị những cơn mưa bất chợt của phố núi xóa đi vẻ hồng mịn phôi pha. Cũng chính những cơn mưa làm cho thời gian của loài hoa ngắn lại, thôi thúc lữ khách nhanh chân để níu giữ khoảng khắc. Phượng vàng thường nở vào mùa xuân, đây là điều khác biệt của loài hoa này. Vì tựu trung ta chỉ nhớ hoa phượng thường nở vào mùa hè, gắn với tuổi học sinh, nam thanh, nữ tú: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu”… Mưa nắng bất chợt cũng làm mùa hoa giã quỳ mọc dại ở Bảo Lộc thêm vàng óng ả; điểm tô cho một thành phố thêm phần lung linh. 

Đã có nhiều người ấn tượng về Bảo Lộc với lối kiến trúc hiện đại, phảng phất nét Âu châu. Cũng nhiều người vấn vương Bảo Lộc khi nhớ về một thửa B’ Lao xưa. Chiều mưa Bảo Lộc cho ta những cảm xúc hai chiều thương nhớ như ai đó âm thầm vừa qua đây. Chẳng hạn thuở Trịnh Công Sơn còn ở B’Lao với mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Một thành phố vừa mang nét hiện đại vừa chấm phá những nét cổ kính riêng biệt bên trên những tháp chuông nhà thờ.

Ở dải đất hình chữ S này, người ta thường biết đến khí hậu miền Bắc với tiết trời 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; tiến vào Nam với quê em hai mùa mưa nắng. Nhưng, ở thành phố trẻ này, chợt nắng, chợt mưa chính là dấu hiệu đầu tiên để nhận biết và phân định. Một ngày dài ở Bảo Lộc mới thấy rõ lằn ranh giữa mưa và nắng; mới cảm nhận được hương vị của phố núi chợt nắng, chợt mưa.

Có lẽ, đối với những lữ khách lần đầu tiên đặt chân đến phố núi, với hai điểm đặc biệt đã trở thành thương hiệu là trà và tơ lụa thì chợt nắng, chợt mưa cũng là một nét thi vị đáng để suy ngẫm. Cho ta một cảm giác sống chậm ở giữa lòng thành phố, bên tách cà phê, ly trà thơm để chờ đợi một điều gì đó… chẳng hạn mưa đến bao giờ thôi rơi…