Nói thêm đôi điều về hình tượng nghệ thuật thơ (bài cuối)

UÔNG THÁI BIỂU 06:44, 11/01/2024

Để ngõ hầu được nói nhiều hơn về thái độ giao tiếp chân thành giữa nhà thơ và công chúng của mình, cũng làm sáng rõ thêm về tư duy hình tượng trong sáng tác thơ, chúng tôi muốn bàn về những điều mà những người làm thơ đều thấy mình đang trải nghiệm trong không gian đó...

Ngày thơ là ngày hội lớn của công chúng yêu thi ca. Ảnh: Q.U
Ngày thơ là ngày hội lớn của công chúng yêu thi ca. Ảnh: Q.U

Thứ nhất, trong quá trình sáng tạo thơ ca, một tâm lý đặc biệt đang dần hình thành trong tinh thần, tư tưởng của nhà thơ. Xin tạm gọi là tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Tâm lý sáng tạo nghệ thuật là cái khởi đầu, là cái nguyên cớ cho sự ra đời một tác phẩm thơ. 

Hay, hấp dẫn, mới lạ... là khao khát của nhà thơ trong quá trình tư duy thai nghén cho sự ra đời tác phẩm của mình. Chính vì vậy, đó là một quá trình tâm lý hưng phấn, căng thẳng, dữ dội, đó là sự dồn nén, là áp lực, là nghịch lý giữa khao khát và tài năng. Tuy nhiên, những sợi giây thần kinh mỏng manh và dòng máu trong tim của các thi sĩ là bình đẳng với nhau, ai cũng giống nhau trong áp lực đó. Tất nhiên, có tâm lý thần thánh và có những bức bối thường nhân. Từ sự áp lực và nghịch lý, cảm hứng sinh thành trên nền tảng những câu thúc sáng tạo. Sự đam mê ngôn từ, cách thức lựa chọn đề tài, những xung động lý trí, những réo rắt xúc cảm làm cho người thơ thăng hoa. Trên cái nền thăng hoa từ cảm hứng tự nhiên đến cảm hứng nghệ thuật, người làm thơ tự tìm cho mình mạch thẳng của cảm hứng chủ đạo như người thợ xẻ tìm mạch cưa cho gỗ. Nhưng người làm thơ không viết thơ như cưa gỗ, mà họ chọn lối đi vào mạch ngầm chữ nghĩa. Ở nơi đó là thi pháp, là thủ pháp, là tính đa thanh, đa sắc, đa nghĩa, hàm ngôn, thẩm mỹ... có cơ hội để giằng xé, chọn lựa. Về điều này, nhà thơ Hữu Loan nói rất hay: “Sáng tạo là hiện tượng tâm sinh lý ác liệt, nhưng không mù quáng, mà có lửa thần đưa đường...”. Ngọn lửa thần ấy chính là sự dẫn dắt của lý trí, là lý tưởng thẩm mỹ mà nhà thơ trọn đời sống, tranh đấu và theo đuổi. Ngọn lửa thần đó chính là cái nền văn hóa, cái tài hoa, cái gan ruột, cái tâm huyết luôn trĩu nặng trong tâm hồn nhà thơ đau đáu với dân tộc, với cuộc đời, với con người và đối diện với chính nỗi đau tận cực, nỗi cô đơn phiêu linh của chính mình. “Thơ tôi viết ước gì như máu thịt”, giữa chiến trường chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu tác giả của trường ca “Nấm mộ và cây trầm” từng viết. Từ cái nguồn năng lượng được sinh thành dựa trên nhiều chất liệu, trong đó có tâm lý khao khát hiến dâng vẻ đẹp tâm hồn mình, sáng tạo của mình cho công chúng, mà các nhà thơ tài năng đã làm nên những điều vi diệu bằng những thi phẩm sống mãi với thời gian.

Bài thơ “Tây tiến” ra đời khi nhà thơ Quang Dũng đang làm lính trận. Vẻ đẹp lồng lộng kiêu hùng của chiến binh Tây Tiến được thi sĩ dựng lên từ sự hy sinh vô bờ bến những sông máu, núi xương của “đoàn binh không mọc tóc”. “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan được viết trong nỗi đau tột cùng của người trai từ chiến trường trở về đã mất “người vợ chờ bé nhỏ chiều quê”. Thi phẩm “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm viết như trong một giấc mơ siêu hình. Mối tình dưới “Núi đôi” của Vũ Cao không thành nhưng đã dựng cho đời một tượng đài tình yêu bằng áng thi phẩm đẹp, mang màu sắc bi tráng. Đó là những trải nghiệm tâm lý đặc biệt, nhân lên, đẩy lên, ngực trào, đầu sôi... làm cho thi sĩ sáng tạo như “không kịp trở tay” với nguồn cảm hứng của chính mình. Nước đã hóa thành rượu, khi mà nỗi đau, nỗi bi hùng, niềm khao khát của một người lại có sự lan tỏa, lay động đến muôn người, đến mãi mai sau...

Điều thứ hai mà chúng tôi muốn nói là, muốn tạo nên tư duy hình tượng thì trước hết, người sáng tạo thi ca phải giàu trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng phong phú, sức liên tưởng sẽ tập trung cao độ và tạo nên trạng thái sâu sắc của tư duy. Nếu không có tưởng tượng sẽ không có sự liên tưởng. Một người làm thơ chỉ nhìn hiện thực và phản ánh nó một cách máy móc theo góc nhìn mô phỏng thì đó là thể hiện sự thất bại. Người ta thường lấy hình ảnh bài thơ “Con cóc” trong dân gian để ví điều này. Chính vì vậy, giàu trí tưởng tượng - giàu cảm xúc liên tưởng là điều khác biệt của nhà thơ với người chỉ biết gieo vần.    

Sự liên tưởng sẽ giúp thi phẩm vượt thoát lên khỏi sự trần trụi, giản đơn để kiếm tìm một “cảnh giới” cao hơn. Thi sĩ Flaubert (Pháp) ý kiến: “Đừng bao giờ sợ sự phóng đại và xu hướng phóng đại... Sự phóng đại vừa độ, hợp lý, hài hòa, tức là sự khái quát hóa và tính năng động trong cách thể hiện liên tưởng.” Từ liên tưởng thẩm mỹ, cái đẹp hiện thực được lôi lên đài cao và tỏa sáng lấp lánh: “Ôi cái gió Tuy Hòa/ Cái gió chuyên cần và phóng túng” (Tình sông núi của Trần Mai Ninh); “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh/ Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” hay “Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng” (Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm); “Màu tím hoa sim/ Tím chiều hoang biền biệt” (Màu tím hoa sim của Hữu Loan); “Đưa người ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng.” (Tống biệt hành của Thâm Tâm); “Họ chia tay/Vẫn chẳng nói điều gì/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi” (Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn); “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao” (Thời hoa đỏ của Thanh Tùng)... Những câu thơ vừa trích đã ở tầm rất cao của hiện thực, của sự quan sát, bởi nhờ trí tưởng tượng và sự liên tưởng. Đau như quằn quại hơn, đẹp như lộng lẫy hơn; buồn như tê tái trời đất; sự khoáng đạt trải đến mênh mông. Trong thơ ca Lâm Đồng, liên tưởng “Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông” của Phạm Quốc Ca, tỉa tót những chi tiết ám ảnh từ ký ức của Vương Tùng Cương, Phạm Vĩnh, Nguyễn Thanh Đạm, thi ảnh người đánh cá trên hồ Xuân Hương trong sương sớm của Nguyễn Tấn On hay những câu thơ viết lên bằng sự đột hiện, chớp bắt của Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn Hiếu cũng từng làm tôi ám ảnh...    

Về góc độ này, cảm nhận từ thơ ca cổ điển thường rõ nét hơn. Dấu trong thủ pháp ước lệ, tượng trưng, các nhà thơ cổ thường “mượn cảnh tả tình” để cho lời thơ phát triển đến cao nhất cách lập thi “ý tại ngôn ngoại”. Những phong, hoa, tuyết, nguyệt... những tùng, cúc, trúc, mai... những núi dài, sông rộng... từ trực giác đã được tâm hồn thi sĩ hiến thân chúng thành những biểu tượng: chính nhân, khuê các, thanh bạch, trong lành, đau khổ, thăng hoa, vô vi... Những cái có thật được hư ảo hóa, nhân cách hóa, ẩn dụ hóa. Cái đẹp của thi ca bám vào rễ hiện thực mà lại trở thành bóng mát cho bộ rễ mà mình phản ánh. Sức tưởng tượng và trí liên tưởng cùng với sự dẫn dắt của tư duy sẽ giúp cho thi sĩ thăng hoa và dâng hiến. Sức tưởng tượng sáng trong, óc phán đoán minh mẫn, khả năng dự báo chính xác sẽ là những yếu tố giúp nhà thơ cách tân thi pháp. Ở một khía cạnh khác, sự liên tưởng chệch hướng sẽ tạo nên vùng lệch lạc của tư duy, có khi tăm tối và bế tắc. Điều đó là hẳn nhiên.

Trí nhớ về một miền ký ức từng qua, sẽ giúp ta tưởng tượng về nơi chốn đó, vùng cảm xúc đó và đồng nghĩa với sự liên tưởng về những gì “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Một hiện thực lơ lửng treo trước mắt như dòng suối khát, như quả táo xanh cũng giúp ta hình thành một ý niệm, có thể mơ hồ. Nguyễn Du “nhìn” thấy “Kẻ nách thước người tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” từ năm Gia Tĩnh Triều Minh mà làm cho người đọc Kiều hàng thế kỷ sau vẫn chưa nguôi hận. Trong hoàn cảnh đen tối của hiện thực, vẻ đẹp của thi ca đã nảy mầm trên cánh đồng đau thương...  
 
Điều mà chúng tôi muốn nói tiếp theo, đó là đừng bao giờ phủ định rằng, cảm xúc đã làm nên nhà thơ và tác phẩm thơ. Những nhà thơ giàu cảm xúc mới sáng tạo những tác phẩm thi ca dạt dào cảm xúc. Đọc những vần thơ, bài thơ đầy ấn tượng của các tác giả cổ - kim - đông - tây, điều đầu tiên chúng ta nhận được chính là những tâm hồn mẫn cảm với thời cuộc, đồng cảm với nỗi đau nhân thế, có tình yêu không bến bờ đối với con người, tinh thần thăng hoa vô tận trước vẻ đẹp thiên nhiên. Đọc một bài thơ hay, nói như Xuân Diệu “ai đem phân chất một mùi hương”, thật khó phân biệt trong những câu chữ kia đâu là do bộ óc mang lại, đâu thuộc trái tim, đâu là lý trí, đâu là cảm xúc. Nhưng có lẽ, điều này là có thật, hình tượng thơ chỉ lóe sáng lên khi nào tình cảm chân thật đến tận cùng, bung thoát sự kìm nén của cảm xúc và mạch lạc của tư duy. Lúc đó, ngôn ngữ thơ được thăng hoa. Thi phẩm được thể hiện sức sống của mình trong một trường liên tưởng mênh mông của trí tưởng tượng. Trường liên tưởng của đối tượng cảm thụ dự phần vào đó như một chủ thể sáng tạo thứ hai. Và lúc đó, nhà thơ bắt gặp sự đồng điệu, tri âm của người đọc. Mỹ cảm giữa người viết và người đọc đồng hiện, những phạm trù cái đẹp chân - thiện - mỹ hình thành và lan tỏa...  

* * *

Nói về hình tượng thơ thì không có kết thúc. Nhưng vì bài viết đã quá dài, chúng tôi muốn tóm lại rằng, khi đọc thơ, những bài thơ, ý thơ, câu thơ nhớ nhất là khi mình tìm được sự đồng cảm trong tâm hồn, trong cảm xúc, là khi bị bất ngờ, đôi khi đến sửng sốt trước một hình ảnh mới lạ, một liên tưởng độc đáo, một từ đắt giá hay có khi chỉ là một từ cũ nhưng mang ý nghĩa mới. Giữa thi pháp, kỹ thuật viết và cảm xúc thì yếu tố thứ hai có tính quyết định trong quá trình sáng tạo thơ ca. Khi cảm xúc kết hợp thành một chỉnh thể thống nhất với tài năng, trí tuệ, sự trải nghiệm thì nó trở nên hoàn hảo. Kỹ thuật viết thể hiện tính chuyên nghiệp của thơ ca nhưng làm thơ mà chỉ chú ý nhiều đến kỹ thuật thể hiện thì chúng ta chỉ cần “lập trình thơ” chứ không cần tâm hồn thi sỹ. Chỉ khi có nhu cầu bức thiết của nội tại, khi có sự thăng hoa của cảm xúc mới có những tứ thơ xuất thần, những câu thơ hàm súc và lẽ đương nhiên, khi đó cảm xúc đang đứng ở ngôi làm chủ...



Liên kết hữu ích