Kể mãi chưa hết chuyện những anh hùng

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:43, 21/12/2023

“Sống để kể lại những anh hùng” - tác phẩm mới nhất của tác giả Nguyễn Quang Chánh được ra mắt vào dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023). Tác phẩm viết về những câu chuyện cảm động về những người anh hùng cao thượng, bình dị, sống trong lòng dân. Tác giả cuốn sách đã có nhiều chia sẻ thú vị xung quanh tác phẩm của mình.

 

Được biết, tác giả Nguyễn Quang Chánh nguyên là cán bộ của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, điều gì khiến anh có động lực cầm bút và ra mắt những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng - chỉ nhìn qua thôi cũng thấy rằng lắm công phu?

• Tôi không phải nhà văn, trước đây tôi có viết báo cộng tác nhưng không chuyên về công việc này. Tuy vậy, những cuộc gặp tình cờ với những người anh hùng như chú Bảy “phi công”, chú Tư Cang... được nghe câu chuyện của họ quá hay nên dù không phải nhà văn, nhà báo, không có khả năng viết bóng bẩy, tôi vẫn mong muốn được viết lại. Viết theo cách nghe sao viết lại như thế, giản dị và chân thành. Tôi hiểu rằng, nếu viết bóng bẩy quá thì nội dung câu chuyện và những nhân vật của mình đều không còn thật với những gì mình được nghe, vì thế tôi chọn cách viết trung thực, không bình luận nhiều. Tôi chỉ là người ghi lại, mọi thứ phía sau cần để cho chính nhân vật, chính câu chuyện tự bật lên. Tôi viết trước hết để thể hiện sự biết ơn, quý mến của mình với những người anh hùng tôi được gặp, viết để lưu giữ cho mình, cho con cháu mình, sau là cho người thân, bạn bè đọc qua facebook, có điều kiện hơn nữa thì sẽ in sách để lan tỏa rộng hơn, chính thống hơn. 

“Sống để kể lại những anh hùng” của tác giả Nguyễn Quang Chánh ghi chép chân thực về những người Anh hùng lực Lượng vũ trang Nhân dân đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, hy sinh oanh liệt.

Qua những câu chuyện kể của người trong cuộc rất chân thực và hết sức xúc động. Những người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ bình dị ở các quân binh chủng, từ đặc công, biệt động, tình báo, bộ binh cho tới không quân đã vào trận và lập công xuất sắc, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh để đánh thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Những tấm gương dũng cảm ấy cần được kể lại nhiều hơn nữa để lan tỏa trong đông đảo mọi người dân Việt Nam, nhất là trong giới trẻ, qua đó để lớp lớp thanh niên tự hào và biết ơn các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường, hy sinh xương máu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Năm tháng sẽ lùi xa, song những câu chuyện kể chân thật như thế này sẽ giúp cho mọi người nhớ mãi về lòng yêu nước, sự hy sinh vô bờ bến của những người chiến sĩ, bộ đội Cụ Hồ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách là những tư liệu tốt để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng trong thanh niên, nhất là trong thanh niên các lực lượng vũ trang để họ trung thành tuyệt đối với Đảng, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Đại tướng Phạm Văn Trà - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

• Thưa anh, điều gì đã thúc đẩy anh hoàn thành tác phẩm “Sống để kể lại những anh hùng”, khi cuốn sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63” cùng chủ đề này chỉ vừa ra mắt cách đây chưa đầy nửa năm?

• Cuốn “Kể chuyện cụm tình báo H.63” nhận được sự ủng hộ khá bất ngờ đối với tôi khi chỉ sau 7 ngày ra mắt sách đã nối bản, và đến nay có khá nhiều bản sách in lậu được bán tràn lan trên các trang thương mại. 

Sau sự thành công của cuốn sách này, tôi có tâm sự với cậu họa sĩ thiết kế rằng, tiếp theo, tôi sẽ làm cuốn sách kể chuyện về những anh hùng, sẽ đi vào nhiều câu chuyện thân phận, cảm động... Chỉ sau hơn một ngày, cậu ấy chuyển cho tôi một cái bìa thật đẹp, dành cho cuốn sách mới chỉ bắt đầu trong ý tưởng. Bìa sách khiến tôi ưng ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng với tính kĩ lưỡng, cầu toàn, cậu họa sĩ vẫn làm tới cái thứ 10, đến khi cậu ấy thực sự hài lòng mới thôi. Cậu ấy khiến tôi vừa có động lực vừa có áp lực, buộc mình không dừng bước mà phải cố “bò” theo mạch cảm xúc mà làm. Tôi có 99 ngày để hoàn thành bản thảo. Trong đó có nhiều nội dung từng là những bài viết tôi đã đăng trên mạng xã hội. Dĩ nhiên, để bài viết từ mạng xã hội vào sách, đó là một sự bỏ công không hề nhỏ của người viết và của họa sĩ thiết kế trình bày mà mở sách ra, độc giả có thể dễ dàng cảm nhận được. Ở cuối sách, phần lời cảm ơn được trình bày như một tờ sớ cuộn lại mang những gợi mở về sự ghi công, biết ơn trường tồn theo thời gian chính là ý tưởng của cậu họa sĩ thiết kế. Tôi biết ơn cậu ấy vì những chăm chút kỹ lưỡng như thế. Tôi cảm thấy rất rõ, mình có một người bạn đường đang cùng tạo dựng ra đứa con tinh thần của mình hoàn toàn vì cái tâm, không phải vì tiền để có thể ra một cuốn sách không chỉ chất lượng về nội dung mà phải thật thẩm mỹ, thật trân trọng, xứng với những đề tài, những con người mà mình hướng tới. Điều ấy tiếp sức rất lớn trong việc hoàn thành cuốn sách dày dặn này trong một thời gian khá ngắn.

• Cuốn sách này có những điều gì khác biệt so với nhiều cuốn sách viết về những anh hùng của anh trước đây?

• Ngay trong buổi giao lưu ra mắt sách “Kể chuyện cụm tình báo H.63” - cuốn sách ra mắt gần đây nhất, tôi đã hứa với mọi người rằng, tôi sẽ ra mắt 2, 3 cuốn sách nữa về những người anh hùng vì những tư liệu, câu chuyện của họ đầy ăm ắp trong tôi, và mạch suy nghĩ về chuỗi đề tài này đang đầy cảm hứng, kể mãi chưa hết chuyện. Không chỉ về H.63 mà còn nhiều đơn vị khác nhau, đặc công, phi công... rất nhiều người anh hùng trên nhiều lĩnh vực ấy có những câu chuyện ghi dấu ấn sâu sắc trong tôi.

Những cuốn sách tôi viết, thường mang dáng dấp là người kể chuyện. Sau “Kể chuyện về cụm tình báo H.63” anh hùng, thú thật tôi định viết cuốn sách tiếp theo là kể chuyện về những người anh hùng. Vậy nhưng sau khi ngồi cùng họa sĩ thiết kế, hai anh em nảy sinh ra ý tưởng khác, chúng ta đang sống và kể lại về những câu chuyện người anh hùng, và câu chuyện ấy sẽ tiếp nối mãi trong đời sống này. Tôi liên tưởng đến một nhà văn Nga - Valentin Rasputin, ông có tác phẩm rất hay viết về đại chiến thế giới lần thứ 2: “Sống và nhớ lấy”. Tôi nghĩ cuốn sách của mình rất phù hợp với tựa đề: “Sống để kể lại những anh hùng”.

Tại sao lại là “kể lại” mà không phải là “kể về”? Vì tôi mong những câu chuyện về anh hùng có được sự lan tỏa, sự tiếp nối từ người này qua người khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đặc biệt là đến được với trái tim thế hệ trẻ.

• Có những trang sách trong tác phẩm này, anh viết khi không kìm nén được cảm xúc, trào rơi nước mắt. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về những trang sách, những câu chuyện cảm động ấy?

• Thật sự với nhiều nhân vật tôi được gặp, tôi đều được nghe những hoàn cảnh, những câu chuyện hết sức khó khăn mà nếu không bằng một ý chí phi thường, khó mà vượt qua được. Ví dụ như, khi tôi viết về Anh hùng Bảy Ước, câu chuyện được con của chú kể lại theo lời kể của ba, khi máy bay Mỹ bắn vào trạm xá Trung đoàn 10, trong đó có cô Mến, vợ của chú. Ông chạy ra, chứng kiến cảnh ấy chỉ có thể ngồi thụp xuống, bó gối kêu lên: “Trời ơi”. Hay cảnh những lúc ông đi tìm đồng đội hy sinh mà không thể tìm ra vì đã bị cá sấu Rừng Sác ăn hết rồi. Nỗi đau chứng kiến đồng đội hy sinh hai lần, đầy trống trải và khốc liệt. Khi viết đến đó, tôi cố hình dung nếu ở cảnh đó, mình sẽ thế nào, và rưng rưng đi theo nỗi đau của nhân vật.

Còn chuyện của cô Võ Thị Tâm, Trung đoàn 31 của cô do ông Hai Hoàng chỉ huy tham gia đợt 2 Mậu Thân 1968. Cầm cự đánh nhau với địch ở khu chợ Thiếc, Quận 11, Quận 6 gần cả tháng trời. Pháo địch bắn nát mấy khu nhà mà họ ẩn náu. Cô Tâm bị thương và bị vùi lấp trong đống đổ nát, tỉnh dậy thấy con mắt trái lòi ra ngoài, bê bết máu. Cô dùng tay đẩy con mắt ấy vô lại hố mắt sau bao nhiêu lần chịu đau đớn...

Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang kể cho tôi nghe về chính người em trai của ông, hy sinh ở Bà Rịa, Mậu Thân năm 1968. Do bị chỉ điểm vị trí hầm trú ẩn của toàn bộ cán bộ lãnh đạo xã Long Phước, toàn bộ quyết định hy sinh tập thể chứ không đầu hàng. Vì khi bị bắt lên, có thể xảy đến tình huống không hay về sau gây ảnh hưởng đồng đội, tổ chức của mình. May có một nữ đồng chí sợ quá bỏ chạy ra khỏi hầm, bị bắt và trao trả sau này về kể lại anh em mới biết rõ hoàn cảnh hy sinh tập thể này.

Tôi đã đọc nhiều trang sách viết về chiến tranh nhưng không thấy sự khốc liệt ở đó như chính từ những câu chuyện mình được nghe kể. Chính vì thế mà tôi mong muốn chia sẻ những câu chuyện ấy qua trang viết của mình.

• Cảm ơn anh đã chia sẻ!