Những rủi ro tiềm ẩn với công nhân lao động

10:06, 23/06/2021

(LĐ online) - Những ngày qua, sự xuất hiện ổ dịch bệnh COVID – 19 ở một số khu công nghiệp là minh chứng cho sự rủi ro tiềm ẩn với công nhân lao động (CNLĐ). Không chỉ vậy, môi trường và điều kiện làm việc một số nơi chưa đảm bảo, chậm được cải thiện; và ngay cả trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc cũng luôn có những nguy cơ...

(LĐ online) - Những ngày qua, sự xuất hiện ổ dịch bệnh COVID – 19 ở một số khu công nghiệp là minh chứng cho sự rủi ro tiềm ẩn với công nhân lao động (CNLĐ). Không chỉ vậy, môi trường và điều kiện làm việc một số nơi chưa đảm bảo, chậm được cải thiện; và ngay cả trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc cũng luôn có những nguy cơ. Có thể nói, rủi ro tiềm ẩn không chỉ trong lao động mà ngay cả trên đường công nhân đến nơi làm việc mà họ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng để phòng, tránh.
 
Công nhân lao động Công ty Cổ phần May Á Châu, TP. Bảo Lộc
Công nhân lao động Công ty Cổ phần May Á Châu, TP. Bảo Lộc
 
Từ một phiên tòa
 
Mới đây, Tòa án nhân dân TP. Bảo Lộc xét xử vụ án hình sự sơ thẩm, bị hại – chị Đinh Thị Lương, CNLĐ Công ty TNHH Merkava Việt Nam, Khu công nghiệp Lộc Sơn bị thiệt mạng trên đường đến Công ty do bị cáo khi điều khiển xe ô tô chuyển hướng, không chú ý quan sát, không đảm bảo an toàn về giao thông đã va chạm với xe mô tô của bị hại đang lưu thông cùng chiều. 
 
Một bản án khoan hồng và nhân văn, nhưng cả bị cáo và thân nhân của bị hại cùng nhạt nhòa trong nước mắt. Phiên tòa như đứng lặng khi cụ bà nghẹn ngào, “Con tôi là đứa ngoan, chịu thương chịu khó, chồng mất hơn chục năm nay, nó ở vậy tần tảo nuôi con ăn học, nó ra đi đột ngột để lại cháu tôi côi cút, nay Tòa xử đúng người, đúng tội, vậy là con tôi cũng được yên lòng nơi chín suối…”.
 
“Chị Đinh Thị Lương là một trong 19 CNLĐ trên địa bàn tỉnh, bị tử vong do tai nạn lao động, tai nạn giao thông trên đường đi làm nhiệm vụ hoặc từ nơi ở đến nơi làm việc tính từ đầu năm 2020 đến nay” - bà Phạm Thị Huế, chuyên viên phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết.
 
Rủi ro tiềm ẩn...
 
Thống kê của đơn vị này cho thấy, những vụ tai nạn trên, hầu hết xảy ra trực tiếp trong khi làm việc hoặc tại nơi làm việc, chỉ có 04 nạn nhân tử vong liên quan đến tai nạn giao thông.  Nạn nhân là CNLĐ có giao kết hợp đồng chỉ 06 người, 13 nạn nhân còn lại là lao động thuộc khu vực phi chính thức (lao động tự do), không có hợp đồng lao động. Đồng thời nhóm ngành nghề xây dựng, điện có tỷ lệ tai nạn cao (15 nạn nhân).
 
Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chết người trong quá trình làm việc hoặc tại nơi làm việc chủ yếu là do CNLĐ chưa được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện không phù hợp với công việc và điều kiện làm việc; công tác kiểm tra, đánh giá nguy cơ mất ATVSLĐ ở một số công trường, cơ sở sản xuất chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, CNLĐ, nhất là lao động tự do còn chủ quan, xem thường, không tuân thủ quy trình, kỹ thuật làm việc và các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ...
 
“Tại một công trình xây dựng ở Phường 2, TP. Bảo Lộc, do đơn vị thi công sử dụng tấm lót sàn không đúng quy định, không đảm bảo kỹ thuật nên khi N.H.T di chuyển trên tấm lót sàn bị sập, rơi xuống dẫn đến tử vong. Hoặc như T.Đ.T và P.T.T thi công công trình xây dựng tại Phường 10, TP. Đà Lạt trong lúc nghỉ giữa ca, ngồi không đúng nơi quy định, vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống làm tử vong… đây là những tai nạn thương tâm không đáng có” – bà Huế chia sẻ.
 
Phát huy vai trò giám sát của toàn xã hội
 
Ông Phạm Văn Được, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho biết, công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động người lao động nâng cao ý thức tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong lao động, đồng thời phối hợp với người xử dụng lao động kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, kịp thời đề xuất, kiến nghị người sử dụng lao động cải thiện điều kiện làm việc để hạn chế các nguy cơ tiềm ẩn gây mất ATVSLĐ ở từng vị trí làm việc của mỗi CNLĐ. Đây là việc làm hằng ngày, hằng giờ, mọi lúc, mọi nơi của mỗi cán bộ công đoàn. 
 
Tuy nhiên, để đảm bảo ATVSLĐ, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Đồng thời tạo điều kiện và phát huy vai trò giám sát của toàn xã hội, nhất là của tổ chức Công đoàn đối với công tác ATVSLĐ – ông Được khẳng định thêm.
 
ĐỨC THIỆM