Chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng

06:03, 18/03/2021

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chủ rừng để xảy ra mất rừng…
 
Hiện trường rừng bạch tùng tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (Lâm Hà) bị khai thác trái pháp luật
Hiện trường rừng bạch tùng tại Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (Lâm Hà) bị khai thác trái pháp luật
 
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có Văn bản số 1335/UBND/LN (ngày 8/3/2021), chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc cùng các đơn vị quản lý rừng của tỉnh chấn chỉnh, tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
 
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương các địa phương, gồm các huyện: Cát Tiên, Di Linh, Đơn Dương làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) trên địa bàn. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng phê bình các địa phương, đơn vị chủ rừng trong thời gian qua để xảy ra mất rừng. Cụ thể, các địa phương để xảy ra vi phạm lâm luật, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng, gồm các huyện: Đam Rông (27 vụ), Lâm Hà (10 vụ), Lạc Dương (15 vụ), Đà Lạt (13 vụ), Đức Trọng (15 vụ), Bảo Lâm (10 vụ). Và các đơn vị chủ rừng, gồm các Ban QLBVR: Phi Liêng (12 vụ), Lâm Hà (8 vụ), Lâm Viên (8 vụ), Đại Ninh (6 vụ), Sêrêpốk (6 vụ), Đa Nhim (5 vụ) và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (6 vụ). Các vụ vi phạm trên đã gây thiệt hại hơn 8 ha rừng và 842 m3 gỗ các loại, nhưng chưa được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, triệt để, chưa kể số vụ vi phạm chưa phát hiện đối tượng vi phạm còn chiếm tỷ lệ cao (51% số vụ vi phạm), gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.
 
Những vụ vi phạm nổi cộm về rừng như vụ tàn phá rừng bạch tùng tự nhiên (thuộc đối tượng rừng sản xuất), tại khu vực Tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (huyện Lâm Hà), do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý được phát hiện vào ngày 24/11/2020. Tại đây, các đối tượng tự ý cưa hạ nhiều cây gỗ bạch tùng trăm tuổi để xẻ lấy gỗ thu lợi bất chính. Vụ việc sau đó đã được cơ quan Công an huyện Lâm Hà vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 đối tượng để điều tra, xử lý hành vi khai thác rừng trái phép theo luật định, tuy nhiên dư luận vẫn chưa hết bất bình vì địa phương và đơn vị chủ rừng không phát hiện kịp thời, để cánh rừng bạch tùng tan nát.
 
Lực lượng chức năng TP Đà Lạt khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 158B, lâm phần nằm trên địa bàn xã Tà Nung (TP Đà Lạt)
Lực lượng chức năng TP Đà Lạt khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 158B, lâm phần nằm trên địa bàn xã Tà Nung (TP Đà Lạt)
 
Trước đó, ngày 9/11/2020, người dân cũng đã phát hiện tại khu vực Tiểu khu 132, lâm phần nằm trên địa bàn xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương), hàng loạt cây thông cổ thụ, thuộc đối tượng rừng phòng hộ, là rừng tự nhiên bị các đối tượng “lâm tặc” cưa hạ. Điều đáng nói, rừng thông cổ thụ bị cưa hạ trái phép xảy ra trong thời gian dài nhưng đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng cũng như chủ rừng không phát hiện ngăn chặn kịp thời. Chỉ khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, các cơ quan chức năng của huyện Lạc Dương mới vào cuộc, điều tra, xác định được 6 đối tượng có các hành vi liên quan đến vụ hủy hoại rừng. Trong đó, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Dơng Gur Ha Pri (SN 1994, trú tại thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương), để điều tra về hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật tại khu vực Tiểu khu 132, xã Đạ Sar.
 
Cũng trên địa bàn huyện Lạc Dương, thời điểm cuối năm 2020, cơ quan chức năng huyện Lạc Dương phát hiện tại khu vực Tiểu khu 112B, 113B, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, thuộc địa giới hành chính thị trấn Lạc Dương xảy ra các vụ ken cây, phát luỗng rừng, cưa hạ thông, san ủi đất, tự ý mở đường băng qua đất rừng, nhưng chủ rừng không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, khiến dư luận bất bình. Theo cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, tại khu vực trên, nhiều diện tích rừng, đất rừng đã bị các đối tượng tàn phá, lấn chiếm, san ủi, chiếm dụng trái phép. Qua kiểm tra hiện trường (ngày 10/12/2020), chỉ riêng tại khu vực Tiểu khu 113B, bước đầu lực lượng chức năng ghi nhận tại 5 vị trí rừng bị tác động, tàn phá, san ủi với tổng diện tích trên 10.700 m2, trong đó có tới 6.446 m2 đất quy hoạch lâm nghiệp, rừng phòng hộ; khối lượng lâm sản thiệt hại hơn 55 m3 gỗ thông 3 lá… 
 
Cùng chung tình trạng, mới đây nhất (ngày 21/2/2020), Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phát hiện 2 đối tượng phá khoảng 3.600 m2 rừng phòng hộ tại khu vực Tiểu khu 158B, lâm phần nằm trên địa bàn xã Tà Nung (TP Đà Lạt), do Công ty TNHH Thanh Đa quản lý. Rừng ở đây bị tàn phá trong thời gian dài nhưng đến khi các đối tượng đốt rừng cơ quan chức năng mới phát hiện, trong khi chủ rừng vẫn chưa biết rừng bị triệt hạ vào thời điểm nào. 
 
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương; người đứng đầu các đơn vị chủ rừng để xảy ra vi phạm như đã nêu, nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện công tác QLBVR trên địa bàn, lâm phần được giao quản lý, không để xảy ra tình trạng phức tạp, nổi cộm tương tự.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đề nghị: Công an tỉnh rà soát các vụ việc có dấu hiệu hình sự, vụ việc phức tạp để khẩn trương điều tra, hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định. Kịp thời xem xét trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến việc để tài nguyên rừng được giao, được thuê bị phá, hủy hoại gây thiệt hại nghiêm trọng, đề xuất xử lý theo quy định nhằm tăng tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, nếu các địa phương, đơn vị chủ rừng tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm quy định về QLBVR phức tạp, nổi cộm, hoặc để xảy ra cháy rừng nghiêm trọng thì Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các đơn vị chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, không bình xét thi đua năm 2021, UBND tỉnh cũng sẽ xem xét đình chỉ công tác, xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra vi phạm theo quy định. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng chỉ đạo lực lượng kiểm lâm nâng cao tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với lực lượng của đơn vị chủ rừng và các lực lượng liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện ngay từ đầu các vụ vi phạm để ngăn chặn, xử lý triệt để, không để diễn biến phức tạp, vi phạm kéo dài gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.
 
UBND tỉnh cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, tích cực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích người dân, cơ quan báo chí tham gia giám sát, phát hiện, tố giác các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân làm tốt công tác QLBVR để khuyến khích, động viên, nhân rộng.
 
THỤY TRANG