Nỗi lo sạt lở dưới chân đồi

11:09, 20/09/2019

(LĐ online) - Mùa mưa đến, một số hộ dân sống dưới chân đồi tại thôn Trung Hưng (xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) nơm nớp lo sợ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của gia đình.

(LĐ online) - Mùa mưa đến, một số hộ dân sống dưới chân đồi tại thôn Trung Hưng (xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) nơm nớp lo sợ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của gia đình.
 
Khu vực sạt lở phía sau nhà ông Nguyễn Trung cảnh tại thôn Trung Hưng
Khu vực sạt lở phía sau nhà ông Nguyễn Trung Cảnh tại thôn Trung Hưng
 
Trong hơn một tháng nay, ngoài những đợt mưa kéo dài thì những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày gần đây đã khiến khu vực đồi núi thôn Trung Hưng (xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên) xuất hiện nhiều vết nứt, nguy cơ sạt lỡ đang hiện hữu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và đời sống của một số hộ dân dưới chân núi. Trong khi mùa mưa bão đang diễn biến hết sức phức tạp, hiện mưa to vẫn đang không ngừng đổ xuống trên địa bàn.
 
Ông Nguyễn Trung Cảnh (70 tuổi, thôn Trung Hưng) kể, những vết nứt tại khu vực trên đồi nằm phía sau nhà đã xuất hiện từ một vài năm nay và có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng theo thời gian. Vào tháng 8/2019, khi cả nhà đang nằm ngủ thì nghe một tiếng đổ ầm sau nhà. Khi hai vợ chồng chạy ra xem thì thấy đất, đá sạt lở đã vùi lấp toàn bộ công trình phụ phía sau. Rất may là khi xảy ra sự việc, toàn bộ các thành viên trong gia đình đang ở ngủ ở phía trước nhà nên đều được an toàn. Ngay sau đó, gia đình đã chủ động sơ tán đến ở nhờ nhà hàng xóm. 
 
Cũng theo ông Cảnh, nhiều tháng qua, mỗi khi trời mưa to gió lớn, gia đình ông và một số hộ dân lân cận lại mất ăn mất ngủ do lo sợ đất, đá sạt lở rồi đổ xuống nhà. “Bà con nhân dân chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm khảo sát cho kỹ càng để bà con an tâm ở cho ổn định” - ông Cảnh nói.
 
Nhiều hộ dân hoang mang khi sinh sống dưới chân đồi trong những ngày mưa lớn
Nhiều hộ dân hoang mang khi sinh sống dưới chân đồi trong những ngày mưa lớn
 
Ghi nhận của chúng tôi vào chiều ngày 18/9, tình trạng sạt lở ở đồi tại thôn Trung Hưng vẫn tiếp tục xảy ra, mưa lớn cuốn theo một khối lượng đất, đá xuống dưới chân đồi. Điều đáng nói, hầu hết các ngôi nhà xây dựng tại những khu vực này đều không có biện pháp đảm bảo an toàn và chống sạt trượt. 
 
Trong khi đó, theo quy định của ngành xây dựng, việc xây dựng các công trình nhà ở dưới chân ta luy phải đảm bảo một số quy định cần thiết: Khoảng cách tối thiểu là 10 m, phải xây dựng hệ thống kè chắn, mối giằng và các biện pháp gia cố, phòng chống sạt lở đất... 
 
Trao đổi với ông Trần Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn cho biết, hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để chủ động trong công tác phòng, chống sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.  Nhân dân sinh sống, canh tác trong vùng núi đồi có hiện tượng nút đất, sụt lún, sạt trượt đất đá phải hết sức cảnh giác với thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Khi thấy những dấu hiệu bất thường của địa chất thì cần khẩn cấp báo tin đến chính quyền địa phương để có phương án di dời kịp thời đến nơi an toàn.
 
THÂN HIỀN - HOÀNG SA