Từ bài báo "26 năm bị lấy đất cấp cho người khác": Cần giải quyết đúng luật quy định

09:09, 22/09/2016

Báo Lâm Ðồng số 4565, phát hành ngày 6/7/2016, có đăng bài "26 năm bị lấy đất cấp cho người khác", phản ánh phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" tại xã Mađaguôi (Ðạ Huoai) giữa nguyên đơn Lê Tín Dũng và bị đơn Nguyễn Thị Phượng.

Báo Lâm Ðồng số 4565, phát hành ngày 6/7/2016, có đăng bài “26 năm bị lấy đất cấp cho người khác”, phản ánh phiên tòa xét xử dân sự sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” tại xã Mađaguôi (Ðạ Huoai) giữa nguyên đơn Lê Tín Dũng và bị đơn Nguyễn Thị Phượng. Mặc dù phiên tòa bị hoãn giữa chừng (để triệu tập thêm người có trách nhiệm liên quan là cán bộ địa chính xã Mađaguôi và huyện Ðạ Huoai vào thời điểm xảy ra tranh chấp), nhưng qua tranh tụng tại tòa cho thấy: Việc bà Nguyễn Thị Phượng tự ý lấn chiếm đất của ông Lê Tín Dũng và đến năm 1990, Chủ tịch UBND xã Mađaguôi “tịch thu” luôn toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Dũng cấp cho 2 hộ khác, rồi đến năm 1996, UBND huyện Ðạ Huoai tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) cho 3 hộ nói trên là hoàn toàn trái luật. 
 
Sau khi Báo Lâm Ðồng đăng bài “26 năm bị lấy đất cấp cho người khác”, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện Ðạ Huoai phải tập trung giải quyết dứt điểm vụ việc này. Vì thế, ngày 21/7/2016, TAND huyện Ðạ Huoai tổ chức cuộc hòa giải giữa nguyên đơn Lê Tín Dũng và bị đơn Nguyễn Thị Phượng. Nội dung cuộc hòa giải này thể hiện: Việc lấy đất hợp pháp của ông Lê Tín Dũng cấp cho các hộ Nguyễn Thị Phượng, Nguyễn Văn Bình (sau đó đã bán lại cho ông Dương Xuân Vụ), Ngô Diên Thịnh là sai, nên Tòa  đưa ra phương án giải quyết như sau: “UBND huyện Ðạ Huoai có trách nhiệm cấp cho ông Lê Tín Dũng một lô đất có chiều ngang 30 m, dài tính từ mặt đường 721 đến hết thửa số 1, tờ bản đồ số 1, bộ bản đồ địa chính xã Mađaguôi, huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Ðồng. Vị trí thửa đất tại thôn 4, xã Mađaguoi, huyện Ðạ Huoai. Ông Lê Tín Dũng sẽ rút đơn kiện đã nộp tại Tòa án đối với 3 hộ ông Dương Xuân Vụ, ông Ngô Diên Thịnh và bà Nguyễn Thị Phượng. Về án phí: Nội dung thỏa thuận của các đương sự thuộc trường hợp không có giá ngạch, các đương sự thỏa thuận nguyên đơn ông Lê Tín Dũng tự nguyện nộp toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật là 200.000 đồng…”. Ðồng thời, biên bản hòa giải lưu ý: “Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu đương sự nào có thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận, thì phải làm thành văn bản gửi cho Tòa án. Hết thời hạn này, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận, thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và ra quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay sau khi ban hành, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Và, biên bản hòa giải này đã được các đương sự tham gia phiên hòa giải, trong đó có nguyên đơn Lê Tín Dũng ký xác nhận.
 
Tuy nhiên, trong thời hạn 7 ngày sau khi lập biên bản, ông Lê Tín Dũng đã có văn bản gửi Tòa án là không đồng ý phương án thỏa thuận trên, bởi lẽ: Giá trị 2 lô đất hoán đổi nhau chênh lệch hàng chục lần. Trong khi lô đất của ông Dũng bị chiếm dụng trái phép có giá trị trên thị trường hàng tỷ đồng, do nằm sát đường tỉnh lộ nối hai huyện Ðạ Huoai - Ðạ Tẻh, có điều kiện sinh sống, kinh doanh thuận lợi; thì lô đất được hoán đổi nằm ở vị trí hóc hẻm, có giá trị trên thị trường khoảng 250 triệu đồng, mà muốn xây dựng được nhà ở phải tiến hành san lấp, đổ đất nền, với chi phí lên đến 150 triệu đồng. Việc không đồng ý phương án hoán đổi đất do TAND huyện và UBND huyện Ðạ Huoai đưa ra của ông Lê Tín Dũng là hợp tình, hợp lý. Về mặt lý, theo quy định của Luật Ðất đai, thì vị trí, giá trị hai lô đất hoán đổi phải ngang bằng nhau, nếu chênh lệch nhau phải được tính thêm bằng tiền mặt. Về mặt tình, hơn 26 năm qua, ông Lê Tín Dũng đã vất vả, tốn kém rất nhiều tiền bạc khi phải thường xuyên lên xuống Ðạ Huoai - TP Hồ Chí Minh để theo kiện, chưa nói đến những tổn thất về mặt tinh thần, trong lúc 3 hộ chiếm dụng đất bất hợp pháp thì được hưởng lợi rất nhiều từ lô đất của gia đình ông. Do vậy, ông Lê Tín Dũng cho rằng: Theo luật định, đất của ông bị chiếm dụng trái phép thì phải được thu hồi trả lại cho ông, hoặc nếu hoán đổi thì chí ít cũng ngang bằng về vị trí, giá trị sử dụng. 
 
Thiết nghĩ, quan điểm của ông Lê Tín Dũng có cơ sở pháp lý và tính nhân văn, cần phải được TAND và chính quyền địa phương huyện Ðạ Huoai xem xét giải quyết dứt điểm, đúng đắn, hợp tình, hợp lý vụ việc đã kéo dài trong suốt 26 năm qua.      
   
   HOÀNG VƯƠNG MỸ