Nhật Bản - một đất nước kỳ lạ

09:07, 21/07/2016

Người Nhật Bản có một phong cách chào khá đặc biệt, họ thường cúi mình rất thấp để chào hoặc để cám ơn. Người ta kể rằng có một đoàn nước ngoài đến làm việc, khi ra về, chủ nhà tiễn ra đến tận cầu thang máy bay và cúi gập người chào chiếc máy bay đang chạy nhanh trên đường băng để cất cánh. Có người bảo "người Nhật cúi đầu trước thế giới để bay cao trên thế giới". 

Người Nhật Bản có một phong cách chào khá đặc biệt, họ thường cúi mình rất thấp để chào hoặc để cám ơn. Người ta kể rằng có một đoàn nước ngoài đến làm việc, khi ra về, chủ nhà tiễn ra đến tận cầu thang máy bay và cúi gập người chào chiếc máy bay đang chạy nhanh trên đường băng để cất cánh. Có người bảo “người Nhật cúi đầu trước thế giới để bay cao trên thế giới”. 
 
Tôi đã được đọc nhiều bài báo và tài liệu nói về đất nước Nhật Bản mà ở đó con người lạnh lùng, khó tiếp xúc. Họ im lặng khi lên xe bus, tàu điện ngầm, đi đường vội vã, lầm lũi, không ai nói chuyện với ai. Trẻ em chỉ biết học, học và học hành căng thẳng, người lớn làm việc dưới áp lực nặng nề dẫn đến stress và tự tử! Cứ loáng thoáng đâu đó cái chất phát xít của một thời còn vương lại cho tới bây giờ trong xã hội công nghiệp hiện đại!... Rồi khi đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc, tôi ngỡ ngàng trước nhiều điều kỳ lạ ở đất nước này.
 
Giao lộ Shibuya - ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới
Giao lộ Shibuya - ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới
Trật tự và cởi mở 
 
Ba lô trên vai, tôi đi suốt ngày này sang ngày khác với các bạn trẻ là sinh viên và kỹ sư người Việt đang học tập, làm việc ở Nhật Bản cùng các bạn người Nhật của họ. Chúng tôi đã đến từng ga tàu, góc phố, cửa hàng, quán rượu ở Tokyo; đến những đền, chùa, lâu đài cổ ở Kyoto và những trung tâm thương mại, những điểm ăn chơi ở Osaka... Ở đâu chúng tôi cũng gặp những người Nhật tươi cười cúi đầu chào với tiếng “arigato” (cám ơn) hoặc “shưmimaxen” (xin lỗi). Ở một góc phố nọ, tôi vừa nhón chân bước qua đường, chiếc auto đang chạy dừng lại ngay, người ngồi sau tay lái cúi đầu lịch sự: “shưmimaxen”, mặc dù hình như tôi mới là người phải xin lỗi! 
 
Tôi có một cảm nhận là người Nhật giống với người Đà Lạt xưa ở chỗ bước ra đường là ăn mặc nghiêm túc, chỉn chu, không luộm thuộm, bừa bãi; tất cả đều đi giày, không thấy bất kỳ ai mang dép ra đường, trừ trường hợp mặc kimono mang dép Nhật đúng quốc phục truyền thống của họ. Hầu hết người Nhật, kể cả học sinh các cấp học, đều mặc trang phục theo tông màu đen trắng, nghiêm túc nhưng không kém phần sang trọng. Lướt qua những dòng người trên đường phố, ta nghĩ gần như họ mặc đồng phục. Khi thấy đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím trên đường phố thì người ta biết ngay đó là khách nước ngoài, nhất là người Trung Quốc. 
 
Phụ nữ Nhật Bản ra đường đều trang điểm khá kỹ, những người lớn tuổi càng trang điểm tinh tế hơn. Họ cho rằng mình trang điểm đàng hoàng là tôn trọng người khác. Cầu kỳ nhất là khi họ mặc quốc phục kimono, có thể nói là chỉn chu đến từng milimét!
 
Ở Nhật, chúng tôi ghi nhận bất cứ đâu, hễ có hai người trở lên là họ tự động xếp hàng hết sức trật tự, trật tự đến mức kỷ luật, nhất là ở các ga tàu điện ngầm. Báo chí Việt Nam và quốc tế vẫn thường nhắc lại sự khâm phục của cả thế giới về sự bình tĩnh, trật tự xếp hàng chờ phát thức ăn, nước uống sau trận động đất và sóng thần Fukưshima làm tan nát ở miền Đông Bắc Nhật Bản. Trong đó một em bé 9 tuổi đã từ chối nhận một mẩu bánh cho riêng mình “vì nhiều người còn đói hơn cháu”, chứ không chen lấn giành giật như lễ hội xin ấn đền Trần, báo chí nói nhiều, nói mãi mà năm nào cũng thế!
 
Thủ đô Tokyo có 13 triệu dân, là một trong những thành phố đông dân nhất, nhì thế giới nhưng vô cùng sạch. Từ đường phố, góc phố, sân ga, bến tàu, trường học… đến các cửa hàng, ta có cảm giác sạch như phòng khách. Chúng tôi đã đến chợ cá quốc tế Tokyo để xem phiên đấu giá cá từ nhiều nước đưa tới, trong đó nghe nói có cá ngừ đại dương của Việt Nam. 9 giờ sáng, chợ hoạt động rất nhộn nhịp; khách du lịch đi tham quan làm cho chợ càng đông đúc thêm. Người ta xếp hàng ngoằn ngoèo rất dài trước các cửa hàng để chờ được vào ăn sáng với món cá sống. Chợ đông nhưng vẫn sạch, không rác, không bụi, không bẩn. Singapore từ lâu nổi tiếng là quốc đảo sạch nhưng đến Nhật Bản, chúng tôi có cảm nhận như còn hơn một bậc. 
 
Không chỉ ở Tokyo mà cả ở Kyoto và Osaka cũng đều sạch sẽ ngăn nắp như thế, ngăn nắp từ trong kiến trúc đô thị cho đến từng viên đá lát đường, từng cửa hàng, bảng hiệu... Sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp nhưng không đơn điệu, trái lại khá đa dạng, phong phú tạo nên nét mỹ quan đô thị bắt mắt!
          
Tự động hóa và thủ công
 
Tại các ga tàu điện đều có máy đổi tiền, máy nộp tiền vào thẻ đi tàu để lên tàu, mỗi người chỉ cần quẹt thẻ. Đi xe bus cũng quẹt thẻ, tài xế xe bus luôn nở nụ cười cám ơn khi khách xuống xe. Các cây xăng không có người bán, lái xe tự bỏ tiền vào máy, máy tự động bơm xăng đúng số tiền mình mua. 
 
Nghe nói có nơi rửa xe tự động, tôi tò mò tìm đến thì gặp một chiếc xe đang đậu vào car wash (máy rửa xe). Chủ xe bỏ tiền vào máy rồi ra ngoài hút thuốc, máy tự phun nước, phun bọt tuyết chà rửa làm sạch, sưởi khô... Khoảng 15 phút sau, đèn báo hiệu hoàn thành, chủ xe vào lái xe về. Xe taxi tự động mở, đóng cửa đón khách và khách tự quẹt thẻ trả tiền, tài xế chỉ ngồi tại vô lăng quay lại cúi đầu chào khách và nói lời cám ơn.
 
Máy bán kem, máy bán thức ăn, máy bán nước uống các loại được đặt khắp nơi trên đường, các góc phố, các ga tàu, bến xe. Riêng máy bán thuốc lá thì có cài thêm camera và dòng chữ cấm trẻ em. Chúng tôi đã thử vào một cửa hàng ăn tự động, ngồi vào bàn, chọn thức ăn trên màn hình nhỏ đặt tại bàn rồi bấm nút, thức ăn chạy tới trên băng chuyền dừng lại đúng chỗ, máy thông báo tên món ăn và mời khách, chúc khách ngon miệng. Ngoài ra, các món khác rất đa dạng vẫn chạy đều trên băng chuyền, ai thích món nào cứ chọn, ăn xong bỏ đĩa vào một cái hộc cạnh bàn ăn, đĩa tự động chạy đến máy rửa, sấy và chạy ra lại. Máy sẽ ghi nhận tất cả và tự động tính tiền, ăn xong quẹt thẻ rồi ra về. Chủ nhà hàng và rất ít nhân viên nhà hàng ra tận cửa cúi chào: “Chúc quý khách một buổi tối thú vị!”. 
 
Khu nhà trọ chúng tôi ở, về khuya nhìn từ xa không thấy đèn nhưng cứ đi đến đâu thì đèn tự bật sáng đến đó, đi qua rồi đèn tự tắt. Các lối đi trong nhà cũng được bố trí đèn tự động, các chức năng của nhà vệ sinh được tự động hóa cao độ. Đèn trong phòng khách, phòng làm việc không có công tắc mà được tắt mở bằng điều khiển từ xa. Tóm lại tự động hóa ở Nhật Bản được xếp vào hàng đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, xứ sở kỳ lạ này vẫn gìn giữ nghề thủ công và vẫn có những công việc rất “thủ công”, như kéo xe đưa du khách tham quan các khu, điểm du lịch. Xe kéo được trang trí khá đẹp; đội kéo xe gồm các thanh niên khỏe mạnh; tiền thuê xe kéo này rất đắt. 
 
Dạo quanh các khu du lịch, đền đài..., thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh các cụ già đẩy xe, xách túi đi nhặt rác, hoặc bò xuống bên những gốc cây để nhổ từng cây cỏ dại một cách cần cù, tỉ mỉ. Các bạn Nhật cho biết, đó là những người đã nghỉ hưu, có cuộc sống đầy đủ nhưng họ có nhu cầu làm việc để vui, để khỏe và để mình vẫn còn có ích. Họ không nề hà công việc gì. Một cậu kỹ sư người Việt đang làm việc tại một công ty phần mềm ở Tokyo kể rằng, sau khi cậu ta đăng thông báo trên mạng về nhu cầu thuê người dọn dẹp lau chùi nhà cửa thì hôm sau, có một người phụ nữ lớn tuổi ăn mặc đẹp, lái xe auto rất sang trọng đến nhận việc. Cậu lấy làm bất ngờ nhưng bà nói bà muốn được làm việc. 
 
Trên đường đến một khu phố vắng người, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông ngồi miệt mài đục đẽo trang trí những tấm bia mộ. Đặc biệt, làm đẹp cho phụ nữ, trang trí cho một người mặc kimono là một nghề truyền thống lâu đời còn lưu truyền mãi, và người ta còn nói rằng đàn ông Nhật cũng thích được làm đẹp như tỉa lông mày, chăm sóc tóc, dưỡng da…
 
Pho tượng chú chó trung thành Hachiko.Ảnh: H.NGUYÊN
Pho tượng chú chó trung thành Hachiko.Ảnh: H.NGUYÊN
Sản xuất và tiêu dùng
 
Hiromi năm nay 38 tuổi, phụ trách về tài chính - kế toán của công ty gia đình. Đây là một công ty vận chuyển hàng hóa từ thủ đô Tokyo đi về các tỉnh miền Trung và miền Nam nước Nhật. Hiromi là một cô gái vui tính, cởi mở, năng động và còn độc thân. (Tình trạng lập gia đình muộn hoặc không thích lập gia đình đang là một mối lo của Nhật Bản). Cô lái xe đưa chúng tôi đi một vòng thủ đô và nhận lời đi ăn tối. Cô bảo: “Vậy là phải xin phép chủ cho nghỉ việc tối nay”. Thì ra ngoài công việc ở công ty, cô còn đi làm thêm ở sân thi đấu bowling vào ban đêm. Cô nói: “Một chút bổ sung để không nhàm chán trong làm việc và em rất vui vì em thích môn thể thao này”. Chúng tôi hỏi: “Có phải trẻ em ở Nhật chỉ biết học và học hành căng thẳng, còn người lớn thì làm việc dưới áp lực nặng nề dẫn đến stress không?”. Hiromi lắc đầu: “Ồ không! Trẻ cấp I và cấp II thì vừa học vừa chơi, chỉ đến cấp III mới phải học tương đối căng thẳng, nhưng vào đại học thì cũng thoải mái. Nhiều sinh viên Việt Nam học ở Nhật giỏi hơn sinh viên người Nhật đó thôi! Còn tinh thần lao động của người Nhật thì nghiêm túc, chăm chỉ, chính xác và coi trọng hiệu quả, mà đất nước công nghiệp phát triển nào lại không như thế! Có rất nhiều người nước ngoài đến làm việc ở Nhật, họ vẫn cảm thấy không đến nỗi khó khăn lắm. Cũng có thể có một vài nơi nào đó làm việc căng thẳng, một số người nào đó bị stress, thậm chí có trường hợp tự tử nhưng không phải là phổ biến, mà cũng có thể do những nguyên nhân khác nữa, kể cả do cuộc sống cứ đều đều, ổn định, bình lặng quá, không có những lo lắng, thiếu những thăng trầm dẫn đến buồn chán muốn tự tử hoặc thậm chí gây án...”.
 
Khi chúng tôi thắc mắc về việc nước Nhật sản xuất nhiều xe auto, xe máy, nhưng trên đường phố không thấy kẹt xe, và đặt biệt là rất ít xe máy; Hiromi giải thích rằng hệ thống tàu điện phát triển rất mạnh, rất tiện lợi, phần lớn người Nhật thích đi bộ, đi xe đạp và đi tàu, nên đường phố không bị kẹt xe. Một số người trẻ thích cảm giác mạnh, họ đi mô tô phân khối lớn. Ngoài ra, một ít xe máy dùng để chở hàng hóa nhẹ, còn chủ yếu là xuất khẩu.  
 
Dân chủ và quyết định
 
Dân chủ hóa là quá trình dịch chuyển quyền lực từ phía nhà nước về phía người dân, là quá trình chuyển từ bộ máy độc tài sang thể chế được hình thành trên cơ sở tôn trọng ý chí của nhân dân. 
 
Thế giới đánh giá, Nhật là một nước có quá trình dịch chuyển quyền lực từ phía nhà nước sang nhân dân khá tốt. Nhật là quốc gia có nền dân chủ đầy đủ (full democracies), một đất nước dân chủ về chính trị, phát triển về kinh tế, đa dạng về văn hóa trên cơ sở của văn hóa truyền thống Nhật Bản và tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế. Một buổi sáng, tình cờ chúng tôi gặp trước cửa sân ga tàu điện ở Tokyo một người đang thuyết trình về những việc sẽ làm khi đắc cử. Lúc chúng tôi vừa đến thì các em sinh viên dịch lại là ông ta đang say sưa nói về chính sách chăm sóc những bà mẹ đang mang thai và đang nuôi em bé. Lúc đó, một số người khác trong đảng của ông ta đi phân phát truyền đơn vận động cho ứng cử viên của mình. Hình như đó là một cuộc vận động tranh cử một chức vụ nào đó ở địa phương, ai thích nghe thì dừng lại nghe, ai thích chất vấn thì cứ tự nhiên không ngần ngại... Các bạn Nhật kể rằng khi Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương vận động để thông qua dự luật phòng thủ tập thể, mở đường cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, hỗ trợ đồng minh khi bị tấn công, cả nước đã có nhiều diễn đàn tranh luận sôi nổi, dân chủ, nhiều cuộc thăm dò dư luận xã hội công khai, minh bạch. 
 
Chú chó Hachiko và giao lộ đông người
 
Ở Tokyo không có nhiều tượng đài, đi dạo quanh chúng tôi chỉ gặp một vài bức tượng nhỏ về Samurai, tượng về võ sĩ Sumo, một tượng nữ thần Tự do lớn do Hoa Kỳ tặng dựng ở bên bờ eo biển - nơi có trung tâm mua sắm lớn của Tokyo. Nhưng chúng tôi bất ngờ được chiêm ngưỡng tượng chú chó Hachiko đặt trang trọng ở ngã tư Shibuya, một ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới. Máy camera điện tử cho biết trung bình cứ mỗi khi đèn xanh bật lên là có 2.500 người đi bộ qua đường. Những dòng người đối diện tràn qua đường như nước vỡ bờ cuốn vào nhau, đan xen, kẻ qua, người lại nhưng hết sức trật tự, không va chạm, không chen lấn, không ùn tắc, khi đèn đỏ cho người đi bộ bật lên thì đường phố đã thoáng đãng dành cho xe cộ lưu thông. 
 
Pho tượng chú chó được đặt trên bệ đá cao. Chú nhìn mọi người qua lại hơn nửa thế kỷ qua, mong gặp lại người chủ yêu quý của mình. Chuyện kể rằng một giáo sư Khoa Nông nghiệp Trường đại học Tokyo có nuôi một chú chó tên là Hachiko. Cứ mỗi sáng chú chó tiễn chủ ra đến ngã tư Shibuya rồi dừng lại chia tay và mỗi chiều chú lại đến ngã tư này để đón người chủ đi làm trở về. Một hôm người chủ đi làm rồi chẳng may bị đột quỵ và không bao giờ trở về nữa. Kể từ đó, chiều nào chú chó cũng ra nơi này ngồi dõi mắt về hướng ga tàu điện ngầm chờ đón chủ. Đôi mắt nó buồn, sức vóc yếu dần trong một thời gian dài. Rồi chú chó kiệt sức và gục chết. Cảm động trước sự trung thành của con vật, người ta đã cho tạc tượng chú chó Hachiko bằng đồng ngay nơi nó nằm xuống bên ngã tư Shibuya, và hình của chú chó cũng được in nổi trên những nắp cống gần đó. Câu chuyện cảm động này đã được dựng thành phim, viết thành sách cho trẻ em đọc để nuôi dưỡng tình thương đối với loài vật và để dạy về lòng trung thành cho con người.
 
Tôi có được may mắn là đã đi đến nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước ở châu Âu. Nhưng đến với Nhật Bản, tôi thật sự kính phục về một đất nước kỳ lạ. Đi lên từ tàn phá của bom nguyên tử và thất bại trong chiến tranh! Thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần! Và bước sang dân chủ từ chế độ phát xít. Chỉ sau nửa thế kỷ, Nhật Bản đã trở thành một đất nước rất hiện đại, văn minh. Họ chỉnh chu từ cái nhỏ nhất và cũng làm được những thứ to nhất mà thế giới muốn làm. Về kinh tế, khoa học và đời sống, họ đã sánh vai với các cường quốc phương Tây, nhưng về văn hóa họ vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống rất Nhật Bản không lẫn với bất kỳ dân tộc nào, trong lúc họ đã tiếp thu được nhiều từ những văn minh của thế giới. Người Nhật đã làm nên một đất nước hùng mạnh. Và những trò đe dọa của bọn bành trướng không làm cho họ run sợ mà chỉ trở thành trò cười của người Nhật Bản.
 
Ghi chép: HOÀNG NGUYÊN