Luật Kinh doanh bảo hiểm - cần sửa đổi cho phù hợp

06:05, 30/05/2022
Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Đây là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp, do đó việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng nhằm xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. 
 
Thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý để Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phù hợp
Thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý để Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phù hợp
 
Dự thảo Luật lần này quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
 
Tham gia góp ý tích cực, trách nhiệm đối với dự án luật này, ông Lê Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm được chia thành 3 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế. Do vậy việc ban hành luật là rất cần thiết và xin thống nhất cao với dự thảo, ý kiến góp ý, giải trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đề nghị đưa vào luật “công ty bảo hiểm” khi bồi thường cho khách hàng phải được bồi thường một cách kịp thời và nhanh chóng, trên thực tế, việc chậm trễ của một số đơn vị doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đã tạo tâm lý không tốt cho người chuẩn bị tham gia bảo hiểm. Xây dựng luật cần lưu ý hướng tới việc thu hẹp khoảng cách giữa người bán bảo hiểm và người mua bảo hiểm. 
 
Tại Điều 3, áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, đề nghị xem xét chọn phương án 2 do được quy định cụ thể sẽ hạn chế được sự xung đột giữa các luật đã ban hành và ban hành sau khi luật này có hiệu lực. Phương án 2 nêu rõ: Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 9 (tháng 3/2022) được chuyển thành khoản 3 và khoản 4 Điều 15 của dự thảo luật, đồng thời chỉnh lý lại nội dung khoản 3. Cụ thể như sau: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác đã được ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành về hợp đồng bảo hiểm (trừ hợp đồng bảo hiểm hàng hải), thành lập, tổ chức hoạt động, hoạt động nghiệp vụ, tài chính, khả năng thanh toán và biện pháp can thiệp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì thực hiện theo quy định của luật này. Trường hợp luật khác ban hành sau ngày luật này có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về các nội dung quy định tại khoản 1. Điều này khác với quy định của luật này thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của luật này.”
 
Ông Hoàng Bình, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng chia sẻ:  Về vấn đề bảo hiểm bắt buộc, tại khoản 1 Điều 8, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định rằng “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội”. Chúng tôi đề nghị bổ sung đối tượng mà sản phẩm bảo hiểm có mục đích bảo vệ là cá nhân và tổ chức, ngoài lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội đã được đề cập, do đó khoản 1 Điều 8 viết lại là: “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cá nhân, tổ chức, lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội”.
 
Ông Bùi Thanh Long - thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH góp ý và đồng tình chung quan điểm của Quốc hội về việc phải sửa đổi luật: Sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm vì luật này được ban hành cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, măc dù đã sửa đổi 2 lần vào năm 2010 và 2019 nhưng trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ... Thêm vào đó, một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng, chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro… Thống nhất với cơ cấu của luật là 7 chương, 154 điều giảm 1 chương và 2 điều so với dự thảo đã góp ý lần 1.
 
NGUYỆT THU