Phát huy hiệu quả tuyên truyền từ xét xử lưu động

05:05, 10/05/2021

Với địa phương còn nhiều khó khăn như Đam Rông, việc đưa các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm vào xét xử lưu động vẫn tạo được hiệu ứng tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Với địa phương còn nhiều khó khăn như Đam Rông, việc đưa các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm vào xét xử lưu động vẫn tạo được hiệu ứng tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
Phiên tòa xét xử lưu động vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở xã Đạ Long thu hút sự quan tâm của người dân
Phiên tòa xét xử lưu động vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở xã Đạ Long thu hút sự quan tâm của người dân
 
Mục đích chính của xét xử lưu động là tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa tuyên truyền các quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bằng việc theo dõi phiên tòa một cách trực quan, sinh động, người dân có thể hiểu được hành vi của bị cáo là sai pháp luật và bị pháp luật trừng trị; từ đó, trong các trường hợp tương tự, người dân hiểu và tránh những hành vi sai lầm, để lại hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc xét xử lưu động còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với cơ quan xét xử, củng cố niềm tin vào pháp luật, vào chính quyền và tòa án, đồng thời thể hiện tính công khai, minh bạch.
 
Ông Hoàng Rung K’Nhơn - Chánh án Tòa án Nhân dân huyện Đam Rông cho biết, ở địa phương vùng sâu, vùng xa và nhận thức pháp luật của Nhân dân còn nhiều hạn chế như Đam Rông thì xét xử lưu động vẫn mang lại hiệu quả tích cực. Địa điểm xét xử lưu động là nơi xảy ra hành vi phạm tội, nơi cư trú của bị cáo...
 
Là huyện miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được xác định là tương đối phức tạp. Một bộ phận người dân trình độ dân trí chưa cao, dân còn nghèo nên vẫn xảy ra tình trạng đốt, phá rừng, các hành vi khai thác rừng trái phép, tàng trữ, vận chuyển, chế biến, mua bán trái phép gỗ chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ án hình sự của Tòa án huyện... 
 
Trong 6 tháng đầu năm, Tòa án Nhân dân đã thụ lý, giải quyết tổng số 48/82 vụ việc, không có vụ nào quá hạn luật định. Tòa án Nhân dân huyện Đam Rông cũng đã tổ chức đưa 9 vụ án đi xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, tình hình tội phạm diễn ra phức tạp. 
 
Tất cả các vụ án được dư luận, địa phương quan tâm được đơn vị triển khai đưa đi xét xử lưu động như các vụ án hủy hoại rừng, ma túy, đánh bạc, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông... Qua đó, có tác dụng thiết thực trong công tác tuyên truyền pháp luật cho quần chúng nhân dân, giúp họ dễ dàng tiếp cận, theo dõi, nắm bắt được điều gì là đúng, là sai. Công tác xét xử đã chấp hành đúng các thủ tục tố tụng, bám sát yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần tuyên truyền và đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chất lượng giải quyết án từng bước được nâng lên, đảm bảo áp dụng các quy định của pháp luật trong xét xử, giải quyết các loại án đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trong xét xử hình sự không để xảy ra oan sai, hay bỏ lọt tội phạm.
 
Trước đây, xét xử lưu động mặc nhiên được coi là hoạt động cần thiết, bình thường, được khuyến khích từ trong nội bộ ngành Tòa án cũng như chính quyền địa phương các cấp. “Sau này đã thống nhất việc có xét xử lưu động hay không tùy theo từng địa phương, không cấp kinh phí hằng năm và để các địa phương tự quyết định, không đưa vào chỉ tiêu hằng năm của ngành tòa án. Thực tế cho thấy mỗi phiên tòa lưu động đều thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham dự; các bản án và hình phạt nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, nhận được sự đồng tình của người dân. Đây vẫn được đánh giá là hình thức tuyên truyền pháp luật có hiệu quả với địa phương”, ông K’Nhơn khẳng định. 
 
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng cao tính phổ biến thì ở từng địa bàn lại có thêm những cách thức để lan rộng đến quần chúng nhân dân. Ví dụ như xã Liêng S’rônh tường thuật diễn biến phiên tòa trên hệ thống loa truyền thanh để không chỉ những người tham dự xét xử mà người dân ở nhà cũng có thể theo dõi quy trình xét xử. Hay như ở xã Đạ Rsal, trước mỗi phiên xét xử lưu động, cán bộ văn hóa xã sẽ phát thông báo nhiều lần trên loa để người dân nắm được thông tin và thời gian...
 
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xét xử lưu động ở Đam Rông vẫn còn một số hạn chế, một số chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác xét xử lưu động, coi công tác phổ biến giáo dục pháp luật qua xét xử lưu động là công việc riêng của tòa án. Một số xã hệ thống loa đài truyền thanh bị hư hỏng, không kịp thời sửa chữa để thông báo rộng rãi trong Nhân dân về lịch xét xử...
 
Để nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử lưu động cũng như hiệu quả tuyên truyền trong Nhân dân, trong thời gian tới cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Nhưng quan trọng hơn cả, là nâng cao nhận thức của người dân trước những hành vi vi phạm pháp luật để từ đó giảm thiểu những vụ việc để lại nỗi đau cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
HỒNG THẮM