Kiên quyết xử lý vi phạm về vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

04:03, 16/03/2021

Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tăng cường các hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

Thời gian qua, Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã tăng cường các hoạt động thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đánh giá của Sở GTVT, nhìn chung, thời gian qua, các đơn vị kinh doanh vận tải đã chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải, tuy nhiên, từ quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng thanh tra sở cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tuần tra xử phạt.
 
Tuyến QL 20 luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát về an toàn giao thông
Tuyến QL 20 luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn giao thông, cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát về an toàn giao thông
 
Còn nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh vận tải
 
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 98 đơn vị được Sở GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải, trong đó có 77 doanh nghiệp và 21 hợp tác xã. Tổng số xe được cấp phù hiệu là 5.658, trong đó có 1.661 xe taxi, 478 xe hợp đồng, 20 xe du lịch, 64 xe trung chuyển, 298 xe tuyến cố định, 73 xe buýt và xe tải, 2.677 xe container. Tuy nhiên, để tránh sự kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng, một số các phương tiện kinh doanh cá thể, phương tiện của Hợp tác xã vận tải Lâm Đồng gia nhập vào các tổ chức vận tải của các tỉnh khác như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... để kinh doanh vận tải nhưng thường xuyên hoạt động trên địa bàn tỉnh, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính.
 
Việc quản lý thiết bị giám sát hành trình đã góp phần thiết lập trật tự vận tải, tuy nhiên để tránh sự kiểm soát với nhiều lý do, thiết bị này thường xuyên bị hỏng, tự ý đóng, mở gây nhiều khó khăn trong kiểm soát hành trình, tốc độ. Gần đây, trên địa bàn tỉnh, lượng phương tiện dưới 9 chỗ ngồi phát triển khá mạnh và có số lượng khá lớn tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải nhưng không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu và thường lấy lý do chở người nhà để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Trong khi đó, hệ thống điểm đậu đỗ trên địa bàn tỉnh hiện còn thiếu nên dễ gây nên ùn tắc giao thông trong đô thị và tình trạng chiếm dụng lòng, lề đường để đậu đỗ khá phổ biến gây mất an toàn giao thông.
 
Và do hoạt động “trá hình”, xe hợp đồng vận chuyển hành khách tuyến cố định và các xe không có phù hiệu, để có khách, họ thường hay lập ra các bến cóc để thu hút khách, gây mất trật tự trị an trong khu vực và gây mất an toàn giao thông (ATGT), điển hình như ở khu vực Ngã ba trà Quốc Thái - Bảo Lộc; bãi đậu xe đường Lê Thị Hồng Gấm (Đà Lạt); bãi đỗ xe Ngã ba Phi Nôm, Liên Khương (Đức Trọng)... Trong khi để đảm bảo ATGT và công bằng, minh bạch trong hoạt động vận tải, gần đây các bến xe đã được thành lập theo hình thức xã hội hóa khá khang trang, sạch sẽ và đáp ứng các tiêu chuẩn quy định để phục vụ cho nhu cầu đi lại của Nhân dân nhưng số lượng phương tiện vào bến để hoạt động vẫn còn thấp. Trong đó, có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc một cách quyết liệt của địa phương để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải nên vẫn còn sự tồn tại của các “bến cóc, xe dù”.
 
Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn đường bộ
 
Thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở và UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Thanh tra Sở đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các phản ánh về vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Thanh tra Sở GTVT cũng phối hợp với các cơ quan liên quan lập đoàn khảo sát, đánh giá tình hình đảm bảo trật tự ATGT tại các chợ, điểm họp chợ trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong năm 2020, đã kiểm tra, khảo sát đối với 17 chợ và điểm chợ tự phát thuộc địa bàn tỉnh. Qua khảo sát đã đánh giá sơ bộ được tình hình mức độ vi phạm, sự ảnh hưởng, tác động đến kết cấu hạ tầng giao thông, hành lang an toàn đường bộ và công tác đảm bảo trật tự, ATGT trong các khu vực chợ; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp, biện pháp chấn chỉnh, xử lý, khắc phục nhằm góp phần đảm bảo an toàn kết cấu hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực các chợ trên địa bàn tỉnh.
 
Thanh tra Sở cũng đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp xe ô tô tải chở hàng siêu trường siêu trọng, chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế của xe, vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tự ý tháo dỡ hộ lan trên đường cao tốc Liên Khương - Prenn... thuộc địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ và nâng cao tuổi thọ kết cấu hạ tầng đường bộ. Phân luồng hướng dẫn giao thông tại các vị trí bị ùn tắc giao thông cục bộ do lượng khách du lịch đến thành phố Đà Lạt tăng đột biến trong kỳ nghỉ lễ, tết, như: khu vực trung tâm Hòa Bình, nút giao Phan Chu Trinh - Trần Quý Cáp, nút giao Trần Phú - Bà Triệu, vòng xoay Kim Cúc, Hoàng Văn Thụ, 3/2 - Nguyễn Văn Cừ, các nút giao có tín hiệu đèn giao thông trên địa bàn thành phố Bảo Lộc, đèo Bảo Lộc, Trạm thu phí BOT Định An, Liên Đầm...
 
Tuy nhiên, với rất nhiều những nỗ lực để đảm bảo tính công bằng, văn minh, đảm bảo trật tự an toàn trong hoạt động vận tải và đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hoạt động thanh tra của lực lượng thanh tra Sở GTVT vẫn đang gặp nhiều khó khăn và những bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 
 
Cụ thể, theo lực lượng thanh tra Sở GTVT, một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho họ đó là các nhà xe cố ý vi phạm nên thường xuyên cho người cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng thì thông báo không tổ chức đón, trả khách và khi lực lượng chức năng rút thì tổ chức hoạt động trở lại. Nhiều trường hợp, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thì có thái độ manh động, chống đối, tăng ga bỏ chạy... Thêm vào đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện cạnh tranh nhau về tính cơ động, thuận tiện, phục vụ tận nơi nên tập trung đưa đón khách tại các văn phòng trong trung tâm thành phố, huyện, đón khách dọc đường. Trong khi đó, thẩm quyền của thanh tra khi kiểm tra “xe dù” còn nhiều hạn chế, chỉ kiểm tra ở những điểm giao thông như: bến xe, trạm dừng nghỉ, các điểm dừng xe, đỗ xe... nên hiệu quả xử lý vi phạm đối với tình trạng xe dù, bến cóc chưa cao.
 
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác này, thời gian tới, Sở GTVT đề ra kế hoạch sẽ tăng cường chỉ đạo Thanh tra Sở tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về vận tải, có kế hoạch lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera tại một số điểm trọng yếu để phối kết hợp với nhiều lực lượng khác theo dõi kiểm soát các hành vi vi phạm và xử phạt nguội. Song song đó, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan trong công tác đảm bảo hành lang ATGT đường bộ.
 
Trong năm 2020, Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 699 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt theo quyết định gần 4,27 tỷ đồng, trong đó tước GPLX 156 trường hợp; tước phù hiệu 2 tháng 47 trường hợp; tước giấy, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 2 tháng 5 trường hợp; chở hàng vi phạm quá trọng tải là 390 trường hợp với tổng số tiền xử phạt là trên 3 tỷ đồng.
 
NGUYỄN NGHĨA