Cần tăng cường quản lý các bè nổi kinh doanh ăn uống trên mặt hồ

06:03, 23/03/2021

Câu chuyện xử lý bè nổi hoạt động kinh doanh ăn uống trái phép trên các mặt hồ thời gian qua đã nhiều lần được các địa phương, cơ quan chức năng đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có cách quản lý hiệu quả và xử lý dứt điểm.

Câu chuyện xử lý bè nổi hoạt động kinh doanh ăn uống trái phép trên các mặt hồ thời gian qua đã nhiều lần được các địa phương, cơ quan chức năng đề cập nhưng đến nay vẫn chưa có cách quản lý hiệu quả và xử lý dứt điểm.
 
CSGT đường thủy tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy và cho chủ thuyền nổi ký cam kết ATGT
CSGT đường thủy tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy và cho chủ nhà bè nổi ký cam kết ATGT
 
Chúng tôi có mặt ở khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, thuộc xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh. Ngay cửa vào lòng hồ là một bè nổi kinh doanh dịch vụ ăn uống kèm theo một số dịch vụ du lịch khác. Điều đáng nói là bè nổi này được làm khá tạm bợ. Chiếc cầu gỗ bắc từ mép bờ sông để làm cầu cho khách vào khu vực nhà hàng là những tấm ván mỏng được cột vào một số thanh sắt bằng những sợi thép nhỏ khá mong manh, chiếc cầu chòng chành chao đảo khi có người đi bên trên, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. 
 
Người dân trong khu vực cho biết, thường ngày họ vẫn thấy khách đến bè nổi ăn uống, ngắm hồ. Chủ bè còn sắm cả một vài chiếc thuyền, mô tô nước để phục vụ nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, khi đoàn công tác liên ngành của Ban An toàn giao thông huyện phối hợp với Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy đến kiểm tra thì không có mặt chủ bè nổi. Người quản lý nhà hàng cho biết, chỉ có trách nhiệm trông coi giúp chứ không có biết gì về hoạt động của thuyền bè hay nhà hàng nổi. 
 
Ông K’Sor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng cho biết, chiếc bè nổi này vẫn chưa có giấy phép mặc dù đã hoạt động kinh doanh ở khu vực này hơn 1 năm nay. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết, để một bè nổi hoạt động trên mặt nước thì cần rất nhiều loại giấy phép, như giấy phép về xây dựng công trình, giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch...
 
Lý do chưa có giấy phép nhưng bè nổi vẫn hoạt động được các cấp quản lý của xã và huyện giải thích là việc quản lý và cấp phép cho các bè nổi kinh doanh dịch vụ này vẫn đang khiến chính quyền xã và huyện lúng túng về quy trình, dẫn đến việc quản lý không chặt. UBND xã cho biết, chỉ có thẩm quyền quản lý về an ninh trật tự, việc cấp phép thì phải cấp huyện. Thế nhưng, ngay cả Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Di Linh cho biết họ cũng đang vô cùng lúng túng vì không biết xử phạt, xử lý, hay hướng dẫn cấp phép như thế nào và hiện đang chờ hướng dẫn. 
 
Đại úy Nguyễn Nghĩa Bình, cán bộ Đội Cảnh sát đường thủy, thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau chuyến phối kết hợp với địa phương để khảo sát, kiểm tra an toàn giao thông đường thủy ở hồ Thủy điện Đồng Nai 3 đã phát hiện một số phương tiện giao thông đường thủy có công suất máy lớn chưa đăng ký, đăng kiểm. Trong quyền hạn và chức năng nhiệm vụ của Đội CSGT đường thủy cũng chỉ có thể nhắc nhở tuyện đối không được hoạt động các phương tiện này khi chưa có đăng ký, đăng kiểm. Song song đó làm công tác tuyên truyền, vận độn chủ bè nổi ký cam kết việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản trên sông hồ, và nhắc nhở hướng dẫn sớm liên hệ với cơ quan chức năng đăng ký cho 2 chiếc mô tô nước đang neo đậu bên cạnh chiếc bè, mà theo khai nhận của người quản lý là chủ mua “để gia đình sử dụng”. Đại diện Đội CSGT đường thủy Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, do chiếc mô tô nước và thuyền của bè nổi không hoạt động, chỉ neo đậu bên cạnh bè nổi nên họ không thể xử phạt hay thu hồi.
 
Hoạt động của những bè nổi bằng gỗ không có đăng ký, đăng kiểm, không giấy phép xây dựng và hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và du lịch này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nguy hiểm. Bởi khu vực lòng hồ thủy điện này khá sâu. Ngoài ăn uống thì do hồ Thủy điện Đồng Nai 3 là khu vực hồ rộng lớn, khí hậu mát mẻ, phong cảnh rất đẹp nên tâm lý chung của khách là muốn dạo chơi vài vòng trên hồ trước hoặc sau khi ăn uống, nên nếu không quản lý chặt chẽ, tuân thủ các quy định về an toàn giao thông thì rất nhiều khả năng sẽ dẫn đến vấn đề mất an toàn. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh của những bè nổi này do tự phát nên chưa đảm bảo các vấn đề về an toàn kỹ thuật xây dựng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo về an toàn giao thông đường thủy nội địa, yêu cầu các địa phương ráo riết vào cuộc, thành lập các tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động của tàu thuyền, nhà bè nổi. Đồng thời, yêu cầu cơ quan thẩm quyền các cấp nghiêm khắc đình chỉ hoạt động của các thuyền bè kinh doanh không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, ở một số nơi như Đồng Nai Thượng, các bè vẫn mọc lên trên mặt hồ thủy điện và hoạt động công khai dù chưa có giấy phép.
 
Các địa phương khi báo cáo về vấn đề an toàn giao thông đường thủy đa phần đều khẳng định đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những bè nổi không đủ điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy công tác kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tại thời điểm lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, các chủ bè dừng hoạt động kinh doanh nên rất khó xử lý. Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, thiết nghĩ, các địa phương cần có định hướng rõ ràng về việc nghiên cứu và quy hoạch các khu vực kinh doanh nhà hàng nổi phục vụ nhu cầu ăn uống, du lịch trên sông, hồ, tránh để các hoạt động này tổ chức một cách tự phát, không chỉ gây khó trong quản lý mà còn gây ra rất nhiều những hệ lụy về an toàn đường thủy, nhất là ở những nơi vốn luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ và khó lường do có hệ thống sông, suối, hồ phức tạp như ở Lâm Đồng.
 
NGUYÊN THI