Hiệu lực, hiệu quả thanh tra phụ thuộc vào việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra

08:09, 20/09/2017

Ông Lê Văn Liệu - Phó Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh khẳng định: Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra phụ thuộc lớn vào việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

Ông Lê Văn Liệu - Phó Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh khẳng định: Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra phụ thuộc lớn vào việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Bởi lẽ, kết thúc thanh tra, các đoàn thanh tra bao giờ cũng ban hành kết luận, trong đó có những kiến nghị, đề xuất lãnh đạo ngành, chính quyền địa phương các cấp chỉ đạo các đối tượng bị thanh tra phải thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, nhằm khắc phục những thiếu sót, hạn chế, thậm chí những tiêu cực, sai phạm để ổn định tình hình, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
 
Tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra nhận Bằng khen UBND tỉnh. Ảnh: H.K.G
Tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác thanh tra nhận Bằng khen UBND tỉnh. Ảnh: H.K.G

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, các đối tượng bị thanh tra thường thiếu ý thức tự giác chấp hành kết luận, kiến nghị sau thanh tra, thậm chí có nhiều trường hợp dù đã được các cấp, các ngành có thẩm quyền nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần, nhưng vẫn cố tình “chây ỳ”. Thực trạng đó dẫn đến hệ lụy, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thất thoát đạt được rất thấp, khiến hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra không những bị giảm sút, mà nhiều khi không có, khiến một bộ phận tổ chức, cá nhân xem thường kỷ cương, pháp luật. 
 
Dẫn đến tình trạng này, theo ông Lê Văn Liệu là do có những nguyên nhân khách quan, chủ quan sau: Luật Thanh tra 2010 tuy có quy định về việc phải thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, nhưng lại thiếu chế tài xử lý những đối tượng không chấp hành, hoặc có tình trạng kéo dài thời gian thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Nhiều đối tượng bị thanh tra thiếu ý thức tự giác thực hiện, trong lúc tại một số nơi cấp ủy, lãnh đạo cấp trên của đối tượng bị thanh tra thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân có sai phạm phải thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra có những khó khăn, bất cập. Ngoài ra, nhiều kết luận, kiến nghị sau thanh tra của thanh tra một số ngành, địa phương cơ sở còn có những mặt hạn chế, chưa sát với tình hình thực tế, cũng gây nên những khó khăn nhất định trong việc tổ chức thực hiện.
 
Khắc phục những hạn chế này, năm 2013, Thanh tra Chính phủ có Thông tư 01/TT/TTrCP về “Xử lý kết luận, kiến nghị sau thanh tra”. Theo đó, Thông tư quy định rõ việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra được tiến hành 3 bước: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân bị thanh tra, các cơ quan quản lý nhà nước và ngành thanh tra. Cùng với đó, ngày 27/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 33/NĐ-CP “Quy định về việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra”, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các đối tượng bị thanh tra và các cơ quan ban hành kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Trên cơ sở Thông tư 01/TT-TTrCP của Thanh tra Chính phủ và Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ, Thanh tra Nhà nước tỉnh Lâm Đồng một mặt tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 08/CT-UBND về “Thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra”, mặt khác tổ chức học tập, quán triệt nội dung Thông tư 01/TT-TTr của Thanh tra Chính phủ, Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra các ngành, các cấp và tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho thanh tra viên các cấp, nhằm khắc phục những hạn chế, sai sót trong ban hành kết luận, kiến nghị sau thanh tra.
 
Kết quả, sau khi triển khai thực hiện Thông tư 01/TT-TTr của Thanh tra Chính phủ, Nghị định 33/NĐ-CP của Chính phủ, Chỉ thị 08/CT-UBND của UBND tỉnh, việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra có nhiều chuyển biến tích cực, cho phép hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra ngày càng được nâng cao. 
 
Ðiều đáng nói là, nhiều kết luận, kiến nghị sau thanh tra bị “bỏ quên”, hoặc kéo dài dây dưa những năm trước đây cũng được thực hiện khá nghiêm túc, triệt để, không những nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức “thượng tôn pháp luật” trong các cơ quan nhà nước tại địa phương. 
 
Phát huy những kết quả khả quan trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra trong những năm gần đây, những tháng đầu năm 2017, Thanh tra Nhà nước tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê bình Cục Thuế tỉnh và UBND TP Đà Lạt trong việc chậm trễ thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Đối với Cục Thuế tỉnh đó là việc chậm ban hành quyết định xử phạt 19 doanh nghiệp về việc chây ỳ nộp thuế. Đối với UBND TP Đà Lạt là việc thiếu quyết liệt, nghiêm khắc trong chỉ đạo UBND Phường 4 trong tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. 
 
Ông Lê Văn Liệu - Phó Chánh Thanh tra Nhà nước tỉnh khẳng định, việc tham mưu của Thanh tra Nhà nước tỉnh đối với UBND tỉnh nói trên là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một vài trường hợp thiếu ý thức tự giác trong thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, gây những phản ứng không tốt trong thực tiễn cuộc sống, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước lại có những cách xử lý không đồng nhất, thậm chí còn trái ngược nhau, dẫn đến những “dị nghị” này nọ. Điều đó cho thấy, để hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đạt được ngày càng cao, vững chắc hơn, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của các cơ quan quản lý các cấp trong thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra.          
       
HOÀNG KIẾN GIANG