Cát Tiên "đau đầu" về khai thác cát

09:09, 26/09/2016

Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, hoạt động khai thác cát đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân nhiều năm nay, chính quyền địa phương các cấp ở huyện thường xuyên phải hứng chịu những bức xúc và khiếu nại từ người dân.

Việc khai thác (KT) cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn qua huyện Cát Tiên mấy năm trước chúng tôi đã nhận được ý kiến phàn nàn của chính lãnh đạo Huyện ủy. Không thể “yên dân” mãi vì hoạt động KT cát trái quy định gây ra, cuối tháng 8/2016, UBND huyện Cát Tiên đã báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng. 
 
Bãi tập kết cát khai thác của Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai trên địa bàn Cát Tiên
Bãi tập kết cát khai thác của Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai trên địa bàn Cát Tiên

Ảnh hưởng đến nhiều mặt
 
UBND huyện Cát Tiên cho biết, hiện ở huyện có 7 đơn vị hoạt động KT cát, gồm 5 tổ chức và 2 cá nhân được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp 10 giấy phép (GP) khai thác tại địa bàn các xã Phước Cát 2, Phước Cát 1, Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tư Nghĩa và thị trấn Cát Tiên. 10 GP này có tổng công suất KT 96.100 m 3/năm, trên chiều dài sông 32,52 km. Và cũng trên dòng sông Đồng Nai chảy qua địa bàn huyện, UBND tỉnh Đồng Nai còn cấp phép KT cho Công ty cổ phần Công trình giao thông Đồng Nai (sau đây viết tắt CTGTĐN) với công suất 80.000 m 3/năm tại 13,37 km và Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Trường Phát (gọi tắt là Trường Phát) có công suất KT 40.000 m 3/năm tại 5 km. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, hoạt động KT cát đã làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân nhiều năm nay, chính quyền địa phương các cấp ở huyện thường xuyên phải hứng chịu những bức xúc và khiếu nại từ người dân. Ông Phúc dẫn chứng: Tại thị trấn, năm 2015, sau khi người dân Tổ dân phố 5 khiếu nại, cơ quan chức năng kiểm tra đo đạc và kết quả có 1.240 m 2 đất bờ sông của 6 hộ bị sạt lở. Đơn vị KT là Công ty TNHH Lâm Phong, DNTN Xuân Trường đã đền bù, hỗ trợ thiệt hại hơn 27 triệu đồng. Tương tự, tại xã Quảng Ngãi, đầu năm 2016 đến nay, tổng số hộ dân có đất gần bờ sông bị sạt lở là 131 hộ, với diện tích hơn 94.987 m 2 ở trong và ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đơn vị KT là DNTN Xuân Hà đã đền bù cho 107 hộ, với tổng số gần 1,2 tỷ đồng. Riêng các hộ dân thôn 1 xã này, sau khi khiếu nại, các cơ quan chức năng xác minh, đối thoại và 2 đơn vị liên quan là DNTN Xuân Hà và CTGTĐN đã thống nhất bồi thường. Cụ thể, DNTN Xuân Hà có diện tích làm sạt lở hơn 6.007 m 2 thuộc 14 hộ; mức bồi thường, hỗ trợ 40.000 đồng/m 2 đất được cấp GCNQSDĐ và 13.000 đồng/m 2 đất chưa được cấp GCNQSDĐ. Còn CTGTĐN là đơn vị đặt bãi chứa cát tạm là 17.524 m 2 liên quan đến 10 hộ, trước mắt, doanh nghiệp (DN) này hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ có diện tích đất bị sạt lở, đến mùa khô, 2 bên thống nhất đo đạc lại, tiến hành chi trả theo thực tế. Tại xã Phước Cát 2, do Công ty Trường Phát KT, diện tích sạt lở ở thôn Vĩnh Ninh 4.350 m 2 liên quan đến 7 hộ và thôn Phước Thái 4.479 m 2 liên quan đến 9 hộ, nhưng chưa được công ty bồi thường, hỗ trợ. Cũng chưa được bồi thường, hỗ trợ còn có xã Phước Cát 1, diện tích sạt lở khoảng 1.200 m 2 và tại xã Đức Phổ, sạt lở khoảng 4.000 m 2 do  DNTN Xuân Trường và Công ty TNHH Mạnh Hà khai thác. 
 
UBND huyện Cát Tiên khẳng định, việc KT cát đã gây ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn. Đáng lo ngại hơn là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Trung tâm huyện đang cung cấp cho hơn 2.000 hộ và sắp tới là Nhà máy nước sạch Ghềnh Đá sẽ cung cấp cho khoảng 3.000 hộ sử dụng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiên còn bức xúc cho biết: Hiện địa phương đã có 42 giếng bị sạt lở, đã báo cáo Phòng TN&MT huyện đề nghị Sở KH&CN Lâm Đồng đánh giá nguyên nhân… 
 
Sai phạm chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp
 
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên Nguyễn Hoàng Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT và các cơ quan chức năng và UBND xã, thị trấn của Cát Tiên cùng 5/11 đơn vị KT cát được mời tham dự có mặt. Huyện và các xã đều khẳng định tình trạng KT cát vào ban đêm diễn ra thường xuyên, có cả KT cát lậu (không có GP); rất khó giám sát và bắt giữ, khi phát hiện các tàu chạy sang phía bờ sông tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Ngay tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Nguyễn Ngọc Mỹ chưa hết bàng hoàng cung cấp cho mọi người thông tin còn rất “nóng” hổi. Đó là ngày 14/9, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phước Cát 2 Đoàn Ngọc Nam cùng Phó Công an xã và các cộng sự phát hiện tàu hút cát của CTGTĐN đang  KT cát và đã đề nghị dừng KT, sau đó leo lên tàu để làm việc thì tàu này chở luôn các cán bộ của xã chạy một mạch 15 km. “Anh Nam liên tục gọi điện thoại cho tôi nhờ cầu cứu suốt cả quãng đường. Tôi nóng ruột và rất lo, báo ngay cho Công an huyện để hỗ trợ. Rất may là chưa xảy ra thiệt hại về tính mạng của anh em trong xã, nếu không thì hôm nay tất cả không ngồi ở đây nữa rồi!” - ông Mỹ nói. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Phúc bức xúc: “Tôi khẳng định tàu này KT cát trái phép, cho nên đã chạy 15 km với mục đích để phi tang, rõ ràng đây là KT lậu”. Trước vụ việc này, Trung tá, Phó Công an huyện Cát Tiên - Bùi Đắc Hùng cho rằng, rất cần quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng để xử lý, “không nên leo lên tàu vì rất nguy hiểm”. 
 
Lãnh đạo UBND các xã Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 1… đều cho biết đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, chụp ảnh, quay phim, ngăn chặn và báo cáo lên huyện, nhưng một thời gian sau các tàu lại vi phạm hoạt động KT cát. Các địa phương, Công an huyện cũng đã nhiều lần xử lý vi phạm hành chính về các hành vi KT như sai vị trí so với GP, gần bờ, không đúng thời gian quy định KT... Chỉ tính hơn 8 tháng đầu năm 2016, toàn huyện đã xử lý 38 vụ vi phạm KT cát trên sông Đồng Nai, tổng số tiền xử phạt 76.650.000 đồng…
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng - Phạm Quang Tường cũng khẳng định, những tồn tại của các DN KT cát hiện nay là hoạt động chưa đúng với GP được cấp như KT ngoài vị trí; KT không đúng cam kết về thời gian; KT làm sạt lở bờ sông nhưng không thực hiện đền bù cho người dân; quá trình KT cát không chấp hành đúng quy định kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng…  
 
Kiên quyết xử lý những vi phạm
 
Phó Chủ tịch Nguyễn Hoàng Phúc thẳng thắn nói: Quan điểm rõ ràng của huyện Cát Tiên là những DN nào đã có GP mà hoạt động đúng các quy định thì ủng hộ, còn những DN hoạt động trái GP, trái các quy định gây hậu quả và tái phạm nhiều lần thì đề nghị tỉnh thu hồi GP, giảm thời hạn hoạt động KT tùy theo mức độ vi phạm. Ông Phúc cũng cho biết, UBND huyện Cát Tiên đã gửi những kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh và Sở TN&MT Lâm Đồng chỉ đạo tổ chức kiểm tra, đánh giá lại trữ lượng cát hiện có và giải pháp trong quản lý KT; kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở bờ sông để có giải pháp hạn chế và khắc phục… Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, Bình Phước cần xem xét không cấp mới, không gia hạn GP KT cát trên sông Đồng Nai đối với các DN. 
 
Phó Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quang Tường ghi nhận những ý kiến của huyện Cát Tiên và đồng tình kiên quyết trong xử lý mạnh tay hơn đối với những DN hoạt động KT cát vi phạm nhiều lần, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như đời sống của người dân. Ông Tường cho biết, Sở đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh trong quản lý hoạt động KT cát nhưng hiện còn chờ phía các tỉnh bạn. Vấn đề quy định khoảng cách KT cát cách bờ 15-20 mét theo đề xuất của địa phương phải ghi rõ vào mùa khô được ông Phạm Quang Tường ghi nhận và chỉ đạo Phòng Quản lý khoáng sản của Sở điều chỉnh. Còn đánh giá trữ lượng cát hiện còn trên sông, suối, theo ông Tường rất khó thực hiện vì không có nguồn kinh phí. Sở sẽ đề xuất tỉnh, nếu triển khai được thì có tham mưu cụ thể việc giảm thời hạn KT.  
 
Qua tình trạng ảnh hưởng từ KT cát trên sông Đồng Nai ở Cát Tiên cũng bộc lộ tồn tại về quản lý, giám sát của các địa phương cấp xã và ngành liên quan cấp huyện. Đó là năng lực nghiệp vụ; thiếu phối hợp đồng bộ, kịp thời giữa các cấp, các ngành và chưa quyết liệt trong xử lý những vi phạm.
 
MINH ĐẠO