Chủ động phòng, chống tội phạm mua bán người

03:07, 29/07/2016

(LĐ online) - Tuy chưa phải là "điểm nóng", song hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng.

(LĐ online) - Tuy chưa phải là “điểm nóng”, song hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng.
 
Đại diện cơ quan thường trực phòng chống tội phạm tỉnh, Trung tá Bùi Xuân Hóa - cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45), Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2016, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 6 vụ việc liên quan đến mua bán người. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức điều tra 3 vụ, trong đó xác lập 1 chuyên án và khởi tố điều tra 2 vụ án - 2 bị can với 3 nạn nhân. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Lâm Đồng chưa phát hiện điều tra vụ án nào về mua bán người, nhưng có nhận được 2 nguồn tin có liên quan đến mua bán người. 
 
Họp báo công bố Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (nguồn Internet)
Họp báo công bố Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (nguồn Internet)
Điểm qua một số vụ, việc
 
Theo Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Tham mưu cảnh sát, trong 5 năm (2011- 2015), đã phát hiện 2.205 vụ mua bán người, với 3.342 đối tượng, lừa bán tới 4.495 nạn nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ); tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Nguyên nhân do siêu lợi nhuận, mất cân bằng về giới; xuất nhập cảnh thông thoáng; truyền thông, trấn áp tội phạm mua bán người còn hạn chế; hệ thống chính sách pháp luật và hợp tác quốc tế chưa hoàn thiện, thiếu nguồn lực; người dân kinh tế khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm, nhẹ dạ cả tin nên “sập bẫy” tội phạm. Sáu tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 174 vụ mua bán người, với 232 đối tượng và lừa bán 351 nạn nhân.

Vào tháng 8/2012, Phòng PC45 Công an tỉnh Lâm Đồng đã xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng, đường dây mua bán người sang Trung Quốc đối với Sùng A Vữ (SN 1990) và Sùng A Thào (SN 1986) cùng trú quán tỉnh Lào Cai, tạm trú tại xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Các đối tượng đã dụ dỗ lừa bán 3 nạn nhân sang Trung Quốc gồm: Ka Lương (SN 1995), Ka Hương (SN 1995) và Ka Viện (SN 1995), cả 3 nạn nhân cùng trú tại thôn Đạ Mun 2, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Đến ngày 01/8/2012, được sự hỗ trợ của Công an Trung Quốc và phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai, Phòng PC45 Công an tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức giải cứu thành công đối với Ka Lương. Còn trường hợp Ka Hương, ngày 8/7/2016, lợi dụng sơ hở của nhà chồng đã trốn thoát trở về lại địa phương. Qua làm việc với lực lượng công an, Ka Hương cho biết, sau khi đưa sang Trung Quốc cô bị bán cho một người đàn ông về làm vợ. Riêng nạn nhân Ka Viện hiện vẫn chưa xác định đang ở đâu. 

Với tính chất, thủ đoạn tương tự, vào ngày 16/12/2013, Thào A Chua (SN 1983 , quê quán tỉnh Điện Biên, thường trú tại Thôn 4, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) liên hệ với Thào A Tanh tại tỉnh Lào Cai, lừa nạn nhân Cư Thị Cá (SN 1993, quê quán Hà Giang, tạm trú tại thôn Dơng Gle, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Thào A Chua đã đưa Cư Thị Cá ra Lào Cai giao cho Thào A Tanh để nhận 10 triệu đồng, sau đó Thào A Tanh đã bán Cư Thị Cá sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Cư Thị Cá bị bán đi, bán lại cho nhiều người về làm vợ. Nhận được đơn trình báo của gia đình nạn nhân Cư Thị Cá, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành điều tra xác minh như chưa có kết quả. Và đến tháng 4/2014, Cư Thị Cá đã trốn thoát và tìm đến Công an Trung Quốc nhờ giúp đỡ. Sau đó, Cư Thị Cá được trao trả về Việt Nam. Khi về địa phương, Cư Thị Cá tiếp tục gửi đơn tố cáo Thào A Chua và đồng bọn đã dụ dỗ lừa bán cô sang Trung Quốc. Công an tỉnh Lâm Đồng đã củng cố hồ sơ, thu thập chứng cứ, khởi tố vụ án, khởi tố bị cán đối với Thào A Chua. Vụ án đã được kết luận chuyển đề nghị truy tố trước pháp luật.
 
Và, nếu như các vụ án mua bán người trước đây nạn nhân đều là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh biên giới phía Bắc di cư vào Lâm Đồng, thì vụ việc mới đây nạn nhân được mở rộng sang người dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên. Hơn một năm trước, vào ngày 13/3/2015, Công an cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) cung cấp nội dung: phía Công an Trung Quốc đang đấu tranh chuyên án liên quan đến mua bán người qua Trung Quốc và có thông tin liên quan đến 2 người Việt Nam có tên tuổi, địa chỉ tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể: Ka Him (SN 1986, dân tộc Cil, con ông Ya Hơng và bà Ka Dơn) và Ka Bảy (SN 1993, dân tộc Cil, con bà Ka Jang), cả hai cùng trú tại thôn Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Căn cứ những thông tin trên, Phòng PC45 đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng xác minh làm rõ. Kết quả 2 người có tên trên là người của địa phương.
 
Công an Lào Cai bắt giữ đối tượng mua bán người (nguồn Internet)
Công an Lào Cai bắt giữ đối tượng mua bán người (nguồn Internet)
Để chủ động phòng, chống mua bán người
 
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều tra án mua bán người, Trung tá Bùi Xuân Hóa cho rằng: Về tính chất, thủ đoạn đối tượng sử dụng trong các vụ án mua bán người không có gì mới. Nạn nhận mà chúng nhắm đến là các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp, không có công ăn việc làm hoặc việc làm không ổn định; người ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít được tiếp nhận thông tin… Và, bằng thủ đoạn hứa hẹn tạo việc làm có thu nhập cao; hay lợi dụng sự quen biết, hứa hẹn yêu đương, bảo đảm cuộc sống sung sướng về sau; hoặc rủ đưa đi du lịch, mua sắm… “Cũng cần nhấn mạnh rằng, hầu hết trong các vụ việc liên quan đến mua bán người, đối tượng thường lợi dụng sự quen biết từ trước. Những vụ việc xảy ra trên địa bàn chủ yếu liên quan đến người Mông từ các tỉnh phía Bắc di cư vào Lâm Đồng, cụ thể là huyện Đam Rông. Từ mối quan hệ đó, đối tượng mới móc nối, lôi kéo thêm các nạn nhân bản địa…” - Trung tá Hóa khẳng định.
 
Cũng theo Trung tá Bùi Xuân Hóa, để chủ động trong phòng, chống mua bán người, một mặt chúng tôi đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống mua bán người, cũng như các phương thức, thủ đoạn mua bán người để người dân nâng cao cảnh giác. Đi đôi với công tác phòng ngừa xã hội, chúng tôi cũng đồng thời triển khai công tác phòng ngừa nghiệp vụ. Trong đó, chú trọng tổ chức điều tra, xác minh làm rõ các vụ việc đã xảy ra, từ đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật nhằm răn đe, giáo dục… Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi lúc này là con người. Ban Chỉ đạo, cán bộ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có điều kiện để đầu tư chiều sâu cho công việc nên hiệu quả mang lại chưa cao.
 
Thời gian tới, để chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người cần tập trung nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu… để làm cho người dân biết và hưởng ứng. Mặt khác, cần phát huy vai trò, chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng liên quan (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống mua bán người) như: Thông tin Truyền thông, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phụ nữ, Thanh niên… nhằm phối hợp tổ chức tuyên truyền. Đặc biệt, từ năm 2016, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 30/7 là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”, qua đó nhằm nâng cao nhận thức và vận động toàn dân tham gia công tác phòng, chống mua bán người.
 
LÊ HỮU TÚC