"Phòng ngừa là cơ bản trọng tâm, tấn công triệt phá là then chốt"

08:11, 13/11/2015

Đó là phương châm trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy của Công an thành phố Đà Lạt, Thượng tá Đặng Dũng Quế - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khẳng định.

Đó là phương châm trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy của Công an thành phố Đà Lạt, Thượng tá Đặng Dũng Quế - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khẳng định.
 
Công an thành phố Đà Lạt triệt phá một vụ án ma túy trên địa bàn
Công an thành phố Đà Lạt triệt phá một vụ án ma túy trên địa bàn
Thượng tá Đặng Dũng Quế nêu vấn đề: Trong những năm qua, kinh tế - xã hội thành phố Đà Lạt đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy hiện đang là vấn đề bận tâm của cơ quan chức năng, các cấp, các ngành, các địa phương thành phố Đà Lạt, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Qua công tác điều tra khảo sát trên địa bàn thành phố, hiện có 16/16 phường, xã có liên quan đến ma túy (tăng 3 xã so với cùng kỳ năm 2014), trong đó có 1 phường trọng điểm về ma túy loại I, 3 phường trọng điểm về ma túy loại II, 7 phường trọng điểm về ma túy loại III và 5 phường xã có tệ nạn ma túy. Tổng số đối tượng nghiện ma túy và liên quan đến ma túy trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện có 967 đối tượng (số có hồ sơ quản lý), tăng 586 đối tượng so với cùng kỳ.
 
Thượng tá Đoàn Văn Bính - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an Lâm Đồng cho hay: Trước đây, việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy trình: công an phát hiện đối tượng tiến hành test ma túy, cho tự khai báo, xác định nơi cư trú và lập hồ sơ đưa đi trung tâm cai nghiện bắt buộc. Với quy trình này, chỉ cần tối đa 3 tháng là người nghiện ma túy đã được đưa vào trung tâm cai nghiện. Từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thì việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc kéo dài gấp đôi so với quy trình cũ. Đầu tiên phải xác định tình trạng nghiện rồi mới xử phạt hành chính, tiếp đó đưa về giáo dục tại phường, xã (cai nghiện tại cộng đồng) trong thời gian 3 đến 6 tháng, nếu tái nghiện mới làm thủ tục đưa đi cai nghiện bắt buộc. Đó là những trở lực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy hiện nay.

Trước tình hình đó, là đơn vị chủ công trong phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xác định thực hiện tốt phương châm “Phòng ngừa là cơ bản trọng tâm, tấn công triệt phá là then chốt”, từ đó luôn chú trọng huy động sức mạnh toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy. Trên tinh thần đó, Đội đã tham mưu cho Công an thành phố Đà Lạt phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy, hướng về cơ sở và tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao. “Ngoài việc tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trong toàn dân, chúng tôi đặc biệt quan tâm phối hợp tổ chức phát động toàn dân tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, người nghiện ma túy tại cộng đồng…” - Thượng tá Đặng Dũng Quế cho biết thêm. 

Kết quả của việc vận động người dân tham gia phát hiện tố giác tội phạm, trong giai đoạn 2011 - 2015, thông qua “hòm thư tố giác”, “đường dây nóng” quần chúng đã cung cấp nhiều nguồn tin liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng, đã giúp lực lượng công an xử lý, ngăn chặn và triệt phá 156 vụ - 246 đối tượng liên quan đến ma túy; thu giữ 61,7618 gam heroin, 357,8098 gam ma túy tổng hợp, 850,6031 gam cần sa khô,17,5kg cần sa tươi, 108 điện thoại di động, 131,785 triệu đồng và một số dụng cụ sử dụng ma túy. Công an thành phố Đà Lạt đã khởi tố điều tra 126 vụ - 147 bị can, trong đó 57 vụ - 64 bị can khởi tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và 69 vụ - 83 bị can khởi tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Ngoài ra, Công an thành phố còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện. Trong 5 năm qua, thành phố đã lập hồ sơ gọi răn đe, cảm hóa, giáo dục 436 lượt đối tượng; lập hồ sơ thu gom 94 người nghiện đưa đi cai nghiện bắt buộc 24 tháng tại Trung tâm 05-06; vận động giúp đỡ 97 người nghiện tự nguyện cai nghiện tại Trung tâm 05-06 và lập hồ sơ 318 người nghiện đưa vào giáo dục tại phường - xã.
 
Có thể khẳng định, thời gian qua công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, công tác phòng, chống tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố chưa thật hiệu quả. Con số hơn 900 đối tượng nghiện trên địa bàn chưa phải là lớn, nhưng cũng không còn là nhỏ, nhất là khi đang có chiều hướng gia tăng một cách đột biến trong thời gian gần đây (tăng 586 đối tượng/967 đối tượng nghiện). Và lẽ tất nhiên, đây là con số có hồ sơ quản lý, còn con số thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều, có người ví như là “phần chìm của tảng băng”. Số người nghiện gia tăng, trong khi do “vướng thủ tục” mà từ năm 2014 đến  nay, thành phố Đà Lạt chưa đưa được trường hợp người nghiện ma túy nào vào trung tâm cai nghiện bắt buộc.
 
Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng, chống ma túy, Thượng tá Đặng Dũng Quế cho rằng, nơi nào cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tập trung chỉ đạo, quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, tấn công mạnh mẽ, quyết liệt, thì nơi đó công tác phòng, chống ma túy mới đạt hiệu quả, tội phạm và người nghiện ma túy sẽ giảm. Ngược lại, những nơi buông lỏng quản lý, chỉ đạo thiếu chặt chẽ, quyết liệt, thì tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy có điều kiện hoạt động, lây lan, gây nguy hại cho xã hội và kéo theo các loại tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội cũng từ đó mà gia tăng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. 
 
Công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; và cần sự phối hợp đồng bộ, thực chất mới mong giảm tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
 
LÊ HỮU TÚC