Đà Lạt: Công tác hòa giải góp phần giải quyết những mâu thuẫn ở địa bàn dân cư, phòng ngừa tội phạm

NGUYỄN NGHĨA 00:26, 16/08/2023

Hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Đà Lạt thời gian qua đã đi vào nền nếp, công tác hòa giải được tiến hành ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành trong số các vụ việc phát sinh hàng năm tăng cao. Những yếu tố này đã góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Một tiết mục tại Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023
Một tiết mục tại Hội thi Hòa giải viên giỏi năm 2023

LÀM TỐT CÔNG TÁC PHỔ BIẾN VỀ LUẬT HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ 

Có thể nói rằng, công tác hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính xã hội tự nguyện thực hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hòa giải ở cơ sở không chỉ đơn thuần là góp phần hạn chế các tranh chấp dân sự và phòng ngừa tội phạm, vận động Nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, củng cố tình làng, nghĩa xóm, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư; mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc duy trì, phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở cũng chính là góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội của Nhà nước. 

Xác định tầm quan trọng như vậy, nên hàng năm, UBND TP Đà Lạt đều ban hành các kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng. Đơn cử như tổ chức các Hội nghị tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho đối tượng là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; công chức tư pháp - hộ tịch phường, xã; tổ trưởng tổ hòa giải của các tổ dân phố, thôn trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến, tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15 ngày 27/2/2014 của Chính phủ và kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên thuộc các tổ hòa giải trên địa bàn phường, xã; tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi; biên soạn, in ấn tờ gấp pháp luật có nội dung tuyên truyền về Luật Hòa giải ở cơ sở để phổ biến, tuyên truyền đến tận cán bộ, công chức, hòa giải viên và người dân trên địa bàn thành phố; cấp phát sách Luật Hòa giải ở cơ sở đến Tủ sách pháp luật của tất cả các phòng, ban, đơn vị, tổ dân phố, thôn trên địa bàn TP Đà Lạt. UBND các phường, xã cũng đã tích cực tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định có liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC HÒA GIẢI 

Nhằm tạo điều kiện cho hòa giải viên nhận thức đầy đủ vai trò và ý nghĩa, nắm vững nội dung pháp luật của hòa giải ở cơ sở; những kiến thức cơ bản về một số lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân để vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; có kỹ năng cơ bản để tổ chức và thực hiện tốt hoạt động hòa giải ở cơ sở; UBND TP Đà Lạt đã tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.

Thực hiện Kế hoạch số 2874 ngày 16/5/2019 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; UBND TP Đà Lạt đã ban hành Kế hoạch số 4288 ngày 8/8/2019 về việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022” trên địa bàn thành phố nhằm tiếp tục xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải để giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. UBND thành phố còn thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn lực lượng làm công tác hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải, hòa giải viên. Hiện nay, toàn thành phố có 17 công chức kiêm nhiệm công tác hòa giải ở cơ sở bao gồm 1 công chức Phòng Tư pháp và 16 công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp UBND cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, UBND TP Đà Lạt đã bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hằng năm dành cho hoạt động hòa giải ở cơ sở và chỉ đạo yêu cầu UBND các phường, xã dự trù kinh phí để phục vụ cho công tác hòa giải ở cơ sở, hướng dẫn các tổ hòa giải thực hiện các thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.

Thống kê cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 204 tổ hòa giải với 1.016 hòa giải viên; trung bình mỗi tổ hòa giải có từ 3 hòa giải viên trở lên. Các thành viên của Tổ hòa giải đa phần là các Trưởng ban công tác Mặt trận tại cơ sở; Phó ban công tác Mặt trận; các trưởng ban, ngành, đoàn thể ở khu dân cư. Riêng đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ hòa giải luôn đảm bảo có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Qua 10 năm triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và tiến hành hòa giải 1.725 vụ việc, trong đó đã tiến hành hòa giải thành 1.304 vụ. Qua đó, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân được giải quyết kịp thời, hạn chế tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.

Những kết quả này cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Đà Lạt đã được triển khai thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, đa dạng và khá hiệu quả, góp phần vào việc gìn giữ, phát huy truyền thống đoàn kết, chung tay vun đắp mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong các tầng lớp nhân dân ở cộng đồng dân cư tổ dân phố, thôn.