2.110ha cây trồng tại Lâm Đồng bị ảnh hưởng bởi nắng hạn

CHÍNH PHONG 11:33, 27/03/2024

(LĐ online) - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.100ha cây trồng bị ảnh hưởng trước tình trạng khô hạn kéo dài, nguồn cấp nước bị sụt giảm cục bộ. Phần lớn, diện tích cây trồng trên nằm tại các khu vực không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm. 

Theo thống kê từ ngành nông nghiệp, trong 3 tháng vừa qua, lượng mưa trung bình trên địa bàn toàn tỉnh đạt thấp, chỉ bằng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Mưa xuất hiện cục bộ tại huyện Bảo Lâm và một số khu vực khác với lượng trung bình, thấp.

Người dân xã Tam Bố, huyện Di Linh đang thiếu nước tưới cho cà phê nghiêm trọng khi nguồn nước suối nắng hạn kéo dài đã cạn kiệt
Người dân xã Tam Bố, huyện Di Linh đang thiếu nước tưới cho cà phê nghiêm trọng khi nguồn nước suối nắng hạn kéo dài đã cạn kiệt

Số ngày nắng nóng tiếp tục tăng, biên độ nhiệt thay đổi giữa ngày và đêm lớn. Mực nước trên các sông suối đang giảm dần, nhất là các suối nhỏ đang giảm mạnh. Đối với các công trình hồ chứa thủy lợi có quy mô lớn, vừa có mực nước giảm trung bình từ 0,5 đến 3,5m, dung tích tích trữ còn lại so với tổng dung tích hồ đạt trung bình khoảng 65%.

Đối với các hồ chứa nhỏ hiện đã bị ảnh hưởng nặng hơn khi mực nước giảm trung bình từ 1 đến 4,5m, dung tích tích trữ còn lại so với tổng dung tích hồ đạt trung bình khoảng 45%, đa phần mực nước các công trình đều thuộc vùng cấp nước bình thường trong biểu đồ điều phối, số ít các công trình có mực nước xuống bằng mực nước chết. Đối với các hồ chứa thủy điện có dung tích trữ còn lại đạt trung bình khoảng 75%, mực nước hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 đến 5m, các công trình cơ bản sẽ đảm bảo nhiệm vụ phát điện, cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp khi có yêu cầu.

Từ diễn biến thời tiết, thủy văn, hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật nêu trên, trong thời gian qua trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận tình trạng giảm nguồn cấp nước cục bộ làm ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng bình thường của khoảng 2.110 ha cây trồng (huyện Lâm Hà 1.580ha; huyện Đạ Tẻh là 380ha; huyện Cát Tiên 95ha; huyện Bảo Lâm là 35ha; Huyện Di Linh là 20ha tại xã Tam Bố), phần lớn tại các khu vực không có công trình thuỷ lợi, xa sông suối tự nhiên, khan hiếm nguồn nước ngầm, một phần nhỏ tại một số công trình thủy lợi có mực nước xuống thấp; chưa ghi nhận xảy ra tình trạng thiếu nước làm chết cây trồng. Đối với cấp nước sinh hoạt nông thôn cơ bản vẫn đảm bảo theo yêu cầu, hiện tại ghi nhận giảm lưu lượng cấp nước cho khoảng 166 hộ (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng là 73 hộ, xã Đoàn Kết, Mađaguôi huyện Đạ Huoai là 93 hộ); các ảnh hưởng thực tế này vẫn trong khả năng kiểm soát của các địa phương.

 Để tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành liên quan sớm xem xét sớm tham mưu UBND tỉnh các nội dung để xác định khả năng cân đối bố trí kinh phí từ ngân sách nhằm thực hiện các giải pháp chống hạn năm 2024 với kinh phí dự kiến 63 tỷ đồng.

 Bên cạnh đó, chỉ đạo Sở Công thương chủ trì kiểm tra việc vận hành nhà máy thuỷ điện Đa R’cao (trên suối Đa Tam là tuyến suối nối với công trình hồ Tuyền Lâm để cấp nước cho đập dâng Quảng Hiệp) công tác vận hành có phù hợp với Quy trình vận hành được duyệt hay không mà thực tế gây ảnh hưởng đến việc cấp nước tưới cho 2.150ha của đập dâng Quảng Hiệp, làm cơ sở để đề xuất giải pháp xử lý phù hợp...

 Xem xét chỉ đạo các địa phương, sở ngành liên quan để đầu tư xây dựng hồ chứa nước Tôn Klong, huyện Đạ Tẻh; hồ thôn 3 xã Gia Hiệp, hồ Tam Bố huyện Di Linh là các vùng chưa có công trình thuỷ lợi, thường xuyên bị hán hán thiếu nước và có trong Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023…