Thực hiện giải pháp đồng bộ để thu ngân sách đạt chỉ tiêu

DIỄM THƯƠNG 06:45, 12/01/2024

Năm 2024, nhiệm vụ thu ngân sách ngành Thuế được Trung ương giao dự toán thu 13.092 tỷ đồng, UBND tỉnh giao 14.150 tỷ đồng, trong đó, khối tỉnh dự toán thu trên 8.000 tỷ đồng, khối huyện dự toán thu trên 6.100 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhóm giải pháp đồng bộ, tập trung triển khai nhằm tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành Thuế triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024
Ngành Thuế triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024

Để thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2024, các ngành, địa phương trong toàn tỉnh đã làm rõ một số nội dung liên quan đến một số kết quả công tác thuế năm 2023, trong đó phân tích, chỉ ra những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của từng ngành, lĩnh vực, từng khoản thu… Từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai, thực hiện, đặc biệt là tăng cường công tác phối hợp thanh kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực còn nhiều dư địa lớn như: khoáng sản, xăng dầu, dịch vụ ăn uống, lưu trú… 

Theo ông Trần Phương - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng: Ngành Thuế sẽ tăng cường chú trọng chống thất thu. Đối với quản lý kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp và mã tham chiếu, đảm bảo số nộp quản lý trên TMS được cập nhật kịp thời. Cùng với đó, tăng cường quản lý hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế.

Song song với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, phối hợp với cơ quan công an, các bộ, ngành liên quan để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định. Đưa vào sử dụng Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn.

Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Trong đó, tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng xuất, nhập khẩu có điều kiện... Tăng cường thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan để xác định dấu hiệu vi phạm, phương thức thủ đoạn gian lận trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Để đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách, ngành Thuế cũng tập trung quản lý nợ, thu hồi nợ thuế. Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định. Tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp cho rằng, năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, vì vậy toàn ngành Thuế cần thể hiện sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác quản lý, duy trì kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm công vụ, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Xác định những lĩnh vực còn thất thu để triển khai các đề án quản lý thuế hiệu quả. Đồng thời, lập tiến độ, kế hoạch thu hàng tuần, hàng tháng, hàng quý đối với nguồn thu, tổng thu, đối với từng địa bàn, chi cục thuế, thực hiện nghiêm các kết luận của thanh tra, kiểm toán, không để tình trạng nợ thuế dây dưa, kéo dài, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách, quy định thuế đến từng đối tượng cụ thể. 

Bên cạnh đó, ngành Thuế cùng các ngành và địa phương cần tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, đơn vị, thực hiện tốt việc triển khai hóa đơn điện tử một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Tăng cường công tác quản lý thu, thu đúng, thu đủ và kịp thời, tăng cường chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và người nộp thuế.

Khai thác tất cả các nguồn có khả năng thu để bù đắp nguồn hụt thu các khoản thu; theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu. Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường công tác quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu ngân sách...

Đặc biệt, chú trọng công tác sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Thuế theo chỉ đạo của ngành và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành Thuế có bản lĩnh chính trị, vững về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện nay. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ. 



Liên kết hữu ích