Ứng dụng khoa học - công nghệ đưa sâm Ngọc Linh phát triển ở Lâm Đồng

QUỲNH UYỂN 05:24, 20/07/2023

Với nền nông nghiệp công nghệ cao phát triển đột phá so với cả nước, cùng tiềm năng thiên nhiên ưu đãi, khí hậu ôn đới, Lâm Đồng có các tiểu vùng sinh thái (Đà Lạt - Lạc Dương - Đam Rông) khá tương đồng với vùng núi Ngọc Linh (Kon Tum và Quảng Nam) nên rất phù hợp để cây sâm Ngọc Linh phát triển. 

Ứng dụng khoa học - công nghệ vào việc di thực, trồng, nhân giống đưa sâm Ngọc Linh bám chặt rễ trên đất Lâm Đồng
Ứng dụng khoa học - công nghệ vào việc di thực, trồng, nhân giống đưa sâm Ngọc Linh bám chặt rễ trên đất Lâm Đồng

Từ hơn 20 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiều nghiên cứu khoa học như ứng dụng công nghệ cao trong trồng và di thực sâm Ngọc Linh, nhân giống sâm Ngọc Linh bằng công nghệ nuôi cấy mô, nghiên cứu sản xuất sinh khối rễ sâm Ngọc Linh... nhằm đưa cây sâm Ngọc Linh bám chặt rễ trên đất Lâm Đồng.

Có thể kể, Đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và tái sinh cây sâm Việt Nam (P.vietnamensis Ha et Grushv.) trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Lâm Đồng” do Trung tâm Trồng và Chế biến cây thuốc Đà Lạt thực hiện. Kết quả nghiên cứu đã xác định được vị trí của cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trong hệ thống phân loại thực vật; thông qua phân tích, so sánh các thông tin, tài liệu thu thập được, đề tài đã xác định khu phân bố tự nhiên của cây sâm Việt Nam; xác định được các nhân tố sinh thái chính của khu vực phân bố loài sâm Việt Nam (địa hình, chế độ gió, chế độ mưa, ánh sáng, các hiện tượng sương mù, sương muối và mây, chế độ nhiệt, chế độ ẩm, thổ nhưỡng, cảnh quan sinh vật); xác định các nhân tố sinh thái chính khu bố trí thí nghiệm tại Lâm Đồng; đề tài cũng đã nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển của các cá thể di thực bố trí trong giàn che, dưới tán rừng, khu vực Cam Ly và LangBiang.

Hay, Đề tài “Nghiên cứu khả năng ra hoa tạo hạt của cây sâm Ngọc Linh invitro tại Đà Lạt” do Ban Quản lý Khu công nghệ sinh học và Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt chủ trì thực hiện năm 2019. Kết quả nghiên cứu đã xác định được giá thể, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho cây giai đoạn vườm ươm và vườn trồng; các yếu tố sinh thái phù hợp (nhiệt độ, độ ẩm đất, độ ẩm không khí, cường độ ánh sáng) cho cây sinh trưởng và phát triển; các chất điều hòa thúc đẩy quá trình ra hoa của cây sâm Ngọc Linh và khả năng tích lũy một số loại Saponin của các cây sâm Ngọc Linh có nguồn gốc nuôi cấy invitro 5 năm tuổi là tương đồng so với cây sâm Ngọc Linh tự nhiên trồng tại Quảng Nam và Kon Tum. Bên cạnh đó, đề tài còn xây dựng được quy trình trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh invitro trong nhà kính, quy trình sản xuất giá thể trồng sâm; xử lý và ươm gieo hạt giống. Bước đầu thu được hạt sâm Ngọc Linh invitro có khả năng nảy mầm trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Đà Lạt.

Sâm Ngọc Linh là một loài dược liệu đặc hữu của Việt Nam, còn gọi là sâm Việt Nam, được phát hiện vào năm 1973 phân bố tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. 50 năm qua, các nghiên cứu về dược chất ngày càng chứng minh sâm Ngọc Linh là cây thuốc quý có chứa 52 thành phần Saponin mà rất ít loài sâm khác trên thế giới có được.

Tiếp nối kết quả đề tài trên, năm 2021, Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng triển khai thực hiện Đề tài “Nghiên cứu khả năng nhân giống cây sâm Ngọc Linh invitro bằng phương pháp giâm hom gốc trong điều kiện nhà kính tại Đà Lạt” với mục tiêu nhân cây giống sâm Ngọc Linh invitro bằng kỹ thuật giâm hom gốc từ cây mẹ, nhằm đảm bảo đặc điểm di truyền của cây mẹ, chất lượng cây con đồng đều và số lượng nhanh trên cơ sở đánh giá tỷ lệ sống, khả năng sinh trưởng, phát triển và hàm lượng hoạt chất góp phần bảo tồn nguồn gen loại cây dược liệu quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Việc di thực, trồng, nhân giống thành công cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, nhất là việc ứng dụng nuôi cấy mô để nhân giống cây sâm Ngọc Linh sẽ tạo ra một nguồn cây giống lớn cung cấp cho các khu vực trồng sâm Ngọc Linh là một hướng để giải quyết những hạn chế, tồn tại của phương pháp nhân giống truyền thống (nhân giống bằng hạt). Mặt khác, việc nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ tạo ra số lượng cây giống nhiều, đủ để cung cấp cho người dân, từ đó có thể xã hội hóa việc trồng sâm Ngọc Linh, mang lại lợi ích kinh tế và phát triển thương hiệu sâm Việt Nam trên thế giới. Từ đó, sâm Ngọc Linh - một dược liệu quý hiếm đặc hữu “quốc bảo” của Việt Nam sẽ vượt khỏi không gian của núi rừng Ngọc Linh, bám rễ ở nhiều vùng đất phù hợp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Theo ông Đỗ Minh Ngọc - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, trong thờn gian tới, ngành sẽ ưu tiên đề xuất các dự án phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh tập trung các đề tài: Nghiên cứu nhân giống sâm Ngọc Linh; tiếp tục nghiên cứu giải quyết vấn đề quy trình canh tác, mô tả lịch sử di thực, phân tích dược chất và từng bước nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng sâm Việt Nam tại Lâm Đồng; nghiên cứu các biện pháp trồng sâm Ngọc Linh; nghiên cứu tạo sinh khối củ sâm Ngọc Linh trong phòng thí nghiệm gắn với xây dựng và hình thành ra các nhóm sản phẩm chủ lực sử dụng nguyên liệu củ sâm Ngọc Linh như thực phẩm chức năng, nước giải khát… Tập trung phát triển mô hình trồng sâm Ngọc Linh ra diện rộng trên địa bàn tỉnh; tiếp thu các kết quả nghiên cứu để triển khai ứng dụng gắn với Đề án Phát triển vùng sản xuất dược liệu tỉnh Lâm Đồng.