Khoa học công nghệ được ứng dụng ngày càng rộng khắp

05:05, 18/05/2022
Trong 10 năm qua, Lâm Đồng đã ban hành 1 nghị quyết, 12 kế hoạch, 7 quyết định trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, có quy định về quản lý nhiệm vụ KHCN tỉnh Lâm Đồng; định mức chi đối với nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước tại tỉnh; các Đề án về Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; Quy chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở, phân cấp cho cơ quan quản lý trong xét duyệt, thẩm định nội dung, khoán kinh phí theo hướng cải tiến, đơn giản hoá trình tự, thủ tục... từ đó, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức triển khai nhiệm vụ KHCN.
 
Nông dân vùng sâu, vùng xa ứng dụng KHCN vào sản xuất cây ăn trái
Nông dân vùng sâu, vùng xa ứng dụng KHCN vào sản xuất cây ăn trái
 
Hoạt động KHCN của tỉnh thời gian qua đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền ngày càng quan tâm đến hoạt động KHCN, khuyến khích các ngành, lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp Nhân dân tích cực, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng những thành tựu KHCN vào sản xuất, kinh doanh và trong cuộc sống. Sự nghiệp KHCN của tỉnh có những bước phát triển mới, tiềm lực KHCN được tăng cường, đội ngũ cán bộ KHCN được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, có khả năng tiếp thu và làm chủ tri thức ở một số ngành, lĩnh vực hiện đại như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... Ở một số vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các dự án, được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác đã dần cải thiện cuộc sống. Công tác quản lý khoa học cũng có nhiều cải tiến, thực hiện tốt chức năng tham mưu trong việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời và phù hợp với điều kiện của địa phương. Việc ứng dụng, chuyển giao KHCN trong quản lý, trong lao động sản xuất được chú trọng, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ KHCN trong phát triển nông nghiệp, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, phát triển thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. 
 
Về trình độ KHCN của tỉnh, đến nay được đánh giá thuộc loại khá của cả nước, trong đó, có một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thuộc tốp dẫn đầu của cả nước. Cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp KHCN công lập được đầu tư và hoạt động có hiệu quả; các viện, trường trên địa bàn được Trung ương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đã và đang đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học, giảng dạy và góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các doanh nghiệp quan tâm đến việc đổi mới, nâng cấp và sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Một số ngành, lĩnh vực, các đơn vị đã có bước chuyển trong việc đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, điển hình như: Chuyển giao công nghệ sản xuất gạch Tuynel ở Nhà máy Gạch Tuynel Thạnh Mỹ; công nghệ làm nấm ăn, nấm dược liệu tại Công ty TNHH Ngọc Yến Minh - Đơn Dương, Công ty TNHH Nấm Thuận Thái - Bảo Lộc; công nghệ thực phẩm làm tương chao của Công ty TNHH Bông Mai; mô hình sản xuất cà phê bền vững tại huyện Lâm Hà của Công ty TNHH Trần Thành; mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản của Trung tâm Ứng dụng KHCN Lâm Đồng;... Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về KHCN, nhất là trong hỗ trợ về bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá cũng đã tạo đà cho các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh thâm nhập vào thị trường khắp cả nước, kể cả những phân khúc thị trường khó tính nhất; qua đó đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, trang bị các thiết bị hiện đại trong phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật từ khâu sản xuất giống, trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, cung cấp các sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Các sáng chế, giải pháp hữu ích của người nông dân địa phương đã góp phần phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh như: máy gieo hạt, máy đóng đất vào vỉ xốp, máy băm cỏ...
 
Những kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án KHCN đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò của KHCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong từng ngành, lĩnh vực, tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân làm thay đổi suy nghĩ, thói quen sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng KHCN trong các lĩnh vực đã được thực hiện rộng khắp, làm thay đổi mọi mặt đời sống, sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.
 
NGUYỄN NGHĨA