Đại học Đà Lạt và ngành kỹ thuật hạt nhân

09:09, 16/09/2016

Trường Đại học Đà Lạt đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ và hợp tác từ phía Hàn Quốc về nghiên cứu và đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân. PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với GS, TS Kim Si Hwan - Hiệu trưởng ĐH Han Yang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc.

Trường Đại học Đà Lạt (ĐH ĐL) cùng với vị trí đắc địa là gần Lò phản ứng hạt nhân (HN) duy nhất ở Việt Nam, nhiều năm qua nhà trường đã hợp tác tích cực với Hàn Quốc (một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ điện HN lớn của thế giới) để cùng nghiên cứu và đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân (KTHN). Nhân dịp ĐH ĐL tuyển sinh ngành KTHN năm học mới 2016-2020 và tiếp nhận mô hình mô phỏng Lò phản ứng HN của Hàn Quốc, PV Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với GS, TS Kim Si Hwan - Hiệu trưởng ĐH Han Yang, nguyên Chủ tịch Hiệp hội hạt nhân Hàn Quốc, người chịu trách nhiệm nội địa hóa, tự chủ hóa công nghệ điện HN tại Hàn Quốc. 
 
GS Kim Si Hwan bên mô hình mô phỏng lò phản ứng hạt nhân APT1 400 tại phòng thí nghiệm của ĐHDL
GS Kim Si Hwan bên mô hình mô phỏng lò phản ứng hạt nhân APT1 400 tại phòng thí nghiệm của ĐHDL
PV: Thưa GS, ông có thể đánh giá khái lược về sự phát triển của ngành kỹ thuật HN nói chung và điện HN của Hàn Quốc? 
 
GS Kim Si Hwan: Chính phủ Hàn Quốc chính thức khởi động chương trình điện HN bằng việc ban hành Luật Năng lượng nguyên tử và thành lập Ban Năng lượng nguyên tử trực thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1958, Hàn Quốc ký hợp đồng xây dựng lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên (TRIGA Mark-II) với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Cùng đó, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc được thành lập và khoa đào tạo KTHN trình độ ĐH đầu tiên được mở để đào tạo kỹ sư HN cho những dự án điện trong tương lai. Năm 1961, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) được thành lập để hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất. Năm 1964, Ban Năng lượng nguyên tử và Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc tập trung vào việc ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y tế và nông nghiệp. Năm 1968, kế hoạch phát triển điện HN dài hạn trong 20 năm được xây dựng dựa trên những kết quả đã đạt được trong vòng 8 năm trước đó. Năm 1971, nhà máy điện HN đầu tiên được khởi công xây dựng và bắt đầu hoạt động thương mại 7 năm sau đó. Năm 1989, Hàn Quốc đã tiến hành xây dựng nhà máy điện HN đầu tiên dựa trên nền tảng công nghệ và kinh nghiệm của các hoạt động quản lý và khoa học trong nước; trong đó sử dụng công nghệ OPR 1.000 (tiêu chuẩn Hàn Quốc) được chạy thử nghiệm năm 1995. 
 
Hiện nay, Hàn Quốc đang vận hành 24 Viện kỹ thuật hạt nhân; 23 lò phản ứng phát điện với công suất 20.716 MW, đưa điện HN chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng điện sản xuất ra trong năm 2014. Seoul cũng coi năng lượng HN vẫn là ưu tiên chiến lược trong ít nhất 2 thập kỷ tới và dự kiến công suất điện HN sẽ đạt 37.000 MW (chiếm khoảng 35-40% tổng điện năng sản xuất ra) vào năm 2029, đồng thời duy trì mức độ này đến năm 2035. Hàn Quốc đang là một trong những quốc gia nắm giữ công nghệ điện HN lớn của thế giới và là một trong số ít quốc gia có công nghệ điện HN có thể xuất khẩu. 
 
PV: Vậy với lĩnh vực kỹ thuật HN, phía Hàn Quốc đã quan tâm hỗ trợ như thế nào đối với Việt Nam, đặc biệt là Trường ĐH ĐL thưa GS? 
 
GS Kim Si Hwan: Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Việt Nam bằng rất nhiều chương trình để cung cấp máy móc, trang thiết bị, tài liệu và đội ngũ chuyên gia khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật HN. Chúng tôi đang chờ đợi ở Việt Nam sớm có một nhà máy điện HN ra đời. 
 
Đối với ĐH ĐL, Hàn Quốc bắt đầu hợp tác từ năm 2013. Tháng 2/2014, Trường ĐH ĐL và Hàn Quốc chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác đào tạo lĩnh vực điện HN trong 2 năm với tổng kinh phí Hàn Quốc hỗ trợ 2 triệu USD. Từ đó, Hàn Quốc triển khai hoạt động kiểm định chương trình khung đào tạo ngành kỹ thuật HN cho nhà trường; tham vấn xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận nhiều kiến thức hiện đại như ở Hàn Quốc. Đồng thời, Hàn Quốc cung cấp cho ĐH ĐL nhiều thiết bị chuyên môn hiện đại để nhà trường xây dựng một phòng thí nghiệm tốt trong nghiên cứu và đào tạo kỹ thuật HN. Ví dụ, cuối năm 2014, Trường ĐH ĐL được tiếp nhận hệ thống thiết bị mô phỏng lõi lò phản ứng HN thời gian thực OPR1.000 Core Simulator (CoSi) có trị giá 500.000 USD do Tập đoàn Thủy điện - Điện HN Hàn Quốc (CRI-KHNP) cùng một số cơ quan, đơn vị của Hàn Quốc tài trợ. Hệ thống thiết bị này đã được CRI-KHNP đầu tư nghiên cứu nhằm mô phỏng tính toán các thông số thực của lò phản ứng OPR 1.000; cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của lò. Đây là hệ thống mô phỏng lò phản ứng HN thời gian thực đầu tiên có mặt tại một trường ĐH Việt Nam. Vừa rồi, ngày 5/9, Trường ĐH ĐL tiếp tục tiếp nhận mô hình mô phỏng lò phản ứng HN APT1 400 do Tập đoàn Công nghiệp nặng Busan Hàn Quốc trao tặng...
 
PV: GS có nhận xét gì về tương lai của ĐH ĐL trong hợp tác và phát triển ngành kỹ thuật HN? 
 
GS Kim Si Hwan: Trong tương lai, chúng tôi đã lên kế hoạch xây dựng một Viện Nghiên cứu an toàn kỹ thuật HN tại ĐH ĐL. Tôi nghĩ, đào tạo ngành kỹ thuật HN đang được ĐH ĐL quan tâm đầu tư có chiều sâu, do đó, nếu Trường ĐH ĐL tiếp tục đào tạo được thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật HN thì nhà trường không chỉ nhận hỗ trợ của Hàn Quốc mà còn kêu gọi đầu tư được từ các quốc gia khác. Với Hàn Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ để ĐH ĐL có thể sử dụng nội lực của mình góp phần xây dựng nhà máy điện HN của Việt Nam. Tôi hy vọng nhờ sự giúp đỡ của Hàn Quốc, với đội ngũ có nhiều sinh viên ưu tú, ĐH ĐL sẽ trở thành một trường hàng đầu ở Việt Nam về đào tạo ngành kỹ thuật HN. Tuy nhiên, Trường ĐH ĐL cũng đang gặp những khó khăn như thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành vật lý HN, do đó cần phải bổ sung thêm về số lượng. Bên cạnh đó, trang thiết bị của các trường ĐH ở Việt Nam cũng còn đang rất thiếu, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. 
 
PV: Xin cảm ơn ông về những nội dung đã cùng trao đổi!
 
MINH ĐẠO (thực hiện)