Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2016 ghi nhận cụm công trình khoa học về cây chè Lâm Đồng

09:08, 30/08/2016

(LĐ online) - Ngành chè là một trong những ngành trọng tâm của Lâm Đồng, giải quyết được nhiều lao động, là một trong những ngành tham gia xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao.

(LĐ online) - Ngành chè là một trong những ngành trọng tâm của Lâm Đồng, giải quyết được nhiều lao động, là một trong những ngành tham gia xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao. Có thể khẳng định rằng ngành chè Lâm Đồng có được thành quả như ngày hôm nay, phát triển thương hiệu có tên trên bản đồ ngành chè thế giới là có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng.

Đồng chí Võ Văn Dũng - UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và GS.TS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng Sách vàng Sáng tạo Việt Nam cho TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
Đồng chí Võ Văn Dũng - UVTW Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và GS.TS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng Sách vàng Sáng tạo Việt Nam
cho TS.Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Lâm Đồng có diện tích chè lớn nhất nước với khoảng 23.500 ha (chiếm 20% diện tích và 30% sản lượng chè cả nước và trên 95% diện tích chè ở các tỉnh phía Nam), năng suất bình quân khoảng 11 tấn/ha, sản lượng đạt 250 ngàn tấn. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 28 - 29 triệu USD. Từ năm 2009, tỉnh đã đầu tư xây dựng thương hiệu chè B’Lao và là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam tổ chức Lễ hội Văn hóa chè Lâm Đồng.
 
Hiện toàn tỉnh có 24 doanh nghiệp nước ngoài và 20 doanh nghiệp trong nước đang đầu tư sản xuất, chế biến tại các địa phương trong vùng quy hoạch phát triển chè chất lượng cao với tổng diện tích 4.000 ha, các diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất chè có chứng nhận theo VietGAP và chè an toàn. Ngoài ra còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất chè được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn với tổng diện tích khoảng trên 1.100ha (Công ty chè Phương Nam 40 ha chứng nhận GLOBAL GAP; Công ty chè Vina - Suzuki 110 ha chứng nhận ORGANIK, Công ty Cầu Tre 100 ha, Công ty Haiyih 120 ha...). Thành phố Bảo Lộc đang tiếp tục tiến hành xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo hướng GAP tại xã Lộc Thanh với quy mô hơn 100 ha. Trong đó các giống chè chất lượng cao được sản xuất theo quy trình GAP đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân đạt 16-18 tấn/ha, doanh thu đạt trên 200 triệu đồng/ha. 
 
Chè là một trong những cây trồng được đầu tư nghiên cứu khoa học khá toàn diện như: Nghiên cứu chọn tạo giống chè cao sản TB14, LĐ 97 năng suất 20 -22 tấn/ ha, giống chè TB14 đã được bảo vệ trước Hội đồng công nhận giống chè quốc gia vào ngày 16-10-2012;  phát triển giống chè chất lượng cao: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc, Ôlong… nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống chè ngày càng có tỷ lệ sống cao, chất lượng giống tốt phục vụ nhu cầu chuyển đổi giống chè, nghiên cứu công nghệ chế biến chè. Nghiên cứu tổng thể về cải tạo đất, làm tăng độ phì cho đất, chế phẩm giữ ẩm cho chè; nghiên cứu quản lý kim loại nặng. Nghiên cứu sử dụng thuốc sinh học an toàn. Nghiên cứu, chuyển giao sản xuất chè an toàn cho các thành phần kinh tế để mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn, nghiên cứu chè dược liệu phục vụ thị trường cao cấp trên thế giới.
 
Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng đã nghiên cứu liên tục cụm công trình khoa học nghiên cứu các tiến bộ khoa học và kỹ thuật để phát triển sản xuất chè Lâm Đồng giai đoạn 1996 - 2006 do các nhà khoa học: TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; ThS.Phan Quốc Hùng - Phó giám đốc dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng; KS.Nguyễn Thị Tân; KS.Hồ Thị Khang; KS.Phan Thị Hòa và KS.Vũ Thị Liên - Trung tâm Nghiên cứu & CGKT cây công nghiệp & cây ăn quả Lâm Đồng. Cụm công trình khoa học này là 1/71 công trình khoa học có giá trị khoa học đóng góp cho nền khoa học Việt Nam được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam lần thứ nhất nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào sáng 29-8- 2016. Cụm công trình khoa học bao gồm các đề tài: 
 
- Nghiên cứu ảnh hưởng của các liều lượng phân vô cơ đến năng suất và chất lượng chè búp tươi ở Bảo Lộc - Lâm Đồng (Thời gian thực hiện từ tháng 4-1993 đến tháng 12-1996).
 
- Khảo nghiệm các giống chè có triển vọng tại Lâm Đồng” (Thời gian thực hiện từ năm 1998 đến năm 2001).
 
- Nghiên cứu sản xuất giá thể dinh dưỡng cho vườn ươm chè tỉnh Lâm Đồng” (Thời gian thực hiện từ tháng 6-2003 đến tháng 2-2004).
 
- Sản xuất thử nghiệm cây giống chè ghép phù hợp với vùng đất dốc tỉnh Lâm Đồng (Thời gian thực hiện từ tháng 5-2002 đến tháng 12-2004).
 
- Xây dựng mô hình sản xuất chè an toàn, chất lượng cao tại Lâm Đồng (Thời gian thực hiện từ tháng 9-2004 đến tháng 12-2006).
 
- Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm chè an toàn nhãn hiệu An Trí trà.
 
- Nghiên cứu quy trình quản lý dinh dưỡng cho một số giống chè trồng phổ biến ở Lâm Đồng (Thời gian thực hiện từ tháng 7-2006 đến tháng 7-2008).
 
 Từ khó khăn thực tiễn sản xuất chè Lâm Đồng, TS.Phạm S trực tiếp biên soạn bộ sách kỹ thuật để chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ đến người sản xuất chè gồm:
 
- Cây chè miền Nam;
 
- Kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè Lâm Đồng;
 
- Hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật vườn ươm chè Lâm Đồng;
 
- Hướng dẫn đảm bảo chất lượng chè Lâm Đồng;
 
- Kỹ thuật chế biến chè Lâm Đồng.
 
Tính đến thời điểm hiện nay, đây là bộ sách duy nhất và đầy đủ nhất về kỹ thuật trồng và chế biến chè phục vụ tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các thành phần kinh tế ở Lâm Đồng, góp phần cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, năng suất và chất lượng chè được cải thiện liên tục.
 
Với các kết quả nghiên cứu Trung tâm đã tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hàng ngàn hộ nông dân, không những về quy trình kỹ thuật mà còn kỹ thuật chế biến, thu hái chè bằng máy để tiết giảm công lao động được nhiều nông dân ủng hộ. Kết quả nghiên cứu được chuyển giao sản xuất tiếp cận với hàm lượng khoa học cao, góp phần ngành chè Lâm Đồng phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
 
PV