Chiến công bất tử

06:11, 04/11/2021

Nếu ai có dịp đến hoặc đi ngang qua thị trấn Đmitrốp nằm hơi chệch về hướng Đông Bắc và cách thủ đô Matxcơva của Liên bang Nga chừng 80 cây số theo đường chim bay...

Nếu ai có dịp đến hoặc đi ngang qua thị trấn Đmitrốp nằm hơi chệch về hướng Đông Bắc và cách thủ đô Matxcơva của Liên bang Nga chừng 80 cây số theo đường chim bay, dễ dàng nhận thấy bức tượng một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô dựng trên một đài cao và tọa lạc trên đỉnh ngọn đồi cao nhất khu vực. Bức tượng này khắc họa hình dáng người lính ở tư thế đang xông lên phía trước, tay đưa súng quá đầu và mặt quay lại phía sau như vẫy gọi đồng đội tiến lên!
 
Đó là một trong những đài kỷ niệm chiến công to lớn của quân và dân Liên Xô đập tan âm mưu của Đức Quốc xã bao vây, quyết chiếm cho bằng được Matxcơva vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11/1941.
 
Tôi có diễm phúc được đi ngang qua thị trấn Đmitrốp và chiêm ngưỡng Đài kỷ niệm này vào một ngày đầu tháng 10/1971. Những cảm xúc trào dâng trong lòng đã buộc phải ghi lại như một kỷ niệm khó quên. Đó là bài thơ “Tượng người chiến sĩ”. Và hôm nay sau nửa thế kỷ xin được chia sẻ với bạn đọc. Nhân đây cũng xin được giới thiệu một số sự kiện, dữ liệu liên quan đến trận chiến của Matxcơva (1941-1942).
 
Tượng người chiến sỹ
 
Trên đồi cao tượng người chiến sỹ
Giơ súng ngang đầu vẫy gọi những đoàn quân
Chân đạp đất oai hùng dũng khí
Tưởng nghe vang trời tiếng thét xung phong.
 
Ba mươi năm qua từ những ngày lịch sử
Khi quân thù mon men đến mảnh đất này
Bọn tướng lĩnh Hitle nhìn qua ống nhòm đã thấy
Thành Matxcơva rực sáng dưới trời mây.
Chúng đã tưởng thủ đô Xô-Viết
Ngày một ngày hai thất thủ đầu hàng,
Chúng chuẩn bị cho đoàn quân SS
Nện gót giày đinh trên Hồng trường thênh thang.
 
Giặc đâu biết tiềm tàng trong những cánh rừng im lặng
Quanh Matxcơva tất cả đã sẵn sàng.
Các chiến sĩ Hồng quân trước giờ xuất trận
Hôn lần cuối cùng đất Mẹ hiên ngang.
Súng nổ rồi, dội trên đầu thù bão lửa
Quật ngã quân thù bằng những hờn căm
Quét sạch chúng ra ngoài bờ cõi
Cho nước non Nga rực sáng ngàn năm!
 
Mấy chục thu qua mảnh đất này không nghe tiếng súng
Những rừng cây đã đổi do bao lần...
Duy có bức tượng trên đồi cao trong dãi dầu mưa nắng
Vẫn kiên cường tiến bước xung phong!
 
Đmitrốp - Matxcơva, 9/10/1971
 
Trận chiến của Matxcơva (1941-1942)
 
Giai đoạn phòng ngự 30/9-5/12/1941.
 
Giai đoạn phản công 5/12/1941-20/4/1942.
 
Phát xít Đức gây chiến tấn công Liên Xô: 22/6/1941.
 
Đầu tháng 9/1941 sau khi vượt qua nhiều tuyến phòng thủ của Quân đội Xô Viết với khoảng cách gần 1.000 cây số theo đường chim bay, quân Phát xít Đức chỉ còn cách Matxcơva gần 100 cây số, Bộ Chỉ huy Đức Quốc xã quyết định thực hiện chiến dịch tấn công quy mô lớn với mật danh “Bão táp” nhằm bao vây và đánh chiếm Matxcơva.
 
Để thực hiện, quân Đức tập trung 74,5 sư đoàn, trong đó có 14 sư đoàn xe tăng, 8 sư đoàn mô tô (khoảng 38% sư đoàn bộ binh, 64% sư đoàn tăng và mô tô cơ giới trong toàn bộ lực lượng tham chiến trên mặt trận Xô-Đức). Cụ thể, có 1.800.000 lính, 1.700 xe tăng, trên 14.000 pháo các loại và 1.390 máy bay.
 
Trong lúc đó lực lượng của Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Tây, tức là lực lượng có thể chống đỡ sự tấn công của Phát xít Đức và bảo vệ Matxcơva trên một trận tuyến dài 290 cây số chỉ gồm 1.250.000 người, 990 xe tăng, 7.600 pháo các loại và 677 máy bay!
 
Quân Đức bắt đầu mở cuộc tấn công vào ngày 30/9 và từng bước một tiến sát Matxcơva mặc dù bị tổn thất khá nặng nề. Tình hình đó buộc Ủy ban Phòng vệ quốc gia của Liên Xô vào ngày 20/10 tuyên bố thiết lập ở Matxcơva và các vùng ngoại vi có liên quan tình trạng bị bao vây.
 
 
Như vậy từ giữa tháng 10 và đầu tháng 11/1941 đã xảy ra những trận chiến đẫm máu ở ngoại vi Matxcơva. Tuy chịu tổn thất nặng nề nhưng quân Đức vẫn không từ bỏ việc quyết chiếm cho bằng được thủ đô Xô viết vào đầu mùa Đông! Đức tập trung 51 sư đoàn trong đó có 13 sư đoàn tăng và cơ giới, mở cuộc tấn công mới vào các ngày 15-18/11/1941, sau gần 10 ngày đã tiến sát kênh đào Matxcơva - Volga. Nhưng chúng đã không thể tiến sâu hơn nữa và từng ngày một dần dần bị đẩy lùi. Số liệu thống kê cho thấy chỉ từ 16/11 đến 5/12/1941, quân Phát xít Đức ở trận tuyến gần Matxcơva đã bị tiêu hao trên 155.000 lính bị chết và bị thương, bị phá hủy gần 800 xe tăng, 300 pháo và gần 1.500 máy bay bị bắn rơi! Có thể nói với tổn thất nặng nề như vậy, cuồng vọng của quân Phát xít Đức bị sụp đổ hoàn toàn!
 
Nắm bắt thời cơ thuận lợi và mặc dù còn bị chênh lệch thua kém đáng kể về lực lượng và khí tài phương tiện so với quân Đức, Bộ Chỉ huy tối cao Hồng quân Liên Xô vẫn quyết định thực hiện chiến dịch phản công từ ngày 5-6/12/1941. Chiến dịch này kéo dài và kết thúc với thắng lợi hoàn toàn vào giữa tháng 4/1942, đẩy Tập đoàn quân “Trung tâm” của Phát xít Đức lùi xa về phía Tây, cách Matxcơva 150 đến 350 cây số, làm cho Tập đoàn quân “Trung tâm” tổn thất 333.000 lính, bị xóa sổ hơn 16 sư đoàn và 1 binh đoàn!
 
Ngày 7/11/1941 đã xảy ra cuộc diễu binh lịch sử trên Quảng trường đỏ của Matxcơva để kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười với sự tham gia của Nguyên soái Stalin, các vị tướng tá chủ chốt của Bộ Tham mưu Hồng quân. Từ Quảng trường đỏ, các đơn vị tham gia diễu binh tiến thẳng ra mặt trận!
 
Đó là những khoảnh khắc lịch sử mà nhân dân Liên Xô trước đây, Liên bang Nga hiện nay cũng như toàn nhân loại yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới không bao giờ quên!
 
Ghi chép: MỘNG SINH