Đức hy sinh vì nước, vì dân là phẩm chất cao đẹp của Hồ Chí Minh

05:05, 19/05/2021

Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và Nhân dân ta...

Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước và Nhân dân ta. Người đã trải qua một cuộc đời đầy gian khổ hy sinh, “vô cùng cao thượng, vô cùng phong phú, trong sáng và đẹp đẽ”.
 
Tranh cổ động: Phạm Hoàng Anh
Tranh cổ động: Phạm Hoàng Anh
 
Đầu thế kỷ XX, khi biết bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập, tự do cho Tổ quốc đều thất bại, phong trào cứu nước của Nhân dân Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cho mình con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ngày 5/6/1911, tại bến Nhà Rồng, với hai bàn tay trắng, chàng thanh niên 21 tuổi - Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Trong những năm bôn ba ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua biết bao thăng trầm, chịu cảnh cô đơn, đói rét, bị sự săn đuổi của kẻ thù, bị tòa án thực dân xử tử hình, 10 lần thoát khỏi lưu đày và máy chém, thậm chí có lúc còn bị tổ chức Quốc tế Cộng sản hiểu nhầm… Tất cả đều không làm chùn bước ý chí và quyết tâm cứu nước, cứu dân của Bác. Trên con đường cách mạng ấy, Người đã chấp nhận mọi sự hy sinh, không quản gian nguy, sáng suốt tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng và phát triển dân tộc Việt Nam. 
 
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, năm 1941 Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới, thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh Hội” (Việt minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng và thực hiện chính sách căn cứ địa cách mạng; lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”, từ đây nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; năm 1946 tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó trở đi, với cương vị là Chủ tịch Nước, Chủ tịch Đảng, Bác Hồ đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo Nhân dân ta tiến hành 30 năm kháng chiến trường kỳ đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. 
 
Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đang giành được những thắng lợi to lớn, thì vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969, trái tim Bác Hồ kính yêu đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế. Người ra đi nhưng đã để lại cho Đảng, đất nước và Nhân dân ta không chỉ một tình yêu bao la, mà cả một cơ đồ to lớn. 
 
Nói về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần tận tuỵ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân của Người, Đảng ta khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến Nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta”.
 
Hình ảnh của Hồ Chí Minh là hình ảnh của một lãnh tụ vĩ đại suốt đời hết lòng vì cách mạng, vì nước, vì dân. Cả cuộc đời của Bác là sự hy sinh lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó chính là điều mà cả cuộc đời Bác đã dành cho nước, cho dân; sẵn sàng hy sinh tình nhà để lo việc nước. Bức điện gửi về quê khi nghe tin anh trai của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời đã nói lên tất cả: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh ốm đau tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một con người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”. Vì vậy trước lúc đi xa, Bác đã viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Có thể nói, đức hy sinh vì dân, vì nước là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất của Hồ Chí Minh.
 
Riêng đối với Nhân dân, Bác Hồ là mẫu mực về mối liên hệ thân thiết, gắn bó với Nhân dân, hết lòng thương yêu Nhân dân, dựa vào dân, vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, vì sức mạnh của Nhân dân là vô địch, do đó phải “lấy dân làm gốc”. Dù trong hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng luôn tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Nhân dân, kính trọng và hết lòng phục vụ Nhân dân. 
 
Đức hy sinh và tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương toàn diện, là hình ảnh nổi bật sáng ngời. Phẩm chất đó tiếp tục soi sáng tâm hồn cho mỗi thế hệ người Việt Nam yêu nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường, những mặt tiêu cực của nó đang tác động làm biến đổi những giá trị đạo đức, một số người quá coi trọng những lợi ích vật chất của cá nhân mà thiếu đi tình yêu thương con người, do đó càng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam. Từ đó, việc học tập tấm gương về đức hy sinh vì dân, vì nước, lòng nhân ái, khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết, quan trọng hơn bao giờ hết.  
 
VĂN NHÂN