Quản lý nhà nước thời Tây Sơn

08:11, 24/11/2016

Trong nỗ lực ổn định đất nước sau hơn 200 năm bị chế độ phong kiến cát cứ, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn (1771-1802) đã rất chú trọng đến việc lập pháp, đồng thời thể hiện sự thượng tôn pháp luật. Xin ghi lại một vài sự kiện lịch sử có liên quan đến lĩnh vực pháp luật dưới triều đại Tây Sơn...

Trong nỗ lực ổn định đất nước sau hơn 200 năm bị chế độ phong kiến cát cứ, Trịnh Nguyễn phân tranh, nhà Tây Sơn (1771-1802) đã rất chú trọng đến việc lập pháp, đồng thời thể hiện sự thượng tôn pháp luật. Xin ghi lại một vài sự kiện lịch sử có liên quan đến lĩnh vực pháp luật dưới triều đại Tây Sơn...
 
Quang Trung đại phá quân Thanh. Tranh minh họa
Quang Trung đại phá quân Thanh. Tranh minh họa

Vua nhận lỗi
 
Năm 1786, khi đem quân ra Bắc lần thứ nhất để chinh phạt họ Trịnh và phò nhà Lê, uy danh của Nguyễn Huệ đã lẫy lừng, kẻ địch nghe đến tên ông đều khiếp sợ. Khi Nguyễn Huệ đến yết kiến vua Lê, vốn quen chiến trận, ông vẫn mặc áo giáp, đeo gư­ơm đến trước ngai vàng. Hành vi này đã phạm vào điều cấm kỵ. Thấy Nguyễn Huệ như vậy nhưng đám quần thần nhà Lê hèn nhát, không dám hó hé. Khi đó quan hộ giá nhà vua tên là Phương Đình Giáp bước ra tâu rằng:
 
- Xin Thượng công cởi áo giáp và cất gươm rồi hãy đến yết kiến Đức Kim thượng. Nguyễn Huệ ngẩn người rồi xin nhận lỗi ngay. Ông cởi áo chiến, trao gươm cho viên tướng tùy tùng: - Ta vốn quen như thế, nay xin theo đúng lễ.
 
Thái độ tôn trọng lễ nghi của Nguyễn Huệ đã khiến đám quần thần nhà Lê vừa sợ vừa kính phục.
 
Xét xử nghiêm
 
Cũng trong lần kéo quân ra Bắc chinh phạt chúa Trịnh, bảo vệ vua Lê, Nguyễn Huệ đã áp dụng việc xét xử rất nghiêm khắc, nhất là tội trộm cắp. Hễ bắt được trộm cắp hoặc lính của mình cướp bóc hà hiếp dân lành là ông lập tức cho chém đầu mà không cần... xét xử. Nhờ vậy xã hội rối ren thời hậu vua Lê, chúa Trịnh đã nhanh chóng được ổn định, nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống. Giáo sĩ người Pháp Le Roy đang truyền đạo ở Nam Định đã nhận xét: Dưới sự cai trị của nhà Tây Sơn, quân trộm cướp không còn đất dung thân.
 
Công chúa cũng bị phạt
 
Buổi đầu chưa có luật pháp cũng như các quy tắc hành xử nên vua Quang Trung cai trị bằng chế độ quân chính, không lập pháp lệnh, hoặc quy ước. Việc xử kiện do vua Quang Trung tự phân xử bằng… miệng. Ai có tội đều dùng đòn mà trị. Kẻ nào can tội hối lộ, tham ô đều bị xử phạt rất nặng. Ngay cả đối với công chúa Ngọc Hân cũng bị vua Quang Trung ra lệnh đánh 20 roi về tội bao che cho mẹ, vì bà Chiêu Nghi nhận hối lộ 100 thỏi vàng của viên quan nhà Lê đút lót, nhờ xin vua Quang Trung tha tội âm mưu chống lại quân Tây Sơn.
 
Cai trị bằng pháp quyền
 
Từ cuối năm 1788, sau khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung đã thấy rằng nhà nước thì phải có pháp luật để cai trị chứ không thể tùy tiện mãi, nên ông đã ra lệnh: “Đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra bộ luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm ngặt tuân theo...”. Lệnh trong một, hai tháng phải soạn xong bộ luật. Vì thời gian gấp nên luật còn rất sơ lược. Nhưng trong quá trình thi hành, bộ luật ấy được bổ sung, hoàn chỉnh dần. Năm 1792, một linh mục người Việt Nam đã soạn thảo Bộ luật hoàn chỉnh giúp triều đại Tây Sơn ổn định đất nước. Bộ luật này sau đó đã được dịch một phần ra tiếng Pháp, sau đó đã bị thất lạc. Đến khi Quang Toản lên ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh (1792-1802), ông Lê Công Miễn (1740-1800), là Thượng thư Bộ Hình được lệnh soạn một bộ luật cho triều đại Tây Sơn, gọi là Hình thư, trên cơ sở bộ luật Hồng Đức (1470-1497), để khắc phục tình trạng chính sự không thống nhất. Bộ luật gồm 3 quyển, đóng bìa rất cẩn thận. Tuy nhiên, khi bộ luật này chưa kịp có hiệu lực thì nhà Tây Sơn đã sụp đổ và sau đó cũng bị thất lạc.
 
Tự do ngôn luận
 
“Chiếu cầu lời nói thẳng” của vua Tây Sơn do Ngô Thời Nhậm viết thay cho vua Cảnh Thịnh. Chiếu này ra đời vào lúc thái sư Bùi Đắc Tuyên đã bị giết bởi tội chuyên quyền lộng hành, gây quá nhiều tổn thất về thanh danh, uy tín của triều đại Tây Sơn.
 
Sau khi vừa dẹp xong quân xâm lược Mãn Thanh, đất nước Việt Nam lúc ấy còn ngổn ngang trăm mối, thì vua Quang Trung chết đột ngột, kỷ cương triều đình chưa được thiết lập, trước thực trạng xã hội đó, nhà vua đã cầu lời nói thẳng để mong nhân dân đề ra những biện pháp nhằm lập lại kỷ cương phép nước. “Chiếu cầu lời nói thẳng” của vua Cảnh Thịnh là một trong những chiếu văn độc đáo, nói lên một quan điểm chính trị tiến bộ trong nền quân chủ của nước ta thời phong kiến. Có thể xem đây là văn bản pháp luật đầu tiên ở nước ta công nhận quyền tự do ngôn luận của công dân...
 
“Tòa án” của nhà Tây Sơn
 
Có lần xuất hiện vụ án lạ ở một xã gần Điện Bàn (Quảng Nam), đã được huyện quan sở tại xét hỏi nhiều lần nhưng chưa xong. Khi Đô đốc Bùi Thị Xuân được vua Cảnh Thịnh điều về làm trấn thủ tỉnh Quảng Nam, bà đã quyết định đích thân xử vụ án này. Cáo trạng cho biết, một người đàn ông họ Lê ở địa phương chẳng may mất sớm để lại người vợ góa còn trẻ đẹp và 1 đứa con trai 14 tuổi. Đứa bé này bị tố cáo là ngỗ ngược đối với mẹ. Người đứng đơn kiện là viên xã trưởng của xã ấy. Vụ án càng thêm rắc rối vì mẹ chú bé cũng đồng tình với viên xã trưởng, trong lúc họ hàng ruột thịt thì im lặng.
 
Việc xã trưởng trở thành “nguyên đơn”, theo lời trình bày trước “tòa”, là do ông ta “chỉ muốn giúp cậu chủ sửa đổi hạnh kiểm”. Biết tên xã trưởng và người góa phụ trẻ đẹp kia có tình ý với nhau nhưng không có chứng cứ, Bùi Thị Xuân đã tương kế tựu kế, xử như sau:
 
- Xã trưởng hãy nghe đây! Đáng lẽ thằng nhỏ vì tội bất hiếu với mẹ, phải chịu 40 trượng. Nhưng nó còn nhỏ, đánh 40 trượng sợ chết mất, còn đâu mà dạy bảo nó nên người như ngươi mong muốn. Ngươi từng chịu ơn sâu với cố chủ họ Lê, lại thực lòng thương thằng nhỏ và cả gia quyến nó. Vậy ngươi hãy thay nó nhận 40 trượng phạt. 
 
Nói đoạn bà Bùi Thị Xuân sai lính mang gông đến rồi tuyên: Đây là chiếc gông cho xã trưởng thay thằng nhỏ chịu tội. Chỉ khi nào thằng nhỏ hối cải, xã trưởng mới được ra tù. Phiên xử án kết thúc trong sự hoan hỉ của mọi người, còn viên xã trưởng thì bị đánh một trận nhớ đời.
 
NGUYỄN TẤN TUẤN