Kiến tạo bản sắc đô thị Đà Lạt để phát triển du lịch đỉnh cao và bền vững

ThS. KTS. TRẦN ĐỨC LỘC - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị tỉnh 05:58, 07/03/2024

Thực hiện chủ trương quy hoạch xây dựng (QHXD) Đà Lạt đến năm 2045 trở thành “Đô thị du lịch Quốc gia - đô thị có đặc trưng về di sản”, trước hết cần xác định các thành tố kiến tạo đô thị nhằm bảo toàn và phát triển các đặc trưng, bản sắc văn hóa vốn có của nơi chốn. Đây là những giá trị cốt lõi “bất biến” cho Đà Lạt và vùng phụ cận, trước khi bàn đến việc xây dựng “thương hiệu” cho du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong tương lai được bền vững... 

Kiến trúc và phong cảnh Đà Lạt
Kiến trúc và phong cảnh Đà Lạt

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ CỐT LÕI CHO ĐÔ THỊ ĐỂ KIẾN TẠO BẢN SẮC NƠI CHỐN

Tạm đề xuất các thành tố chủ đạo sau:

1. Tính liên kết vùng: Xuất phát từ cấu trúc tự nhiên của một vùng đô thị đồi núi - cao nguyên, nên các điều kiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu nguồn cho Đà Lạt được bố trí tại các đô thị giáp cận. Đồng thời, cùng với hệ thống các điểm tham quan du lịch thắng cảnh và công trình kiến trúc đặc sắc - trong quá trình phát triển - đều hiện hữu tại các đô thị vệ tinh, góp phần “chia sẻ chức năng” cho Đà Lạt và hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối vùng phụ cận, nhằm kéo dãn du khách và giảm mật độ dân cư tập trung trong nội thành Đà Lạt. 

Đà Lạt còn là nơi “tạo nguồn cung và cầu” về hàng hóa, nguồn lực và động lực phát triển kinh tế, kết nối giữa Đà Lạt và khu vực (vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), nhằm khai thác các thuận lợi về giao thông đối ngoại, kết nối tiềm năng kinh tế vùng - miền... Do vậy, mọi hoạt động cho du lịch Đà Lạt muốn được phát triển ở “tầm cao và ngưỡng rộng” phải nghĩ đến phạm vi giao thương, hợp tác của một vùng không gian lãnh thổ rộng lớn – mang tính liên kết vùng (kể cả trong nước và quốc tế); nhằm phát huy lợi thế về đặc trưng địa lý, tiềm năng kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc và bản sắc kiến trúc, cảnh quan đô thị... của từng vùng, miền, để kết nối cùng các địa phương tạo thành những tour, tuyến dài ngày...

Nhưng để bảo toàn và khuếch trương “tính bản địa” độc đáo của Đà Lạt, cần “nương tựa” vào các giá trị bền vững của di sản văn hóa đô thị. Đó là những đặc trưng được đúc kết qua thời gian, gồm: Một tổng thể quy hoạch - kiến trúc đô thị rất đặc trưng; quỹ di sản kiến trúc (công trình và cảnh quan đô thị) đủ lớn, đa dạng và phong phú, mang tính chủ đạo, xuyên suốt... làm nền tảng cho mọi khả năng phát triển; giá trị văn hóa của di sản về quy hoạch, kiến trúc đô thị có tính lan tỏa, thích ứng và tiếp nối với cuộc sống đương đại... Ba đặc trưng trên của đô thị Đà Lạt, hợp cùng các đặc điểm tự nhiên, tạo nên diện mạo kiến trúc đô thị có bản sắc, dễ nhận diện về nơi chốn (so với các thành phố du lịch khác trong cả nước).

2. Về khí hậu và môi trường rừng: Đà Lạt và vùng phụ cận được thiên nhiên ưu đãi (nhiệt độ dao động từ 18 - 22ºC), nên có thể khẳng định: Yếu tố “khí hậu vùng cao ôn đới trong một Đất nước nhiệt đới” là một đặc trưng khác biệt và độc đáo của nơi chốn. Việc bảo tồn khí hậu (lạnh) - nhất là trong bối cảnh “biến đổi khí hậu toàn cầu” - là yêu cầu tiên quyết. Vì nếu không giữ được “độ lạnh” thì chức năng du lịch - nghỉ dưỡng sẽ không còn ý nghĩa đối với đô thị Đà Lạt và ngay cả trong tâm thức của du khách; ngành du lịch càng không thể trở thành nền kinh tế động lực cho mọi phát triển của Lâm Đồng - Đà Lạt về lâu dài. 

Mặt khác, Đà Lạt vốn là đô thị được sinh ra trên đất rừng. Từ môi tường rừng sẽ hình thành một tài nguyên “xanh” quý giá, gồm: Vùng khí hậu ôn đới, rừng thông, mặt nước, môi trường và cảnh quan rừng tự nhiên và đặc biệt là hệ sinh thái động - thực vật “xứ lạnh”...; trong đó, riêng cây thông cần được xem là “loại cây xanh đô thị đặc thù”. Đây là những nguyên tố chủ đạo để kiến tạo nên một đô thị sinh thái đặc thù trên cao nguyên; gìn giữ và phát huy hình ảnh đặc trưng nhất của Đà Lạt là “Thành phố trong rừng và rừng trong thành phố” mà các đô thị khác không thể có. 

Trong quá trình đô thị hóa, Đà Lạt luôn gặp phải những trở ngại lớn - ngay từ khi “khai sinh đô thị”. Đó là sự tranh chấp, chồng lấn giữa “đất xây dựng đô thị” và “đất rừng cảnh quan” trong các đồ án QHXD. Do vậy, trong quản trị QHXD cần có sự tính toán, cân bằng hợp lý việc khai thác quỹ đất rừng trong đầu tư phát triển đô thị (nói chung) đến du lịch (nói riêng). Khi có nhu cầu chuyển hóa chức năng sử dụng đất (từ đất rừng sang đất xây dựng), phải đảm bảo mật độ xây dựng công trình thấp nhất và độ bao phủ rừng chiếm tỷ lệ cao nhất trên quỹ đất tự nhiên của khu vực đô thị, dự án, công trình. Vì nếu không bảo toàn được độ che phủ rừng, sẽ khó đảm bảo giữ được giá trị đặc điểm “vùng khí hậu ôn đới” của Đà Lạt (như đã đề cập) vì đây là 2 thành tố có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất và không thể thách rời.

3. Về đặc điểm địa hình: Đối với mô hình “phố núi” như Đà Lạt, yếu tố địa hình không thể thiếu trong các giải pháp QHXD - dù duy trì tính tự nhiên hay kiến tạo trong xây dựng - đều luôn mang lại giá trị mới trong việc hình thành không gian và cảnh quan tại các vùng đô thị hoặc nông thôn. Từ những thực tế trong sáng tạo QHXD (có yếu tố địa hình), phân tích vai trò và giá trị cảnh quan qua các loại hình chủ yếu sau: 

a) Hệ thống giao thông “đa phương tiện”: Bao gồm: Những tuyến đường đi bộ bằng bậc cấp hay dốc trượt ngoài trời, kết nối các cao trình và tuyến phố (theo thế sườn đồi) trong lòng nội ô; những cung đường bộ huyết mạch uốn cong, bám sát địa hình, xen lẫn giữa rừng thông, mở ra những tầm nhìn về phía thung sâu; một tuyến đường sắt, cùng với hệ thống các nhà ga, trạm dừng, cầu, hầm xuyên núi. Mặc dầu đã tạm dừng hoạt động, nhưng từ khi xây dựng (1932-1936) đến nay, luôn được nhìn nhận là “tuyến đường sắt răng cưa độc đáo nhất Việt Nam và thứ hai trên Thế giới - sau Thụy Sĩ”; việc xây dựng sân bay nằm ngoài ranh giới đô thị là đặc điểm khác biệt và sớm nhất trong phương pháp quy hoạch đô thị mà ngày nay các đô thị lớn trong cả nước bắt đầu áp dụng.

Với chủ trương phát triển khép kín cùng hệ thống giao thông quốc gia (đường bộ, đường sắt và đường không), tạo cho Lâm Đồng có điều kiện tiếp cận, thông thương nhanh hơn với các địa phương trong cả nước. Đây là 1 trong 5 đột phá chiến lược của tỉnh, hướng mục tiêu đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2050, tạo những đòn bẩy quan trọng và động lực phát triển kinh tế - du lịch Đà Lạt vươn tầm quốc gia và quốc tế; phát huy tích cực các giá trị khác biệt mang tính đặc trưng về quy hoạch đô thị, bản sắc kiến trúc và độc đáo về di sản văn hóa... (theo Quyết định 257/TTg, năm 2023).

Về khía cạnh du lịch, thực tế cho thấy: Một trong những con đường dạo bộ trong khu trung tâm - tại con dốc “Nhà Làng” vốn xưa cũ trong lịch sử đô thị, đã trở thành tuyến du lịch đi bộ thú vị. Việc “thay áo mới” cho các bức tường nhà ở, bằng những bức tranh tường nghệ thuật, đã làm nổi bật khái niệm “du lịch cộng đồng” và sức sống của một hẻm phố cũ, khơi dậy “ký ức đô thị” từ cư dân đến du khách. 

Tương tự, du khách hiện nay cũng rất thích cảnh “đón sương, săn mây” để chụp ảnh vào những khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn. Vì vậy, trên những cung đường đèo hoặc qua một số dự án hiện có tại Đà Lạt, một số cơ sở du lịch đã tự phát hình thành những điểm dừng chân (có bãi đậu xe, quán ăn uống, chỗ vệ sinh...) để du khách nghỉ ngơi, ngoạn cảnh, chụp ảnh... Đó là sự kết hợp sáng tạo, khai thác du lịch trên nền tảng của cấu trúc đô thị. Chỉ tiếc rằng đây chỉ là những mô hình tự phát, đầu tư quy mô nhỏ và chất lượng dịch vụ chưa chuyên nghiệp.

Hay như việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương và chủ trương khôi phục toàn bộ hệ thống đường sắt răng cưa cho Đà Lạt, đặt ra vấn đề tiếp cận mô hình TOD (Transit Oriented Development) đối với sân bay, nhà ga và các trạm dừng trên dọc tuyến đường bộ và đường sắt. Mặc dù mới chỉ là định hướng trong quy hoạch chung, nhưng từ đây, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hoạt động phục vụ du khách phù hợp xu hướng mới và “có đẳng cấp”, như: Tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng...

b) Hệ thống thác nước, chuỗi hồ “đa tính chất”: Phần lớn các “hồ trên núi” của Đà Lạt là hồ nhân tạo (bằng giải pháp xây đập chắn dòng), nhưng mang tính chất hỗn hợp, như: Hồ cảnh quan, hồ thủy lợi, hồ nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, hồ đầu nguồn cấp nước sinh hoạt cho cư dân… Hình hài và diện tích mặt nước uyển chuyển theo địa hình, dáng núi, tạo nên những cảnh quan cho đô thị và nông thôn. Các chuỗi hồ, thác nước này ngoài việc giữ vai trò hỗ trợ tích cực cho việc cân bằng sinh thái, môi trường, thực tế đã trở thành những điểm nhấn đặc biệt cho cấu trúc đô thị và hoạt động du lịch. 

Thực tế cho thấy: Có những hồ nước nhân tạo đã trở thành Di tích thắng cảnh Quốc gia (như: hồ Than Thở, hồ Xuân Hương và thác Cam Ly - theo đồ án quy hoạch “chuỗi hồ” của KTS Hébrad, từ năm 1923; hồ Đan Kia - Suối Vàng - ngay từ khi bác sĩ Yersin đề xuất vị trí đặt Trạm nghỉ dưỡng đầu tiên cho chính quyền Pháp thuộc, nhưng sau đó Toàn quyền Pháp lại chọn Đà Lạt; hồ Tuyền Lâm - được xây dựng sau năm 1975, ban đầu nhằm tạo nguồn nước tưới cho huyện Đức Trọng, sau trở thành điểm đến du lịch...). Riêng hồ Tuyền Lâm và hồ Đan Kia - Suối Vàng được Nhà nước công nhận là Khu du lịch Quốc gia... Do vậy, đối với các đồ án QHXD có quy mô đất rộng, đa chức năng, việc hình thành các chuỗi hồ, thác nước nhân tạo là cần thiết. Ngoài chức năng “thu hứng” và “điều hòa” nguồn nước tự nhiên, sẽ hình thành nên không gian “xanh” từ mặt nước phục vụ hoạt động du lịch, có vai trò góp sức chống “sạt lở và ngập lụt cục bộ” trong các mùa mưa bão, khi lượng nước mưa xả tràn tự do trên bề mặt địa hình tự nhiên và từ công trình xây dựng.

c) Hệ thống không gian kiến trúc “đa tầng bậc”: Về mặt tạo hình trong đô thị miền núi, hình ảnh cảnh quan kiến trúc được xếp lớp theo tầng bậc (3D) của địa hình, đan xen cùng cây xanh và khí trời tự nhiên luôn đem lại sức hấp dẫn về thị giác (qua các lớp: trước - sau, cao - thấp, ngày - đêm). Điểm đặc biệt, kiến trúc Đà Lạt luôn có sự tôn trọng, đan xen phong cách kiến trúc Á Đông, trên nền tảng chủ đạo của kiến trúc phương Tây làm nên bản sắc kiến trúc độc đáo, có giá trị rất riêng và nhất quán về nơi chốn. Đây không chỉ là hiệu ứng thị giác nhất thời, mà đã kết tinh thành giá trị bản sắc đô thị Đà Lạt qua thời gian, nên rất cần cho các giải pháp quy hoạch, kiến trúc của dự án du lịch.

Từ “triết lý và nguyên lý” kiến tạo cấu trúc đô thị Đà Lạt, việc đầu tư các cơ sở du lịch, nếu có quy mô lớn (như: Khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, tổ hợp đa chức năng...), tại các vị trí khu đất xây dựng có địa hình không bằng phẳng, khuyến cáo không nên san ủi toàn bộ (như vùng đồng bằng), mà thiết kế bám vào địa hình tự nhiên, tạo ra những thế đất có nhiều cao trình xây dựng và tạo ra những khối tích “giật tầng”. Phong cách kiến trúc du lịch cần đa dạng, chấp nhận sáng tạo, cần kết hợp cùng điều kiện môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, đan xen với cây xanh và mặt nước..., nhưng phải đồng điệu với bản sắc chủ đạo của đô thị.

4. Về cảnh quan nông nghiệp: Đà Lạt được mệnh danh là Thành phố bốn mùa hoa - Thành phố Festival hoa của Việt Nam, nên yếu tố “đất nông nghiệp” không thể thiếu trong việc cấu thành đô thị. Đối với thành phố du lịch - nghỉ dưỡng, đất nông nghiệp không chỉ là nguồn cung những sản phẩm động, thực vật, mà còn có vai trò, tính chất kiến tạo cảnh quan và hoạt động “du lịch trải nghiệm”. Trên vùng đất nông nghiệp - nông thôn của Đà Lạt đã định hình những cơ sở du lịch canh nông, làng hoa, sân golf, công viên chuyên đề... với kiến trúc - cảnh quan thân thiện môi trường. Đây cũng là nơi tổ chức các loại hình tham quan, giải trí, thư giãn khác biệt so với các khu du lịch đô thị. Những cơ sở này hiện đang góp phần thu hút và kéo dãn du khách ra xa trung tâm Đà Lạt, làm gạch nối cân bằng phát triển từ đô thị đến vùng ven đô và nông thôn mới...

Tuy nhiên, mặt trái của những thành tựu từ “nhóm đất nông - lâm”, là những hệ lụy do phát triển có phần “thiếu kiểm soát”. Cụ thể là: Ảnh hưởng đến môi trường về xả thải vật tư nông nghiệp và phá vỡ địa hình tự nhiên để có đất sản xuất...; tận thu nguồn nước tự nhiên từ các khe tụ thủy, sông, suối và thoát nước mặt tự do từ các công trình phục vụ sản xuất, góp phần vào nguyên nhân “khô hạn” từ phía đầu nguồn trong mùa khô và “ngập lụt cục bộ” tại nơi thấp trũng khi mưa bão; tự ý xâm lấn đất rừng và phá hoại tài nguyên rừng, chuyển hóa thành đất sản xuất nông nghiệp, san lấp địa hình và xây dựng trái quy định; tình trạng mất kiểm soát về xây dựng đối với các trang trại có mái che, tạo hình ảnh “kiến trúc nylon”, “nhà lưới - nhà kính” khắp nơi, mật độ dày đặc, gây phản cảm về không gian, cảnh quan đô thị... 

Để phát triển du lịch chất lượng cao trên “nhóm đất nông - lâm”, Nhà nước cần khôi phục và tái tạo diện tích đất rừng tự nhiên và tài nguyên rừng thông cảnh quan trong đô thị; vận động người dân canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ để hạn chế tình trạng xây dựng “làng nylon”; có kế hoạch kiểm soát, chuyển hóa dần chức năng của đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp - đô thị với tỷ lệ hợp lý (tại khu vực nội thành, giáp cận các khu dân cư, khu thắng cảnh du lịch và sông, suối tự nhiên...). Khuyến khích mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong đầu tư phát triển các loại hình “du lịch canh nông”, “du lịch hỗn hợp” - trên đất nông nghiệp và “du lịch sinh thái nghỉ dưỡng - trên đất rừng (theo quy định); nhưng yêu cầu phải có giải pháp QHXD thông minh và sáng tạo, theo hướng đô thị sinh thái, kiến trúc xanh và du lịch bền vững.

XÂY DỰNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH DỰA TRÊN NỀN TẢNG ĐÔ THỊ CÓ BẢN SẮC

Qua phân tích các thành tố (nêu trên) cho thấy tất cả hợp thành những nguyên tắc khung để kiến tạo nên bản sắc đô thị Đà Lạt. Từ cấu trúc đô thị đã chứng minh sự gắn bó hữu cơ giữa “bản sắc đô thị” và “mô hình, sản phẩm du lịch”. Do vậy, khi xây dựng định hướng chiến lược phát triển du lịch Đà Lạt, cần nghĩ đến lộ trình kiến tạo TP Đà Lạt (mới) - sau khi nhập toàn bộ huyện Lạc Dương - gắn với tiến trình nâng cấp đô thị: Đến năm 2045, Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ trở thành “Đô thị du lịch quốc gia - Đô thị có đặc trưng về di sản - Đô thị du lịch chất lượng cao, hiện đại và đẳng cấp quốc tế”...

Đồng thời, căn cứ Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, cần bám sát định hướng về 6 nhóm sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, thể thao cao cấp, như sân golf, đua ngựa, đua chó...; Du lịch sinh thái, mạo hiểm; Du lịch nông nghiệp - nông thôn; Du lịch văn hóa tâm linh; Du lịch đô thị; Du lịch sáng tạo... Các loại hình này cho thấy nguồn dư địa chủ yếu là từ “Nhóm đất nông - lâm” và vùng “đô thị trẻ”. Như vậy, không nhất thiết tập trung các dự án công trình “du lịch lưu trú” vào vùng lõi đô thị Đà Lạt (đang bị nén), mà chuyển hướng đầu tư phát triển vào các đô thị vệ tinh và ngoại vi của vùng phụ cận. Các khu vực này có dư địa phát triển thuận lợi (về đất rừng, đất nông nghiệp và đất xây dựng đô thị) đã được quy hoạch chung xác định, hình thành các khu đô thị mới, những công trình cấp vùng và quốc gia; hứa hẹn tạo động lực phát triển tích cực cho TP Đà Lạt mở rộng và nâng tầm tính chất du lịch, thương mại, dịch vụ đẳng cấp quốc gia và quốc tế. 

Dựa vào các đặc trưng và tiềm năng chưa được khai thác từ các đô thị vệ tinh và vùng phụ cận, để kiến tạo nên bản sắc mới về nơi chốn cho vùng đất còn non trẻ nhưng có đặc điểm “giá trị tương đồng” với Đà Lạt. Tạm phân vùng đầu tư như sau: Đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái “rừng”, khu đô thị - nghỉ dưỡng cao cấp, khu bảo tồn sinh-vật-cảnh… dành ưu tiên cho vùng huyện Lạc Dương. Các khu du lịch, thương mại - dịch vụ đô thị và khu vui chơi giải trí hiện đại... dành cho “đô thị trẻ” Đức Trọng. Các dự án du lịch canh nông và trang trại “nông nghiệp kết hợp du lịch”... cần cho vùng huyện Đơn Dương và Lâm Hà. Riêng TP Đà Lạt cần tập trung cho các dự án khu vui chơi giải trí trong nhà, bảo tàng văn hóa - lịch sử Đà Lạt, nhà hát kết hợp trường nghệ thuật, cung thể thao mùa Đông và các khu đô thị dịch vụ cao cấp... Trong từng khu vực đầu tư, cần chú trọng yếu tố di sản kiến trúc và di sản văn hóa - đô thị nhằm làm tăng giá trị bản sắc cho các mô hình kiến thiết và hoạt động du lịch của từng dự án, để tổng hòa thành một “diện mạo mới” cho thành phố du lịch Đà Lạt có bản sắc và phát triển bền vững... 

***

Có thể nói, Đà Lạt từ xưa đến nay luôn được kiến tạo trên nền tảng một đô thị có “kịch bản” và tính chất đô thị luôn thể hiện “tính nhất quán” trong các định hướng chiến lược về QHXD: Gắn kết từ một “vùng đô thị hành chính” với chức năng chủ đạo là “du lịch - nghỉ dưỡng”. Tuy nhiên, từ hai lĩnh vực “xây dựng đô thị” và “phát triển du lịch”, cho thấy hầu hết các hệ lụy đều có mối quan hệ “nhân - quả”: Một khi đô thị Đà Lạt quản lý và phát triển thiếu bền vững, thì khó có được một chiến lược vững chắc cho phát triển du lịch Đà Lạt xứng tầm với tính chất đô thị (trở thành “Thành phố du lịch quốc gia và có đẳng cấp quốc tế”). 

Do vậy, với góc độ nghiên cứu cá nhân, xin gửi đến thông điệp: Nguyên tắc kiến tạo bản sắc cho đô thị có giá trị bền vững, sẽ là nền tảng vững chắc cho chiến lược nâng tầm, phát triển du lịch Đà Lạt vươn đến đỉnh cao và có đẳng cấp; góp phần tạo động lực xây dựng và phát triển Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 trở thành thành phố du lịch quốc gia, có tầm ảnh hưởng quốc tế, và là đô thị thông minh - thành phố di sản...