.

Nông thôn mới - Sức sống mới Nam Tây Nguyên (bài cuối):
Hướng đến nông thôn mới hiện đại, văn minh, giàu đẹp

12:58, 14/03/2024
 
 

 
 

Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng được chọn là 1 trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng. Khi đó, Lâm Đồng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dưng nông thôn mới, đến năm 2019, Lâm Đồng đã có 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Đơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Hết năm 2019, toàn tỉnh có 13 xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu được công nhận.

 
 

Còn tính tới cuối năm 2023, cả tỉnh có 109/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 98,2%); 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 36,9%); 16 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 14,4%). Toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Đơn Dương, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Cát Tiên, Lâm Hà; 2 TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 

Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt 85,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 2,05%; riêng tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào dân tộc thiểu số giảm 5,09%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 44,94 triệu đồng/người (tăng 20% năm 2022). Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh dài khoảng 9.517,08 km, trong đó riêng tuyến đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn dài 7.238 km đường và số km được cứng hóa khoảng 6.513,95 km đạt tỉ lệ hơn 90%.

 
 

Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo đã có sự thay đổi rõ rệt, cụ thể: Cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; diện mạo cảnh quan nông thôn thay đổi, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong kết quả chung ấy, là những đóng góp của chính những người nông dân - chủ thể của mọi quá trình kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra ở nông thôn - tham gia tích cực vào xây dựng kết cấu hạ tầng, cùng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa mới ở chính nơi họ sinh sống, gắn bó… 

Trong năm 2023, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng đã được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng, nhất là đối với các dự án phát triển hệ thống đường giao thông đã khắc phục cơ bản được tình trạng xuống cấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, tăng cường hiệu quả kết nối giữa Lâm Đồng với các tỉnh Tây Nguyên, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

 
 

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thành quả nhân văn nhất của quá trình xây dựng nông thôn mới là an sinh xã hội được quan tâm, đời sống của nhân dân được cải thiện, tính gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn ngày càng bền chặt, từ đó khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ ngày càng được nâng lên, tạo thế và lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.

 
 

Trong hơn 14 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lâm Đồng đã từng bước khắc phục được những điểm yếu, điểm nghẽn, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, được người dân hưởng ứng sâu rộng. 

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Các mô hình phát triển kinh tế mới tích hợp đa giá trị đã được hình thành và nhân rộng tại các địa phương đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

 
 

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có là 6.282 ha sản xuất áp dụng VietGAP, GlobalGAP và 1.415 ha sản xuất áp dụng hữu cơ, quy mô lớn nhất trong các tỉnh Tây Nguyên.

Diện tích sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ, bền vững 4C, UTZ, Rainforest là 86.000 ha, sản lượng đạt 265.000 tấn/năm. Định hướng phát triển nông thôn mới thời gian tới có điểm nhấn quan trọng khi còn gắn với phát triển xanh, bền vững, gắn với du lịch canh nông. Đây cũng là thế mạnh của Lâm Đồng vượt trội so với nhiều địa phương khác trên cả nước.

Giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đạt 245 triệu đồng/năm (tăng 3,3% so với năm 2022). Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu; đã hình thành, công nhận được 9 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 16 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và có 66.150 ha sản xuất đạt tiêu chí công nghệ cao, trong đó có 631 ha nông nghiệp thông minh.

 

Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư

 
Làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cuối năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết: Trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ thực hiện lồng ghép hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiều số, miền núi để huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo.
 

 

 
 

Kinh tế nông thôn được nâng cao, ngày càng có nhiều hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã áp dụng thành công tác mô hình kinh tế trong nông nghiệp đạt năng suất, thu nhập cao. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 234 chuỗi liên kết giá trị với sự tham gia của 180 doanh nghiệp và 95 hợp tác xã. 

Toàn tỉnh xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp.

 
 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Văn Châu, ngành nông nghiệp và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là việc giảm nghèo, tạo sinh kế cho người dân ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn phát triển các ngành nghề như trồng dâu nuôi tằm, phát triển cây trồng có thế mạnh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con.

 
 

Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 như các sở, ngành đánh giá có nhiều chỉ tiêu mới và mức đạt cao hơn, khắt khe hơn so với giai đoạn 2016-2020. Một số tiêu chí, chỉ tiêu chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, tỉnh miền núi, rất khó khăn trong quá trình thẩm định, công nhận. Nhận diện những khó khăn, thách thức nêu trên, Lâm Đồng đã chủ động xây dựng các kế hoạch thực hiện có hiệu quả với nỗ lực cao nhất; không trông chờ, ỷ lại.

 
 

Tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện đạt chuẩn nông thôn mới đối với các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông và nông thôn mới nâng cao đối với các huyện Đơn Dương và Đạ Tẻh; tập trung chỉ đạo thực hiện các tiêu chí của Đề án nông thôn mới kiểu mẫu đã được UBND tỉnh phê với huyện Đơn Dương. Và đến năm 2025, Lâm Đồng được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

 
 

Định hướng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung thành phần Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Thực hiện các quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi, nước sạch; hạ tầng điện nông thôn; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người dân nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình; tập trung thực hiện cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn, tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, xây dựng nông thôn mới là một quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo sẽ thực hiện rà soát những yêu cầu đặt ra. Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương phải bám sát tình hình thực tiễn, nỗ lực, sáng tạo trong công tác, lấy nông thôn là địa bàn quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn để theo xu hướng toàn cầu hóa trong thời gian tới.

 
 

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, tiến tới xây dựng xã, huyện đạt nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

 

 

Sửa đổi một số chỉ tiêu, tiêu chí về xã nông thôn mới

 
Ngày 1/3/2024, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 211/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 - 2025.
(Xem chi tiết Quyết định số 211/QĐ-TTg)
 
Các chỉ tiêu được sửa đổi so với Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 gồm: Xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả và theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã, hoặc xã có tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, theo đúng quy định của pháp luật và có hợp đồng hợp tác, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương; xã triển khai thực hiện sổ khám chữa bệnh điện tử; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn...
 
Sửa nhiều tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, gồm: Tổ chức thủy lợi cơ sở (nếu có) hoạt động hiệu quả; tỷ lệ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm; có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành phục vụ đời sống kinh tế - xã hội; bãi bỏ nội dung tiêu chí "tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn" và chỉ tiêu "UBND cấp tỉnh quy định cụ thể" thuộc tiêu chí về lao động; có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật và mô hình điển hình về hòa giải ở cơ sở; tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành; tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng…
 
Ngày 6/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Văn bản 373/SNN-VPĐP về việc xây dựng quy định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp sửa đổi để triển khai thực hiện Quyết định số 211/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
(Xem chi tiết Văn bản 373/SNN-VPĐP)
 

 

 



Xem thêm bình luận