.

Bức tường thành ở vùng ''phên giậu''… (bài 4):
Khát vọng Đam Rông

12:31, 30/10/2023
 
 

[Audio] Khát vọng Đam Rông

 

 

Chị Nguyễn Phương Bắc (sinh năm 1983) ở xã Rô Men, được bình chọn là một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, vốn có tuổi thơ vất vả vì gia đình khó khăn, đông con, phải đi làm thuê…  Chị cũng bắt đầu lập nghiệp khi Đam Rông được thành lập bằng nghề thu mua cà phê, sau trở thành chủ đại lý thu mua cà phê và cung ứng phân bón cho người dân địa phương…

Với bản tính chăm chỉ, chịu khó, tháo vát, sau một thời gian chắt chiu, tích lũy, chị Nguyễn Phương Bắc đã sở hữu trang trại vườn - ao - chuồng (cà phê, sầu riêng, dứa, nuôi bò, cá tầm...) cho thu nhập lên đến 10 tỷ đồng/năm 2022. Chị Bắc và gia đình đang quy hoạch trang trại theo hướng nuôi trồng và bảo tồn thảo dược (xạ đen, tam thất, trinh nữ hoàng cung, quế, hồi, sả…) kết hợp du lịch sinh thái trên diện tích rộng 12 héc-ta có tên gọi “Suối nguồn Rô Men”.

 
 
 
Các đồng chí nguyên Bí thư Huyện uỷ Đam Rông thăm gia đình nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 Nguyễn Phương Bắc
 

Mô hình trang trại “Suối nguồn Rô Men” cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng trao giải khuyến khích trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo, kết nối” năm 2023; đồng thời, được xem là một sự sáng tạo, mới mẻ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chị Bắc cũng chính là nhân tố điển hình nỗ lực vươn lên tạo lập kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn xã. Không những vậy, chị Bắc còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương, được Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống COVID-19; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng năm 2022 vì đã có nhiều thành tích trong phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022.

 
Chị Bắc (áo dài cam đứng giữa) được bình chọn là một trong 100 gương mặt nhà nông tiêu biểu và nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023” của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
 

Đam Rông không chỉ riêng chị Bắc là tỷ phú; mà đang có nhiều nông dân với những mô hình sản xuất khai thác được lợi thế của Đam Rông là đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước dồi dào, có nhiều lâm sản, thổ sản quý, rất tiềm năng để phát triển kinh tế, như bà Vũ Thị Tuý (Công ty TNHH Dâu tằm tơ Duy Phương, xã Đạ Rsal), ông Hoàng Duy Thành (Công ty cổ phần Dó Bầu Hương Quảng Nam, xã Liêng S'rônh)…; ngoài ra, còn là những chủ nhân của hàng ngàn ha sầu riêng, mắc ca, trang trại cá nước lạnh… là những tấm gương người thật, việc thật, đầy sức thuyết phục trong cộng đồng, đang hình thành chuỗi sản xuất đa giá trị, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn…

 
Những cô gái dân tộc thiểu số ở Đam Rông hái lá trầm về làm trà
 

Toàn huyện Đam Rông có 12 chuỗi liên kết về: Dâu tằm (2 chuỗi tại xã Rô Men và Đạ Rsal), chuối Laba 2 chuỗi (xã Đạ K’Nàng), sản xuất rau thương phẩm (2 chuỗi tại xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng), sản xuất sầu riêng (1 chuỗi tại xã Đạ Rsal), sản xuất mắc ca (1 chuỗi tại xã Phi Liêng), nuôi cá tầm (1 chuỗi tại xã Rô Men), sản xuất và chế biến cà phê (1 chuỗi tại xã Liêng Srônh), trái cây (1 chuỗi tại xã Rô Men về dứa mật), lúa gạo (1 chuỗi tại xã Đạ M’Rông 117 hộ và Đạ Tông 17 hộ); 4 sản phẩm OCOP cấp huyện: Sản phẩm Trà dây Cao nguyên và trà trầm Đam Rông HDT (xã Liêng Srônh), sản phẩm Mắc ca Trường Giang và Mắc ca Linh Nghiêm (xã Đạ K’Nàng).

 
Một số nhãn hàng sản phẩm từ Đam Rông
 
 

 

 
Các thế hệ lãnh đạo Huyện uỷ và lãnh đạo UBND huyện Đam Rông hiện tại luôn thống nhất mục tiêu phát triển Đam Rông
 

Sắp tới, cùng với Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Tỉnh ủy về phát triển huyện Đam Rông giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch 3314 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 07; kế hoạch và quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt... sẽ là tiền đề để chính quyền huyện Đam Rông có căn cứ triển khai các mục tiêu quan trọng và có ý nghĩa thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương. Đó là kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch (hệ sinh thái rừng, cộng đồng dân tộc thiểu số, suối nước nóng, thác…), cụm dân cư để xây dựng đô thị… và về đích nông thôn mới.

Cùng với hệ thống giao thông nông thôn kết nối vào các khu vực sản xuất của người dân; hồ cảnh quan, hồ thuỷ lợi đảm bảo nước tưới cho cây trồng… Đam Rông đã dành kinh phí xây dựng khu bảo tồn văn hoá của đồng bào các dân tộc, tổ chức các hội thi cồng chiêng, các lớp truyền dạy cồng chiêng; song song với việc tuyên truyền xoá bỏ hủ tục, thực hành pháp luật và bảo vệ môi trường…

 
Đông đảo Nhân dân đến làm thủ tục định danh điện tử đúng thời gian quy định ở xã Đạ Long

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả; du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Đồng thời, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước… Song song đó, một trong những yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ phát triển khu vực Tây Nguyên là hình thành hạ tầng kết nối khu vực với các vùng, miền khác của Việt Nam, nhất là với vùng duyên hải.

 
Con đường từ trung tâm Đam Rông vào 3 xã Đầm Ròn sẽ sớm hoàn thành, đấu nối Đam Rông với trục đường ĐT.722
 

Vì vậy, Đam Rông đang có rất nhiều cơ hội khi hệ thống giao thông đấu nối đường liên huyện vào trục đường ĐT.722 hoàn thành, sẽ rút ngắn khoảng cách với Đà Lạt (khoảng 60km) và các tỉnh Tây Nguyên, tạo ra cơ hội liên kết, giao thương, phát triển trên mọi lĩnh vực, để tự mình lớn mạnh, vững chắc như “bức tường thành”; không còn chông chênh như vùng “phên giậu” mong manh của nhiều năm trước… Nhưng, dù là “bức tường thành”, “lá chắn” hay vùng “phên giậu” cũng chỉ là cách ví von để khẳng định quyết tâm của vùng quê nghèo khó một thời, đang phát triển rất bình yên, đang có nhiều nội lực, nhiều thuận lợi và sự đoàn kết thống nhất của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân để đưa Đam Rông gần hơn với các địa phương khác trong tỉnh, trong vùng Tây Nguyên một cách bền vững và đồng bộ…

 
Các đồng chí Bí thư Huyện uỷ Đam Rông qua các thời kỳ gặp gỡ cán bộ Huyện uỷ Đam Rông

 

 
 
 
Đam Rông bước vào tuổi 20 mộc mạc, bình yên và cũng rất xinh tươi, mạnh mẽ!
 



Từ khóa:

Bức tường thành ở vùng phên giậu


Xem thêm bình luận