Siết chặt quản lý các loại hình lưu trú du lịch

06:04, 23/04/2020

Trước sự "nở rộ" của các loại hình lưu trú, đặc biệt là xu hướng homestay nhưng không thực hiện đúng cách thức hoạt động, Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt đã ra quân chấn chỉnh, yêu cầu các chủ cơ sở thay tên, biển hiệu đúng với quy định của pháp luật.

Trước sự “nở rộ” của các loại hình lưu trú, đặc biệt là xu hướng homestay nhưng không thực hiện đúng cách thức hoạt động, Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt đã ra quân chấn chỉnh, yêu cầu các chủ cơ sở thay tên, biển hiệu đúng với quy định của pháp luật.
 
Nhiều cơ sở lưu trú có thiết kế sân vườn gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Ảnh chụp năm 2019
Nhiều cơ sở lưu trú có thiết kế sân vườn gần gũi với thiên nhiên, tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Ảnh chụp năm 2019
 
“Trả lại” định nghĩa homestay
 
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung đang dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với nhiều loại hình, quy mô khác nhau, như khách sạn từ 1 - 5 sao, biệt thự du lịch, khách sạn, nhà nghỉ du lịch, căn hộ cho thuê, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê... Trong đó, đáng chú ý là các quảng cáo về homestay tràn lan trên mạng xã hội, cũng như các kênh bán phòng trung gian. 
 
Homestay là loại hình lưu trú mà du khách sẽ cùng ở, cùng ăn với gia đình chủ nhà và trải nghiệm cuộc sống của người bản địa, đặc biệt là đề cao các trải nghiệm liên quan đến văn hóa và thiên nhiên tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Lạt, nhiều cơ sở lưu trú quảng cáo, treo biển là homestay, tuy nhiên, khi so sánh với các tiêu chuẩn và tiêu chí được đề ra, hầu hết các cơ sở này đều không đạt, khi đó đơn giản vẫn chỉ là nơi ở để khách lưu trú, không đi cùng các hoạt động trải nghiệm khác.
 
Anh Nguyễn Đức Thục (du khách TP Hồ Chí Minh) cho biết, đa phần khi đi du lịch, anh thường chọn homestay để lưu trú vì không gian mát mẻ, đơn giản mà thân thiện, lại rất phù hợp với người trẻ, nhóm khách nhỏ. Anh nhận thấy rằng, ở Đà Lạt hiện nay có rất nhiều nơi quảng cáo là homestay có cách trang trí rất đẹp, theo phong cách riêng, có không gian dành riêng cho khách, nhưng thực chất lại được quản lý như các khách sạn, nhà nghỉ thông thường. “Ở homestay, chúng tôi có thể thoải mái trò chuyện với chủ nhà để biết được cách sống của người địa phương, được thưởng thức đặc sản “homemade”. Nhưng vài lần ở Đà Lạt chúng tôi đặt phòng rồi chủ yếu trao đổi thông tin, thanh toán với nhân viên quản lý. Ngay cả giờ giấc cũng bị giới hạn thời gian nhận, trả phòng y như khách sạn khiến tôi không thoải mái”, anh Thục chia sẻ.
 
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân (Nha Trang) dịp Tết Nguyên đán vừa rồi cũng đặt trên facebook một phòng ở homestay. Tuy nhiên, khác xa với những hình ảnh lung linh trên mạng, căn phòng theo nhận xét của chị Vân là rất nhỏ, không tiện nghi, chất lượng còn khá tệ vì không đảm bảo vệ sinh. “Hình như không có khách thường xuyên nên phòng không được dọn dẹp, có mùi ẩm mốc. Vợ chồng mình phải thay đổi kế hoạch, chỉ ở một ngày rồi về luôn trong sự thất vọng”, chị Vân cho hay.
 
Du khách đến Đà Lạt cũng mong muốn được thưởng thức những đặc trưng về cuộc sống, ẩm thực, con người Đà Lạt. Ảnh chụp năm 2019
Du khách đến Đà Lạt cũng mong muốn được thưởng thức những đặc trưng về cuộc sống, ẩm thực, con người Đà Lạt. Ảnh chụp năm 2019
 
“Nhà Đà Lạt” của người Đà Lạt
 
Theo khảo sát của Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, hiện trên toàn thành phố chỉ có 4 cơ sở kinh doanh homestay đúng nghĩa khách du lịch cùng ăn, cùng ở, cùng làm với chủ nhà, được trải nghiệm các hoạt động của gia đình chứ không chỉ đơn thuần là dịch vụ lưu trú. Ngôi nhà tím - Violet Homestay (Phường 9, TP Đà Lạt) là một trong số đó. Violet Homestay mang dáng hình của một ngôi nhà đặc trưng rất “Đà Lạt”, với con đường nhỏ từ cổng vào sân được lát đá, trồng đủ các loại hoa, bao quanh là khu vườn đầy màu xanh của rau củ, cỏ cây. 
 
Bà Đỗ Thị Đoan Trang (67 tuổi), chủ Ngôi nhà tím là một người Đà Lạt thực thụ. Bà sinh ra, lớn lên, làm việc và gắn bó với Đà Lạt cho đến bây giờ. Luôn mang trong mình một tình yêu to lớn với thành phố sương, vẫn luôn tự hào vì mình là người Đà Lạt nên cuối năm 2018, bà “mở cửa” ngôi nhà nhỏ của mình, với mong muốn giúp nhiều người có điều kiện trải nghiệm những điều tuyệt vời nhất của Đà Lạt. Đó là buổi sáng thức dậy, khách thấy hoa nở trong sương mờ, được nghe chim hót, được nghe sương nhỏ từng giọt trên lá cành.
 
Không phải là những ngôi nhà với thiết kế quá độc đáo, khác biệt, không có nhiều góc để khách chụp ảnh “sống ảo”, Ngôi nhà tím đơn sơ, giản dị nhưng tiện nghi với 7 phòng, mỗi phòng đều được bà chủ đặt tên bằng tên của các loài hoa màu tím, là Thạch thảo, Bâng khuâng... Mái nhà được lợp bằng một lớp ngói để khách có thể nghe tiếng mưa rơi - cái âm thanh vừa hoài niệm, vừa gợi nhiều cảm xúc đối với nhiều người.
 
Theo bà Trang, điều quan trọng nhất mà bà luôn muốn hướng đến khi mở homestay, đó là làm sao để mỗi vị khách đều có thể cảm nhận và tận hưởng những nét đặc trưng nhất của cuộc sống, con người Đà Lạt. Thế nên, khách đến nhà dịp nào cũng được bà đãi những món đặc sản. Nhiều vị khách Tây được ăn bánh tét, dưa món trong tết cổ truyền của Việt Nam. Nhóm khách trẻ tuổi đến từ TP Hồ Chí Minh được học cách đổ bánh căn. Khu vườn trồng nhiều loại rau đặc trưng của Đà Lạt cũng là để khách có thể tiện tay hái vào làm món salad trong căn bếp nhỏ. Hay thi thoảng chủ nhà lại đãi khách vài chiếc bánh da lợn, bánh chuối nướng tự làm...
 
Từ những điều giản dị, bình yên đó mà khoảng cách giữa khách và chủ nhà dần được kéo lại, chủ nhà và khách trở thành bạn của nhau. Bà Trang bảo rằng điều lớn nhất bà nhận được sau khi mở homestay là nhận được thêm nhiều niềm vui - lan tỏa từ niềm vui của những vị khách đến rồi đi, cùng những lời hẹn sẽ trở lại để lại được sống giữa những yên bình của thành phố ngàn hoa.
 
Những trải nghiệm đặc biệt đó, là điều mà không ít người muốn có khi đến với các homestay tại Đà Lạt, nhưng không phải ai cũng may mắn chọn lựa được đúng nơi cần đến như những lời quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
 
Không gian Ngôi nhà tím - Violet Homestay. Ảnh chụp năm 2019
Không gian Ngôi nhà tím - Violet Homestay. Ảnh chụp năm 2019
 
Tăng cường giám sát, quản lý
 
Tính đến hết tháng 2/2020, tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Lạt là 2.099 với 25.419 phòng, tăng gần 800 cơ sở so với năm 2018, đặc biệt là biệt thự du lịch, khách sạn tiêu chuẩn, nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê tăng mạnh.
 
Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin, năm 2019, lực lượng liên ngành đã xử lý nhắc nhở, chấn chỉnh 27 cơ sở treo bảng hiệu không đúng quy định (bảng hiệu tiếng nước ngoài không có tiếng Việt kèm theo, bảng homestay); xử lý vi phạm hành chính lỗi không thông báo trước bằng văn bản trước khi đi vào hoạt động đối với 51 cơ sở với tổng số tiền trên 118 triệu đồng. 
 
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt cho biết, với các lỗi vi phạm về treo bảng hiệu không đúng quy định thì sau kiểm tra, đơn vị vận động, khuyến khích người kinh doanh tự tháo dỡ và thay biển hiệu khác đúng với loại hình kinh doanh lưu trú mà mình đang sử dụng và đã đăng ký. 
 
Đối với việc quảng cáo, kinh doanh trên mạng xã hội hay các kênh trung gian thì theo bà Hiền, rất khó để áp dụng quản lý triệt để. Bởi suy cho cùng, các hoạt động mua bán, quảng cáo trên các trang như Facebook, Airbnb, Booking, Traveloka... cũng chỉ là hoạt động thương mại, không có cơ sở để chắc chắn về độ chính xác của những thông tin được đưa lên, nên nhiều trường hợp khách hàng bị vỡ mộng bởi hình ảnh thực tế khác xa quảng cáo.
 
Thông qua đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin đã tiếp nhận nhiều ý kiến phản hồi của du khách về vấn đề này. “Trước khi đặt phòng, khách du lịch nên tìm hiểu rõ để an tâm, đồng thời chúng tôi khuyến khích du khách nên tìm thông tin trên các trang chính thống như app Dalat City”, bà Hiền chia sẻ.
 
Từ đầu năm 2020, Hội đồng nhân dân TP Đà Lạt cũng đã xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề về “Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lưu trú trên địa bàn”, nhằm đánh giá tình hình phát triển các cơ sở kinh doanh lưu trú, những mặt ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực thi trách nhiệm đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh những vị phạm, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn xử lý những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố. Thông qua hai hình thức là báo cáo của UBND thành phố, Chi cục Thuế khu vực Đà Lạt - Lạc Dương, Công an thành phố và giám sát thực tế tại các Phường 2, 4, 10, 11 vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động giám sát đang tạm hoãn, nhằm tránh các hoạt động tụ tập đông người, sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.
 
H.THẮM - V.QUỲNH