Trên đỉnh mùa thu

07:10, 03/10/2019

Nếu như ai đó đã nghe ở Đà Lạt có đặc trưng là mùa nắng lạnh, thì Lang Biang là nơi người ta có thể cảm nhận rõ rệt nhất về điều đặc biệt đó...

Nếu như ai đó đã nghe ở Đà Lạt có đặc trưng là mùa nắng lạnh, thì Lang Biang là nơi người ta có thể cảm nhận rõ rệt nhất về điều đặc biệt đó. Tôi đã đứng trên đỉnh núi cao 2.167m so với mực nước biển này vào những ngày mùa xuân, mùa hè, để được thấy nắng trong vắt và phóng tầm mắt xuống Đà Lạt, Lạc Dương, để thấy thành phố hoa trở nên nhỏ xinh, trọn vẹn trong mắt mình. Thế nên, cảm giác tê lạnh từ lồng lộng gió trong màn sương mờ mặc dù đang vào buổi trưa một ngày tháng 9 thật sự thú vị.
 
Du khách thích thú chụp ảnh trong màn sương mù trên đỉnh Lang Biang. Ảnh: V.Quỳnh
Du khách thích thú chụp ảnh trong màn sương mù trên đỉnh Lang Biang. Ảnh: V.Quỳnh
 
Mây dưới chân mình
 
Sau trận mưa đêm, cả đỉnh núi Lang Biang chìm trong mây mù. Du khách xuýt xoa, trầm trồ xen lẫn phấn khích khi vừa đặt chân xuống từ những chiếc xe Jeep, đã bắt gặp cảnh trái ngược với 10 phút trước khi lên xe - khi dưới chân núi nắng vẫn lên rực rỡ. Mùa này, dưới màn sương mờ che phủ, chẳng thể nào nhìn thấy rõ Đà Lạt ẩn hiện trong những nóc nhà hay hồ Đan Kia, Suối Vàng giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi. Mọi thứ trở nên mơ hồ, mờ ảo. Lang Biang thơ mộng hơn bao giờ hết. Giữa những tiếng xuýt xoa của khách, chị Hồ Thị Kiều Oanh - Phó Giám đốc Khu du lịch Lang Biang chỉ cười nói rằng: “Thật ra, sương mù là đặc trưng từ lâu của Đà Lạt, thế nhưng bây giờ, dễ gì còn giữ được nơi nào có sương mù trắng xóa như vậy. Điều hiếm hoi này cũng chính là giá trị của Lang Biang, để khách du lịch vẫn lựa chọn ghé thăm giữa rất nhiều những điểm du lịch nổi tiếng, mới nổi khác”.
 
Để lên được tới đỉnh Lang Biang, du khách phải ngồi trên xe Jeep vì quãng đường khá xa và dốc. Thế nhưng, không lần nào tôi không nghĩ, rằng giá như mình được đi bộ hoặc đi xe máy lên đây. Bởi những con đường ngoằn ngoèo với những khúc cua gấp ngay giữa rừng thông rù rì gió đẹp như một giấc mơ. Và phải đi chậm hơn, người ta mới có thể cảm nhận và tận hưởng trọn vẹn hương thơm và sự mát lạnh, trong lành của rừng thông - cái hương vị đặc trưng của phố núi mà ngay giữa phố bây giờ không còn tìm thấy được nữa, bởi những cánh rừng thông đã không còn được giữ vẹn nguyên.
 
Bỏ lại nắng sau lưng, khách lên đỉnh Lang Biang để ngắm cảnh, ngắm sương dưới chân mình, để hít hà cái lạnh của gió, đi loanh quanh ngắm những chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ, và xem những người phụ nữ K’Ho ngồi dệt những tấm thổ cẩm đặc trưng của người đồng bào. Mặc dù thu nhập mang lại không cao, nhưng những quầy hàng thổ cẩm đó vừa tạo nên nét đặc trưng, thu hút sự chú ý của khách du lịch, vừa giải quyết tình trạng bán hàng rong và chèo kéo khách của đồng bào dân tộc thiểu số ở chân núi trước đây. Những người phục vụ trong nhà hàng trên đỉnh núi cũng được mang trên mình những chiếc áo thổ cẩm đó, vừa tạo sự gần gũi, sinh động và tăng thêm giá trị cho sản phẩm truyền thống của người K’Ho dưới chân núi Lang Biang huyền thoại.
 
Trăn trở trên đỉnh núi cao
 
Khu du lịch Lang Biang đang mùa nghỉ ngơi. Hay nói đúng hơn, là tạm nghỉ sau một mùa hè căng mình tiếp lượng khách tham quan cao điểm của mỗi năm. Lẽ thường tình, tháng 9, tháng 10 là khoảng thời gian thấp điểm trong năm của du lịch. Trời mưa nhiều và thời tiết “nhõng nhẽo” gây cản trở không ít đến việc tham quan của du khách. Thế nên, so với số lượng khoảng 1.000 lượt khách vào mùa hè hay những dịp lễ, tết, mùa này, Lang Biang đón khoảng 500 lượt khách mỗi ngày. Không còn cảnh quá đông đúc, nhộn nhịp như mùa cao điểm, Lang Biang trở lại sự yên bình vốn có, khách tham quan cũng lặng lẽ hơn, như để cảm nhận được điều đó và hòa mình vào hơi thở của đất trời những ngày sương phủ. Gian nhà hàng trên đỉnh núi cũngvừa được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 6, để khách có thể ngồi ở ban công, uống ly cà phê Arabica thơm nồng ướp nắng mưa vùng đất Lạc Dương và phóng tầm mắt xung quanh để tận hưởng trọn vẹn hương vị cao nguyên.
 
Không phải ngẫu nhiên mà lượng khách đến một điểm du lịch đã có từ lâu và trở nên quen thuộc như Lang Biang vẫn giữ được mức tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm ngoái (với trên 613.000 lượt khách kể từ đầu năm đến nay). Bởi đến đây, người ta không chỉ được ngắm cảnh, mà còn được tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng truyền thống của người Cil, người Lạch,... những dân tộc đã gắn bó lâu đời ở đỉnh núi thiêng này.
 
Cồng chiêng ở Khu du lịch Lang Biang được biểu diễn ở ngoài trời để tái hiện lại một cách đúng nhất không gian của người xưa. Được chú trọng yếu tố văn hóa hơn yếu tố giải trí, một buổi biểu diễn cồng chiêng ở Lang Biang được làm đúng 3 phần: phần lễ, phần hội và phần giao lưu. Khách đến đây có thể yêu cầu tổ chức chương trình riêng, hoặc ghép đoàn với số khách tối đa 250 người. Anh Cil Khốt - Phó Giám đốc Khu du lịch Lang Biang cho biết, việc giới hạn số lượng giúp du khách được thưởng thức trọn vẹn một buổi biểu diễn, cảm nhận một cách đầy đủ nhất những giá trị văn hóa giữa chếnh choáng men rượu cần và âm thanh cồng chiêng vang giữa đại ngàn.
 
Anh Cil Khốt được chị Oanh giới thiệu là “thương hiệu” của Lang Biang, vì hát hay, đàn giỏi, và vì những hiểu biết cũng như trăn trở ở vùng đất này. Là người con sinh ra, lớn lên ngay dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, điều khiến anh luôn canh cánh trong lòng là làm sao phải phát triển du lịch gắn với giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Điều anh lo lắng có thể hiểu được, bởi dịch vụ cồng chiêng ở một số điểm nhà dân tại buôn làng không đảm bảo chất lượng, khiến du khách có cái nhìn không tốt và không đúng về dịch vụ cồng chiêng ở Lạc Dương, gây nguy cơ đánh mất những giá trị truyền thống. Anh Khốt tâm sự rằng: “Du lịch muốn phát triển thì phải dựa vào truyền thống, vào văn hóa. Nếu những giá trị đó bị mất đi thì sẽ mất hết, và khách du lịch cũng không còn hứng thú để quan tâm, tìm đến địa phương này nữa”. 
 
Giữa màn sương mù của đất trời Lang Biang lộng gió, chúng tôi hiểu rằng, nỗi lo của anh Khốt không phải là nỗi lo riêng.
 
VIỆT QUỲNH