Để Luật Du lịch thực sự đi vào cuộc sống

10:07, 13/07/2017

Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017 (Luật) vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 với những thay đổi tích cực và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Luật Du lịch (sửa đổi) năm 2017 (Luật) vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 với những thay đổi tích cực và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Luật Du lịch được kỳ vọng rất nhiều, nhưng còn cần nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật khác để Luật được thực thi (Nghị định hướng dẫn và các Thông tư liên quan); và để Luật thực sự đi vào cuộc sống vẫn cần điều chỉnh, bổ sung thêm...
 
Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) được kỳ vọng là có nhiều ưu đãi đầu tư. Ảnh: L.Hoa
Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) được kỳ vọng là có nhiều ưu đãi đầu tư. Ảnh: L.Hoa
Nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn
 
Với 438/451 đại biểu (tỷ lệ 89,21%) đồng ý, Luật Du lịch coi như được thông qua, gồm 9 chương, 78 điều. Một trong những điểm đáng chú ý của Luật là khách du lịch là đối tượng được quan tâm, nới tiêu chuẩn công nhận hướng dẫn viên du lịch (HDV) trong các công ty lữ hành và tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) với cơ quan nhà nước có thẩm quyền… 
 
Từ thực tế, Luật Du lịch năm 2005 có một số nội dung quy định không còn phù hợp với tình hình hiện nay nên đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Du lịch. Trước khi trình bản dự thảo Luật sửa đổi, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn ở nhiều địa phương. Riêng tại Lâm Đồng, đã có 3 đợt tham vấn trước khi bản dự thảo Luật được báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Du lịch sửa đổi trước Quốc hội.
 
Khi tiến hành sửa đổi Luật Du lịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó có thể nhận thấy, nhiều tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 08 đã được chuyển tải và luật hóa trong Luật Du lịch. Tại Điều 5 - Chính sách phát triển du lịch, quy định: Nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực cho phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước; Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
 
Khách du lịch quan tâm, được bảo đảm lợi ích được quy định trong Luật bằng việc quy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch; trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, các cơ sở lưu trú du lịch; các cơ sở dịch vụ du lịch khác... Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, trách nhiệm của một số bộ ngành về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch một cách tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Khoản 5, Điều 2, còn quy định: “Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế giá trị gia tăng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch”.
 
Luật Du lịch đã quy định rõ hơn về tiêu chuẩn hướng dẫn viên về điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên (HDV). Luật xác định HDV du lịch là một nghề, nên chú trọng kỹ năng hành nghề, kỹ năng ứng xử với khách du lịch, điều kiện hành nghề của HDV du lịch... bên cạnh yêu cầu về chuyên môn. Tại Điều 59, Luật Du lịch mới quy định một trong những điều kiện cấp thẻ HDV du lịch nội địa là “Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; trường hợp tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa”. Và một trong những điều kiện cấp thẻ HDV du lịch quốc tế là “Tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành khác trở lên phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế”. Đây chính là một điểm thay đổi tích cực để giải quyết mâu thuẫn thực tế hiện nay là, rất nhiều người có trình độ, có ngoại ngữ tốt, có kiến thức thực tế… nhưng không đúng tiêu chí về bằng cấp nên đã không được cấp thẻ và không thể hành nghề. Cùng với quy định về tiêu chuẩn HDV, thì quy định “Thẻ HDV du lịch quốc tế và thẻ HDV nội địa có thời hạn 5 năm” (điều 58) (thay vì 3 năm) cũng là điểm mới tích cực.
 
Việc phân cấp thẩm định, công nhận CSLTDL và tự nguyện - không bắt buộc đăng ký thẩm định CSLTDL cũng là một điểm mới, tạo thuận lợi trong quản lý du lịch theo địa bàn. Khi CSLTDL đáp ứng được điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (Điều 49) thì có thể đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để xếp hạng. CSLTDL được xếp hạng theo chất lượng dịch vụ, khách du lịch nhằm khẳng định chất lượng dịch vụ với khách du lịch. 
 
Luật Du lịch 2017 quy định rõ những vấn đề nhằm hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh. Đó là, cấm kinh doanh không có giấy phép, sử dụng giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho tổ chức, cá nhân khác cho mục đích kinh doanh của mình; thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ… 
 
Nhiều loại hình du lịch chưa được đề cập trong Luật, chẳng hạn loại hình du lịch mạo hiểm đang rất phát triển hiện nay. Ảnh: L.Hoa
Nhiều loại hình du lịch chưa được đề cập trong Luật, chẳng hạn loại hình du lịch mạo hiểm đang rất phát triển hiện nay. Ảnh: L.Hoa
Vẫn cần điều chỉnh để hoàn thiện
 
Tuy có nhiều điểm đổi mới tích cực, nhưng vẫn còn nhiều điểm quy định của Luật chưa phù hợp với thực tiễn hoặc chưa được thông suốt, như công nhận khu điểm du lịch, quy định về loại hình du lịch, quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… Đó là, ở phần giải thích từ ngữ không có thuật ngữ “loại hình du lịch”, nhưng lại đưa ra 3 thuật ngữ về loại hình du lịch là “du lịch sinh thái”, “du lịch cộng đồng” và “du lịch văn hóa”, trong khi còn rất nhiều loại hình du lịch khác không được đề cập đến.
 
Về Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, trong Luật Du lịch năm 2005 đã có quy định, nhưng hơn 10 năm qua không triển khai được vì có những vấn đề vướng mắc về nguồn thu và cách vận hành của Quỹ. Trong quá trình tham vấn sửa đổi Luật Du lịch, nhiều chuyên gia và địa phương đã đưa ra bàn luận vấn đề quản lý nguồn quỹ này. Luật mới quy định: “Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, do Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động; Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”. Luật cũng cho phép Quỹ được hình thành từ rất nhiều nguồn, có cả vốn ngân sách nhà nước cấp. Tuy nhiên, mục đích hoạt động của Quỹ lại quy định rất rộng, e là khó có được nguồn quỹ dồi dào, dẫn đến khó vận hành, khó thực hiện được mục tiêu đề ra. 
 
Luật dành một chương (Chương IV) quy định về “Khu, Điểm du lịch” với 7 điều (từ Điều 23 đến Điều 29), nhưng không có quy định nào về “đô thị du lịch”, trong khi thuật ngữ “đô thị du lịch” đã được đề cập ở Việt Nam từ khoảng 9-10 năm trước. Ngoài ra, Luật còn thiếu những quy định về nguyên tắc phát triển du lịch theo hướng khai thác liên kết, khai thác tính khác biệt hay tính đặc thù của vùng - miền...
 
LÊ HOA