Trải nghiệm một chuyến đi

HOÀNG NGUYÊN 11:00, 26/02/2024

(LĐ online) - Kết thúc chuyến đi, đứa cháu của tôi đang học lớp 7 trả lời câu hỏi “Con nhận ra điều gì?” “Chúng con phải học giỏi để sau này nước mình cũng giàu đẹp như Australia!”.

Nhà hát Opera House
Nhà hát Opera House

TỪ SÀI GÒN ĐẾN SYDNEY

Chiếc Máy bay của hảng Jeststart cất cánh ở Tân Sơn Nhất vào lúc 22 giờ. Giờ này nhiều bạn bè tôi đã lên giường nghe nhạc, đọc sách và chìm dần vào giấc ngủ êm đềm của một đêm cuối năm, còn tôi thì bận rộn kéo hành lý lên máy bay. Chiếc Boing 787 to lớn có 2 tầng chở khách nhẹ nhàng cất cánh xuyên qua biển Đông, rồi lần lượt bay qua bầu trời Brunei,  Malaysia, Indonesia… Thằng cháu nhỏ ngồi bên cạnh bỗng hỏi: “Những người dân dưới cánh bay của mình có bị thức giấc không ông nội ơi?”. Tôi cười: “Mình bay cao đến 11.000m không ảnh hưởng gì nên họ vẫn ngủ ngon con à”. Tiếng động cơ đều đều âm vang mãi trong bầu trời đêm mênh mông, hành khách thiu thiu ngủ không biết bao lâu! Rồi ánh sáng mờ mờ cũng đã xuất hiện qua cửa sổ máy bay, bên ngoài trời đang sáng dần lên, cũng là lúc máy bay đang tiến vào không phận của nước Úc, phải mất gần 6 tiếng bay xuyên qua vùng hoang mạc, từ trên cao  nhìn xuống chúng tôi mới thấy có màu xanh, lác đác nhà cửa, rồi đến phố xá đông đúc, máy bay hạ dần độ cao, thành phố Sydney lớn lên dưới cánh bay. Chiếc máy bay nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sydney nằm bên bờ biển Thái Bình Dương, phía đông nam nước Úc, đồng hồ sân bay điểm 11 giờ địa phương nhưng đồng hồ trên tay tôi thì chỉ 7 giờ Việt Nam. Vậy là sau 9 tiếng lơ lửng trên trời chúng tôi đã rời xa Việt Nam đến với nước Úc, chúng tôi đã vượt qua châu Á đến với châu Đại Dương.

Châu Đại Dương có diện tích nhỏ nhất trong các châu lục trên địa cầu được bao quanh bỡi Ấn Độ dương phía tây, phía nam và Thái Bình Dương phía đông. Châu Đại Dương có tới 14 quốc gia độc lập, trong đó nước Úc là lớn nhất có kinh tế phát triển nhất, rồi đến New Zealand, còn lại là các đảo quốc nhỏ bé, quốc đảo nhỏ nhất là Nauru dân số chỉ khoảng 10. 000 người, diện tích khoảng 21km2, nếu chạy xe máy trong vòng một vài giờ là ta có thể đi vòng quanh đất nước.

Nước Úc hay thường gọi là Australia rộng mênh mông chiếm đến 86% của cả châu Úc, nằm trải ra trên gần 6 đường kinh tuyến, Australia ở về phía đông nam của Việt Nam. Bờ tây nước Úc cách Việt Nam 1 giờ trong lúc bờ đông Úc thì đi trước chúng ta 4 giờ, có nghĩa là vào lúc 22 giờ chúng tôi cất cánh tại Sài Gòn thì ở Sydney đã là 2 giờ sáng hôm sau. Sydney là một thành phố cảng nằm trong bang New South Wales, một thành phố đông dân, sầm uất và phát triển nhất của xứ sở chuột túi, Sydney có 6 triệu người trong lúc cả nước Úc chỉ 23 triệu dân, tính ra mật độ dân số ở đây ở mức gần 500 người/km2. Khu trung tâm với những công trình đồ sộ tráng lệ tập trung xung quanh cảng Harbour và nhà hát Opera House, các công trình xây dựng được qui hoạch khá hợp lý, được kết hợp với việc bố trí cây xanh hài hòa làm cho thành phố đẹp sang trọng mà ở góc nào du khách cũng có thể chộp được những tấm ảnh ưng ý!

Đến Sydney khách quốc tế không thể không đến thăm nhà hát Opera House, còn gọi là nhà hát con sò, một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai trên thế giới, trông  như những mảnh vỏ sò khổng lồ ghép lại tạo thành một tòa nhà màu trắng, to đẹp nằm bên bờ Thái Bình dương, nổi bật lên trên màu xanh của biển và màu thanh thiên của bầu trời Sydney vào hạ. Ở đây người ta thường xuyên tổ chức các hoạt động  văn hóa nghệ thuật và nhiều sự kiện văn hóa trong nước cũng như quốc tế. Đối diện với nhà hát con sò phía bên kia vịnh Harbour là  cầu cảng Sydney Harbour bằng thép bắt qua eo biển, người dân còn gọi là cầu mắc áo vì bên trong cầu các kiến trúc sư đã tạo ra những cánh tay treo đèn giống những cái mắc áo. Công trình hoàn thành từ năm 1932 nhưng đến nay không lạc hậu về công năng sử dụng và cả tính thẩm mỹ, cây cầu dùng cho hầu như tất cả các loại phương tiên giao thông, từ tàu lửa, ô tô, tram, xe máy, xe đạp và cả đi bộ ở 2 bên thành cầu… Người ta nói không thể thống kê hết, nhưng đã có hàng triệu những tấm ảnh đẹp về nhà hát opera và cầu cảng Harbour Sydney đã được du khách truyền đi khắp nơi trên thế giới.  Hoạt động thương mại, du lịch, văn hóa… nhộn nhịp, người xe tấp nập ở trung tâm Sydney, các phương tiện giao thông của Australia khá đa dạng bao gồm cả taxi, Uber, xe bus, xe điện cổ, tram, tàu thủy, cano… khá đông đúc nhưng hệ thống đường sá có thể nói là tuyệt vời đã làm cho việc đi lại của người dân thành phố và khách du lịch luôn thông suốt, những ngày ở đây chúng tôi đi đủ các loại phương tiện từ sáng đến tối khuya mới về khách sạn nhưng chưa bị kẹt xe và cũng chưa chứng kiến hoặc nghe nói về một vụ tai nạn giao thông nào.

Một nhà thờ tại Úc
Một nhà thờ cổ kính tại Úc

Xa trung tâm về phía bắc Syney là các khu phố biệt thự có nhiều biệt thự cổ  ẩn mình trong những vườn cây xanh, những luống hoa hay những hàng cây cổ thụ trên đường phố tạo nên không gian êm đềm, lãng mạn của một thành phố giàu vào hàng “top ten” của thế giới, ở đó mức bình quân thu nhập của người dân lên tới trên 55.000 USD/năm. Cây lá phong là một loại cây đặc trưng hầu như được trồng khắp nơi trên đường phố Sydney, có những cây đã hàng trăm tuổi, gốc to mấy người ôm, tán lá giao nhau che mát những con đường. Trong các công viên thì đa dạng các lòai cây, hoa, trong đó nhiều cây sanh cổ thụ được chăm chút khá chu đáo, rễ phụ đã cắm xuống đất làm trụ đỡ cho cành lá tiếp tục vươn xa.  Một anh bạn Việt kiều ở Sydney nói cho chúng tôi nghe là ở Úc có luật ưu tiên bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em, bảo vệ chó và bảo vệ cây xanh rồi anh kể một câu chuyện vui : Một chị phụ nữ nọ thường xuyên đánh con chó do người yêu cũ của chồng chị ta tặng, cứ thấy mặt nó là chị ghét và cho nó một trận bỏ tức. Hàng xóm xót ruột bèn làm đơn tố cáo và chị phải ra tòa, tòa phán chị 3 tháng tù. Kết án xong, vị chánh án lẩm bẩm một mình: “Con mụ đàn bà ngu! Có thằng chồng bên cạnh mà không đánh cho bỏ tức, đánh chó chi cho bị ở tù”!

Ở Sydney có rất nhiều những bảo tàng khác nhau,  nhưng có lẽ nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan và để lại ấn tượng mạnh nhất đó là bảo tàng tội phạm (crime museum) còn được gọi là bảo tàng cảnh sát ( Police museum),  hay còn gọi là bảo tàng công lý (Justice museum). Có lẽ trên thế giới này hiếm quốc gia nào có bảo tàng Tội phạm như Australia một đất nước khởi đầu bằng các trại tù, hay như ở Las vegas Mỹ nơi có nhiều đối tượng mafia. Bảo tàng này ở nước Úc nổi tiếng thu hút người dân trong nước và cả du khách quốc tế, nhất là các em học sinh thường được các thầy cô đưa đến tham quan nghe giới thiệu về những câu chuyện thay cho những bài học về đạo lý về pháp luật. Trong đó có rất nhiều những câu chuyện hình sự của nhiều vụ án, những câu chuyện, những hình ảnh, những hiện vật và những thước phim của từng vụ án được trưng bày từ khi khởi đầu đến khi kết thúc,những vụ giết người ghê rợn, những màn phá án hấp dẫn, những gương mặt của tội phạm vô cùng đa dạng, những trò trí trá quỉ quyệt của kẻ phạm tội đều không thể che mắt được pháp luật và đều được đưa ra ánh sáng. Bước ra khỏi bảo tàng tội phạm, người ta rút ra được nhiều bài học quí giá trong cuộc sống, từ đạo lý cho đến công lý, từ lòng tham lam, tâm lý hận thù cho đến pháp luật… mà không cần đến những bài giảng nặng lý thuyết nào.

Đất nước Australia hình thành và phát triển lên trên cơ sở của dân di trú trước hết là từ người Anh, đến người châu Âu rồi người  châu Á và hầu như người các lục địa khác đều có mặt trên đất nước này từ nhiều đời hòa huyết các chủng người với nhau đã tạo ra những thế hệ thông minh năng động ngày nay. Nhìn xã hội nước Úc người ta dễ nhận ra như một tác phẩm phái sinh từ nước Anh nhưng trẻ trung, sôi nổi và đa dạng, hơn là một nước Anh đang già cỗi, trầm lặng. Nhìn người Úc người ta cũng có thể nhận ra là một phiên bản của người Anh nhưng cởi mở và thân thiện hơn người Anh phớt tỉnh và lạnh lùng dù cho họ vẫn có thừa sự lịch lãm. Nước Úc may mắn được bao bọc giữa 2  đại dương và tách rời với các lục địa  khác nên các cuộc chiến tranh hầu như không diễn ra trực tiếp ở đây nhưng quân đội Úc thì được đưa đi tham chiến nhiều nơi trên thế giới từ đệ nhất thế chiến, đệ nhị thế chiến cho đến các cuộc chiến tranh khu vực sau này như cuộc chiến Nam – Bắc Triều, chiến tranh Việt Nam, Egypt – Lybya, Syrya, Borneo… Và, đã có không ít những chiến binh tử trận tất nhiên không nhiều và không hào hùng như các nước trực tiếp chiến đấu bảo vệ tổ quốc mình. Nhưng họ vẫn xây những đài kỷ niệm hoành tráng tưởng niệm các binh sĩ tử trận với câu nói khắc ghi vào lòng người dân Úc “Không có tình yêu nào to lớn hơn tình yêu dành cho người đã dám hy sinh cho bạn”. Ngày nay nước Úc có trên 40 trường đại học, trong đó có nhiều trường nổi tiếng trên thế giới, đã thu hút nhiều du học sinh quốc tế đến học tập, nghiên cứu, riêng Việt Nam hiện có trên 24.000 sinh viên đang theo học ở các trường đại học khác nhau trên toàn nước Úc. Bên cạnh đó nước Úc còn đầu tư giáo dục ra nước ngoài từ mầm non, mẫu giáo cho đến đại học, sau đại học…Úc đã nổi tiếng là một đất nước xuất khẩu giáo dục!

Sydney một thành phố trẻ so với thế giới nhưng là một thành phố được xây dựng đầu tiên, một thành phố đông dân nhất, phát triển nhất của xứ sở Kangaroo. Sydney ngày nay xứng đáng sánh vai cùng các thành phố nổi tiếng khác của thế giới trên hầu hết các mặt kinh tế, văn hóa, đời sống, xã hội yên bình, cảnh quan đẹp, chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân khá cao. Rời Sydney của bang New Shouth Wales chúng tôi bay về bang Victoria đến thành phố Melbourn, và đi xuống miền nam nước Úc để đón gió mát từ Nam cực thổi về.

Tác giả tại nhà hát Opera House
Tác giả tại nhà hát Opera House

TỪ MELBOURN ĐẾN NƠI GẶP NHAU CỦA HAI ĐẠI DƯƠNG

Phải mất một tiếng ba mươi phút bay từ Sydney, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Melbourn, chiếc sky bus đón chúng tôi về nơi nghỉ là một căn hộ khang trang đầy đủ tiện nghi, từ những thứ cần thiết của nhà bếp để tự nấu nướng nếu thích cho đến máy giặt, máy sấy, internet và những tiện nghi hàng ngày khác, nhưng giá chỉ bằng 5 triệu VN đồng ngang với giá cho thuê ở Việt Nam có thể còn thấp hơn ở một số thành phố lớn. Ở quê mình đang bắt đầu mùa xuân, trong khi ở Australia đang vào hạ nhưng rất may mắn là những ngày này khí hậu cả ở Sydney và cả Melbourn đều mát mẻ khoảng 18 – 20 độ C, lúc cao nhất chỉ khoảng 25 độ C.

Chúng tôi ba lô trên vai nhảy lên Tramway đi vòng quanh thành phố, không ai kiểm soát vé, mọi người tự giác quẹt thẻ vào máy tính tiền, tài xế chỉ biết dừng xe mở cửa cho khách lên xuống ở mỗi ga rồi đóng cửa chạy tiếp. Mạng lưới giao thông ở Melbourn được coi là  một trong những hệ thống rộng khắp và tốt nhất trên thế giới! Ngoài các loại taxi và xe công nghệ thì mạng lưới chính gồm có xe Bus, tàu (train) và xe điện (Tram). Tram thường nối dài nhiều toa, gồm có loại bánh lốp và loại bánh sắt chạy trên đường ray, một mạng lưới đi khắp thành phố, đến nhiều ga, đúng giờ, phục vụ chu đáo cho dân thành phố và cho cả khách du lịch quốc tế. Đặc biệt có một loại xe điện cổ đã ra đời cách đây khoảng trên trăm năm giống như xe điện leng keng của Hà Nội mà chúng ta đã được đi cách đây gần 50 năm. Hình dáng vẫn như thế nhưng họ đã sơn phết, tân trang lại cả bên ngoài lẫn bên trong với tốc độ không thua kém mấy với các loại Tram hiện đại, tất nhiên là loại này không có máy lạnh vì công nghệ xưa vốn không có, chỉ có hàng cửa sổ trên cao để đón gió. Mục đích của Hội đồng thành phố là để những người hoài cổ được sống lại với những ký ức về công nghệ của những thế kỷ trước, và nữa là loại tàu điện này được miễn phí đi trong tất cả các trạm, ga trong thành phố được gọi là City Circle Tram, tàu phục vụ người dân và du khách suốt ngày đêm. Với tàu điện cổ này ta có thể đi đến tất cả các điểm tham quan du lịch, các chợ, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm vui chơi giải trí…. Đi cả ngày lẫn đêm không phải mất tiền! Thành phố Melbourn được xếp đứng sau Sydney về dân số về sự phát triển nhưng cũng rất hoành tráng thậm chí có nhiều nét hiện đại hơn bỡi chính quyền thành phố đã cho phá bỏ một số công trình cũ để xây dựng những công trình mới  theo phong cách hiện đại và ở góc phố nào ta cũng có thể chộp được những tấm hình ưng ý.

Melbourn cũng có nhiều bảo tàng, tôi chọn vào thăm một bảo tàng đặc biệt mà tôi chưa gặp ở những đất nước mình đã từng qua: Bảo tàng Di Trú (Immigration museum). Thì ra đất nước Australia khởi đầu từ những  tù nhân người Anh bị đưa đi đày biệt xứ do viên Trung tá hải quân James cook nhà thám hiểm, nhà hàng hải của Hoàng gia Anh đã phát hiện ra vùng đất miền đông Úc và chỉ huy việc đưa tù nhân từ Anh đến đổ bộ lên đất liền lập các trại tù. Với nền văn minh Anh với phương tiện và vũ khí hiện đại, thổ dân ở đây đã không thể chống lại được, người Anh đã mở rộng các trại tù và thiết lập thuộc địa vào những năm cuối thế kỷ XVIII, Hoàng gia Anh đặt tên cho đảo là Australia từ đó. Với một vùng đất mới trù phú và nhiều mỏ như vàng, khoáng sản các loại… đã thu hút người Anh nhiều thế hệ đổ bộ tới Australia phát triển làm giàu, trước hết là người Anh, người Scotland, người ý và nhiều người châu Âu khác qua nhiều thế kỷ, họ mang kỹ nghệ và văn hóa nước Anh, châu Âu đến Úc. Rồi những người châu Á số đông là người Trung Quốc, người Trung Đông và hầu như tất cả các lục địa khác đều có người di trú đến Úc hình thành nên 6 vùng thuộc địa . Đến năm 1901, 6 nghị viện thuộc địa tự trị hợp nhất thành nước Australia với 6 bang như hiện nay. Từ đó đến nay nước Úc vẫn tiếp tục đón dân di trú khắp nơi trên thế giới. Dân di trú đến Úc với nhiều nguyên nhân: Đi tìm vùng đất mới để đầu tư khai thác, đói nghèo đi tìm đất sống; động đất, chiến tranh di tản tìm nơi bình yên; mâu thuẫn chính trị đi lánh nạn….. Họ đến Úc bằng những con tàu vượt sóng gió biển khơi được gọi là thuyền nhân và cả bằng máy bay, họ đi hợp pháp và bất hợp pháp, nói chung là đủ các kiểu đổ vào Australia, đến mức một họa sĩ đã vẽ một bức tranh những chiếc xe rùa chở đầy các loại người lúc nhúc đổ vào nước Úc  với câu cảnh báo bằng tiếng Anh, tạm dịch là “Hãy dừng lại việc đổ rác vào đây”, bức tranh đang được treo ở nơi trang trọng của bảo tàng. Ai cũng nghĩ thực tế đó làm sao tránh khỏi mâu thuẫn chủng tộc, mâu thuẫn văn hóa, làm sao tránh khỏi nhiều  tội phạm. Thế nhưng với một nền văn hóa vững vàng, một hệ thống luật pháp phù hợp và nghiêm minh, những người di trú đã cùng nhau xây dựng nên nước Úc luôn yên bình, tự do và phát triển thành một nước công nghiệp phồn thịnh, hiện đại, xã hội thân thiện, cởi mở đáng sống. Anh Dũng một Việt kiều tại úc, vừa là hướng dẫn viên du lịch vừa lái xe đưa chúng tôi đi tham quan, chấp hành luật giao thông nghiêm đến mức không một sơ xuất nhỏ! Có lần do khách đem theo nhiều valy chiếm mất đi một ghế cốp nên phải cho một cháu bé dưới 10 tuổi ngồi trong lòng người lớn. A nói “ở đây luật không cho phép bất cứ một người nào lên xe mà không có ghế và không có seat bell”. Tôi đùa “anh sợ cảnh sát?” anh trả lời “không, mà là sợ luật, mình làm theo luật, cảnh sát cũng làm theo luật chứ cảnh sát không có nhiều quyền để làm khác nên không có xin xỏ, không có thỏa thuận”. Có lẽ vậy nên ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành luật tạo nên một xã hội trật tự và tự giác. Australia theo thể chế Quân chủ Lập hiến, vua trước đây là Nữ Hoàng Elizabeth của Anh, nay là Charles III (Charles đệ tam) có tính biểu tượng về tinh thần, trong thực tế xã hội hoạt động theo chế độ dân chủ đại nghị, Thủ Tướng được dân bầu trực tiếp. Những ngày ở đây chúng tôi được nghe tin thủ Tướng Úc Anthony Albanese cầu hôn với người yêu nhân ngày Valentine. Xin chúc hạnh phúc cho ông bà và chia vui với người Úc. Vì xã hội đa văn hóa nên thực phẩm ở Úc cũng rất đa dạng, chế biến công nghiệp cũng có, thủ công cũng có, thức ăn Âu, thức ăn Á, Tàu, Ấn, thái, Indo….và cả các loại thuộc khẩu vị của vùng Trung Đông, châu Phi… Trên đường phố chúng tôi còn phát hiện ra “Obama ‘s Bún chả” với  hình Tổng Thống Obama ngồi uống bia bằng chai tại Hà Nội, trong lòng cảm thấy vui vì món ăn quê nhà đã theo hình ảnh Tổng Thống Mỹ sang tận Úc châu. Tôi tò mò: “Người Úc có ăn thịt Kangaroo không?” và đi tìm để thử nhưng các nhà hàng người Úc và nhiều nơi khác không có, chỉ có China restaurant (nhà hàng Trung Quốc) thì có thịt Kangaroo nướng xiên và Kangaroo xào với đậu.

Từ Melbourn đi về miền Nam nước Úc mất 3 tiếng đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc xuyên qua khu công nghiệp hiện đại ở ngoại thành rồi chạy dọc theo bờ Thái Bình Dương đi trên con đường có tên “Great Ocean Road” con đường dài 240km do 3.000 người cựu chiến binh của thời đệ nhất thế chiến xây dựng hoàn toàn bằng thủ công với cuốc xẻng, xe rùa, búa, đầm tay… vì thời đó chưa có thiết bị kỹ thuật làm đường hiện đại như bây giờ. Xe chạy qua khỏi thị trấn Apolo pay chúng ta bắt gặp một cái cổng gỗ đơn sơ ghi tên con đường để nhớ những cựu chiến binh thời xa xưa đã mở ra con đường này, đơn giản thôi nhưng du khách chen nhau chụp hình rất đông. Con đường chạy qua khu rừng quốc gia rồi xuyên qua giữa một bên là đồi núi chập chùng, một bên biển Thái Bình trùng trùng sóng vỗ, cảnh quan thật hùng vĩ! Đường quay về thì xe chạy theo cao tốc phía tây băng qua thảo nguyên mênh mông với những đàn bò, đàn cừu, đàn ngựa….đang ung dung gặm cỏ dưới những đám mây trắng lang thang trên bầu trời thảo nguyên xanh thẳm, cho ta cảm giác thanh bình của miền quê nước Úc.  Great Ocean Road dẫn về miền nam Úc để đến thắng cảnh “12 Tông đồ”, cũng là nơi gặp nhau của 2 đại dương là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tôi đứng im, lắng lòng nghe gió và sóng, nhìn về nơi gặp nhau của 2 biển lớn từ phía tây xuống và từ phía đông lên, để hiểu ra rằng triệu năm trước có lẽ thiên nhiên đã vậy! Điều thú vị là từ đây biển mở mãi về nam cực của địa cầu, không có lục địa bao quanh nên ngày xưa người ta công nhận chỉ có 4 biển mà thôi. Những câu nói quen thuộc như “Năm châu, bốn biển”, “Tứ hải giai huynh đệ”, “Anh đi bốn biển, năm châu…”… Nay đã có thay đổi khác  khi vào tháng 6/2021 các nhà khoa học thế giới và Mỹ đã thừa nhận có biển thứ 5 đó là Nam Đại Dương, từ nam Úc đi thẳng xuống ta gặp Nam Đại Dương một tên đại dương mới không bị các lục địa bao quanh mà biển bao quanh lục địa Nam Cực. Ở đây giữa mùa hè, bầu trời cao vọi, nắng hè rực rỡ nhưng gió thổi từ biển xa về khá lạnh cho ta cảm giác như gió mang theo hơi băng giá của Nam Cực địa cầu thổi về miền cực nam nước Úc.

Melbourn, một thành phố cảng, thủ phủ của bang Victoria qua các thế kỷ phát triển phồn thịnh và di trú ồ ạt, nay đã có 4,5 triệu người có gốc gác từ hàng trăm nước trên thế giới. Có lúc người ta gọi Melbourn là thành phố hào hoa và thịnh vượng, với thứ hạng cao về giáo dục, y tế, với mạng lưới giao thông tuyệt vời, cảnh quan đẹp, môi trường trong lành mát mẻ, xã hội cởi mở, thân thiện. Melbourn đã liên tục giữ vị trí quán quân về danh hiệu thành phố đáng sống của thế giới suốt 6 năm liền. Kết thúc chuyến đi, đứa cháu của tôi đang học lớp 7 trả lời câu hỏi “Con nhận ra điều gì?”. “Chúng con phải học giỏi để sau này nước mình cũng giàu đẹp như Australia!”.