Ngân vang đàn đá Khánh Sơn

ĐẶNG TUẤN  06:13, 01/02/2024

Bản sắc văn hóa dân tộc qua âm thanh huyền bí của đàn đá Khánh Sơn đã trở thành niềm kiêu hãnh không chỉ của người dân Raglai mà còn là tự hào của người dân cả nước. Được chạm khắc từ những tảng đá tự nhiên, mỗi tiếng đàn phát ra từ phiến đá không chỉ là những âm thanh, mà còn là hồi chuông của lịch sử, vang vọng những câu chuyện, truyền thuyết và niềm tin từ thời xa xưa. Sự công nhận bộ đá này là bảo vật quốc gia không chỉ là một bước ngoặt quan trọng trong việc giữ gìn và tôn vinh di sản văn hóa, mà còn mở ra một chương mới cho thế hệ tương lai trong việc hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống. 

Biểu diễn đàn đá
Biểu diễn đàn đá

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, phóng viên trở về vùng đất Khánh Sơn, nơi người đồng bào Raglai sinh sống lâu đời để thưởng thức những âm thanh của đàn đá. Ẩn mình giữa núi rừng huyền bí của Khánh Hòa, tọa lạc ở độ cao 800 m so với mặt biển xanh thẳm, nơi này không chỉ là điểm dừng chân của những người thích khám phá, “săn mây” mà còn là quê hương của những bí ẩn rộn rã âm thanh. Nổi tiếng nhất phải kể đến những phiến đá - “đá hát” trong truyền thuyết của người Raglai. Chúng không chỉ là những tảng đá bình thường mà còn ẩn chứa những giai điệu kỳ diệu, mà còn lời “thì thầm” bí mật của núi rừng qua từng âm thanh vang vọng, giống như những chiếc cồng trong âm nhạc cổ truyền.

Giới thiệu bộ đàn đá Khánh Sơn
Giới thiệu bộ đàn đá Khánh Sơn

Ông Bo Bo Hùng - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn, chia sẻ: “Tôi cũng người con dân tộc Raglai, từ lúc nhỏ đã rất thích chơi các nhạc cụ như mã la, đàn chapi, kèn bầu rồi đến đàn đá. Bộ đàn đá có ý nghĩa rất lớn trong đời sống văn hóa của người đồng bào chúng tôi nên việc giữ gìn và phát huy rất được chính quyền địa phương cũng như cộng đồng coi trọng. Khi bộ đàn đá Khánh Sơn được vinh danh là báu vật quốc gia, niềm vui và tự hào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Raglai. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là sự công nhận cho một hiện vật văn hóa, mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh cho bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc mình. Đàn đá không chỉ là nhạc cụ, nó còn là biểu tượng cho tinh thần, trí tuệ và sự sáng tạo của ông cha họ, được lưu truyền qua nhiều thế hệ”. 

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khánh Hòa cho biết:  “Hai bộ đàn đá đầu tiên được tìm thấy ở tỉnh Khánh Hòa có giá trị lớn, vượt trội so với những bộ đàn đá khác đang lưu hành. Chỉ có hai bộ đàn đá Khánh Sơn mới thực hiện được chủ ý của con người. Đã gọi là đàn thì phải thực hiện được giai điệu chủ ý của con người. Không thực hiện được những giai điệu âm thanh réo rắt thì đó chỉ là những hiện vật mang giá trị trưng bày mà thôi”.

Hai bộ đàn đá Khánh Sơn nêu trên được gia đình ông Bo Bo Ren, dân tộc Raglai ở thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa phát hiện, chôn giấu, cất giữ nhiều năm qua. Sau ngày quê hương giải phóng, ông Bo Bo Ren đã bàn giao 2 bộ đàn đá này cho chính quyền địa phương và phối hợp tìm kiếm đủ 12 thanh trong 2 bộ đàn đó. Đây là 2 bộ đàn đá có niên đại hàng ngàn năm, là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 18/1/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) cho 29 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó có bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn, có niên đại khoảng 2.500-3.000 năm.

Có thể khẳng định những giá trị lịch sử của đàn đá Khánh Sơn. Trên những thanh đá của bộ đàn đá Khánh Sơn, các nhà khoa học đã tìm thấy những dấu vết rất “đặc trưng” chứng tỏ được lưu truyền, tồn tại qua hàng nghìn năm. 

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh, chỉ có bộ đàn Khánh Sơn mới có thể thể hiện được một số yếu tố đặc trưng của con người và văn hóa địa phương. Dù có một giai đoạn trầm lắng do biến động lịch sử và kinh tế, nhưng gần đây, nhờ sự quan tâm của tỉnh, bộ đàn đá đã được trở về Bảo tàng Khánh Hòa và được xem xét công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, huyện Khánh Sơn đã chú trọng đến việc đào tạo cho thế hệ trẻ, mở lớp học cho các em học sinh từ cấp 1 đến cấp 2.

Tác giả trò chuyện với già làng tại Khánh Sơn
Tác giả trò chuyện với già làng tại Khánh Sơn

Anh Phan Hữu Quân, một người thợ trẻ chuyên chế tác nhạc cụ bằng đá cho biết, tất cả các loại đá được sử dụng để tạo ra những nhạc cụ này đều được lấy từ núi ở huyện Khánh Sơn. Những viên đá này được tìm thấy và vận chuyển bởi dân bản địa của khu vực này. Qua đôi bàn tay khéo léo của các thợ chế tác, những viên đá được chạm khắc tỉ mỉ và điều chỉnh âm thanh, biến chúng thành các tấm đàn đá, mỗi cái tạo ra âm thanh độc đáo khác nhau. Quy trình “sản xuất” là sự kết hợp tuyệt vời giữa vật liệu tự nhiên và kỹ năng thủ công, tạo ra những nhạc cụ không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn độc đáo về mặt âm thanh. 

Trong khi đó, ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: Sau khi được Chính phủ công nhận bộ đàn đá Khánh Sơn là bảo vật quốc gia,  bà con Nhân dân trong vùng rất vui mừng đón nhận niềm vui này. Sau 40 năm bộ đàn đá đã trở về nơi được sinh ra và được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là một giá trị văn hóa tốt đẹp, giá trị tâm linh của người dân, đặc biệt là việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Raglai tại vùng đất Nam Trung Bộ - Tây Nguyên. Xưa kia, đàn đá dùng để xua đuổi muông thú và còn là nhac cụ được dùng trong các lễ hội văn hóa của người đồng bào Raglai. Thời gian qua, huyện đã mở được 2 lớp học đàn với khoảng 120 em, đến nay các em đều chơi được đàn đá rất thuần thục. Từ đây các em tiếp tục phát huy nét đẹp văn hóa. Đặc biệt, huyện mong muốn tiến xa hơn nữa là có Festival đàn đá, nhằm giao lưu các các bộ đàn đá với nhau giữa các huyện, thị trên toàn quốc.