Mở hướng tiêu thụ sầu riêng quanh năm nhờ áp dụng công nghệ chế biến

05:06, 21/06/2021

Bên cạnh việc bán trái tươi cho các thương lái, nhiều nông dân ở Đạ Huoai đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị để mạnh dạn tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng - đó là sản phẩm sầu riêng đông lạnh đóng hộp có giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh việc bán trái tươi cho các thương lái, nhiều nông dân ở Đạ Huoai đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị để mạnh dạn tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng - đó là sản phẩm sầu riêng đông lạnh đóng hộp có giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định.
 
Sầu riêng cấp đông phải đảm bảo chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn VietGAP
Sầu riêng cấp đông phải đảm bảo chất lượng đầu vào theo tiêu chuẩn VietGAP
 
Đạ Huoai được xem là thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng, đây là loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Theo thống kê, trên địa bàn huyện có trên 3.700 ha sầu riêng, diện tích cho thu hoạch là 2.062 ha, năng suất bình quân đạt gần 12 tấn/ha, với sản lượng cung cấp ra thị trường hơn 24.500 tấn. 
 
Việc cấp đông nhanh sầu riêng theo quy trình khép kín nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm đã giúp ông Phan Văn Dược (thôn Phước Trung, xã Phước Lộc) thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Ông Dược kể, sầu riêng chỉ có một mùa trong năm nhưng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng lại quanh năm, thế là ông nghĩ tới việc tách múi và cấp đông sản phẩm để cung ứng thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng vừa nâng cao giá trị trái sầu riêng. 
 
Ông Dược đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông sản Đạ Huoai với thương hiệu sầu riêng Minh Hoàng Khôi, liên kết với nông dân thu mua sản phẩm để sản xuất sầu riêng cấp đông. Khi sầu riêng đã già khoảng 9 tuổi sẽ tiến hành thu hoạch rồi đưa về xưởng để vệ sinh bên ngoài. Toàn bộ được rửa bằng áp lực của vô số các vòi nước. Sau đó, những quả sầu riêng này được phân loại và đưa vào những lồng sắt ủ để khoảng 5 - 6 ngày là chín. Tiếp theo, những quả sầu riêng đạt chuẩn được đưa đến phòng bóc tách, lấy múi rồi sơ chế, đưa vào kho lạnh cấp đông làm cứng phần thịt trên múi sầu riêng. Cuối cùng, là đưa ra đóng gói vào những bao bì có trọng lượng 0,5 kg rồi chuyển lại vào kho đông lạnh ở nhiệt độ -20 độ C chờ đưa ra thị trường.
 
Ông Dược cho biết, hiện tại mỗi năm cơ sở cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn múi cấp đông/120 tấn trái. Sản phẩm khi được làm ra sẽ không phụ thuộc vào thương lái, không phụ thuộc vào mùa vụ mà giá cả vẫn ổn định quanh năm. Cơ sở của ông Dược có 2 kho trữ, 2 kho cấp đông, sản phẩm chủ yếu được xuất bán ở thị trường Hà Nội cho các cửa hàng bán lẻ và hệ thống siêu thị Vinmart trong cả nước. Để mở rộng quy mô sản xuất, cơ sở Minh Hoàng Khôi được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất chế biến Vina Sầu Riêng.
 
Tương tự năm 2021, từ nguồn vốn khuyến công 250 triệu đồng, ông Lưu Đắc Tuệ - hộ kinh doanh nông trại Madagui (Tổ dân phố 7, thị trấn Madagui) cũng đã đối ứng đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và kho lạnh để làm sầu riêng cấp đông. Tháng 6 năm nay sẽ cho ra 20 tấn thành phẩm tương ứng với 80 tấn trái. 
 
Theo ông Lưu Đắc Tuệ thì sầu riêng cấp đông hiện không chỉ trở thành một sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng mà nó còn là cách bảo quản sầu riêng khi đi xa hoặc bảo quản sau thu hoạch. 
 
Chất lượng sầu riêng chín tự nhiên được bóc múi và mang đi cấp đông luôn được công ty kiểm soát 100%, đạt tiêu chuẩn và chất lượng VietGAP, được chứng nhận là sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, ông Tuệ có rất nhiều đối tác khách hàng muốn đặt hàng để mua sản phẩm cấp đông nhưng công suất và giá nguyên liệu đầu vào hơi cao nên ông chưa tiếp nhận những đơn hàng này. 
 
Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết, sau khi triển khai công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu, huyện Đạ Huoai đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” đối với 397 hộ nông dân của các hợp tác xã và tổ hợp tác với diện tích 507,7 ha trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm sầu riêng được dán tem mang nhãn hiệu chứng nhận đã từng bước được thị trường và người tiêu dùng đón nhận. Để nâng cao giá trị cho sản phẩm sầu riêng, nhiều nông hộ đã mạnh dạn tìm hướng đi mới cho trái sầu riêng như cơ sở Minh Hoàng Khôi, hộ kinh doanh Nông trại Madagui... với sản phẩm sầu riêng đông lạnh đóng hộp có giá bán và thị trường tiêu thụ ổn định. Hằng năm những cơ sở này đã thu mua sản phẩm của bà con và chế biến thành những sản phẩm cao cấp hơn dự trữ để cung cấp thị trường như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
 
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích nông hộ, HTX, doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chế biến sâu sầu riêng, trước mắt sẽ hỗ trợ bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép từ nhiều chương trình để thực hiện chuỗi giá trị sản xuất sầu riêng. Khi các cơ sở này đi vào hoạt động sẽ nâng cao giá trị cây sầu riêng của Đạ Huoai trong tương lai.
 
HOÀNG YÊN