Đạ Long nỗ lực xóa bỏ hủ tục thách cưới

06:03, 01/03/2021

Đưa những vấn đề trọng tâm vào nghị quyết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và tập trung thực hiện trong cả hệ thống chính trị là giải pháp mà nhiều địa phương thực hiện...

Đưa những vấn đề trọng tâm vào nghị quyết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và tập trung thực hiện trong cả hệ thống chính trị là giải pháp mà nhiều địa phương thực hiện. Tại xã Đạ Long - địa phương khó khăn nhất ở huyện Đam Rông, không chỉ các vấn đề về kinh tế mà việc đẩy lùi hủ tục cũng được xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để quyết tâm thực hiện.
 
Giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp và đẩy lùi hủ tục là một trong những nội dung được tập trung thực hiện ở Đạ Long
Giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp và đẩy lùi hủ tục là một trong những nội dung được tập trung thực hiện ở Đạ Long
 
Xã Đạ Long là địa bàn có trên 95% đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Suốt nhiều năm qua, cùng với việc xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, địa phương này cũng tiến hành nhiều giải pháp nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và đẩy lùi những hủ tục trong đời sống của bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn. 
 
Bên cạnh những phong tục truyền thống tốt đẹp đã trở thành những nét văn hóa đặc sắc, thì nhiều hủ tục vẫn còn dai dẳng đeo bám, không chỉ cản trở nếp sống văn minh mà còn là những nguyên nhân khiến nhiều gia đình lâm vào túng quẫn. Có thể kể đến tục thách cưới mang tính bắt buộc, hôn nhân cận huyết thống, tục nối dây, tục nhà vợ trả rể khi vợ chết, tục nhà chồng đòi của khi chồng chết, ly hôn theo phong tục... vẫn còn tồn tại, ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, gây nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người tại địa phương. Để từng bước đẩy lùi hủ tục, xã Đạ Long đã xây dựng từng nghị quyết chuyên đề với nội dung cụ thể để tập trung thực hiện.
 
Ông Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long cho biết: “Đối với xã nghèo như Đạ Long, việc tập trung phát triển kinh tế là điều quan trọng hàng đầu. Nhưng song song với đó việc tạo nền tảng văn hóa xã hội tốt đẹp là yếu tố quyết định cho sự phát triển. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2021, địa phương đã thống nhất xây dựng và bắt tay thực hiện nghị quyết chuyên đề về đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân tại địa phương từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Cũng theo lý giải của vị lãnh đạo địa phương này, các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên với chế độ mẫu hệ, nếu thách cưới chỉ dừng lại như là sính lễ để thể hiện sự tri ân, thành kính đối với công sinh thành của bố mẹ người con trai thì sẽ là nét văn hóa tốt đẹp. Tuy nhiên, càng ngày nó càng trở nên biến tướng trở thành công cụ để sinh lời và làm gánh nặng cho đôi trẻ. Mục đích cuối cùng của hôn nhân là hạnh phúc, nhưng vì tục thách cưới biến tướng mà hôn nhân đi liền với áp lực, nợ nần. Có không ít gia đình ở Đạ Long bán trâu, bò; vay ngân hàng; cầm cố nhà cửa, ruộng đất; vay nợ bên ngoài để con gái của họ... có một tấm chồng. Những tư liệu sản xuất cơ bản nhất dần mất đi khi mà những món nợ nần thêm dai dẳng. Chính các hủ tục đã làm cho sự nghèo túng mãi mãi đeo bám trên những mái nhà, những buôn làng.
 
Nghị quyết đẩy lùi, xóa bỏ các hủ tục trong hôn nhân tại địa phương từ nay đến năm 2025 xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến việc vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục nói chung và tệ thách cưới nói riêng ở Đạ Long. Ngoài điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, địa phương này cũng đã xác định việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt chưa nhận thức được tác hại, hệ lụy của việc duy trì tục thách cưới, tục nối dây, hôn nhân cận huyết thống là hủ tục cần được xóa bỏ, vẫn coi đây là phong tục, tập quán lâu đời của ông, cha truyền lại. Bởi vậy bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động như giải pháp xương sống trong thực hiện nghị quyết, Đảng ủy xã Đạ Long tập trung vào việc đi đầu, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt. 
 
Ngay sau khi nghị quyết ban hành, 100% các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, người đứng đầu Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể xã, cấp ủy viên các chi bộ trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại địa phương cam kết thực hiện và gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và quần chúng nhân dân không thực hiện các hủ tục trong hôn nhân tại địa phương. Đảng ủy xã Đạ Long đã thể hiện rõ quyết tâm thực hiện việc đẩy lùi hủ tục này thông qua việc quy định rõ trong nội dung nghị quyết về việc: Không xếp loại tổ chức đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nếu ở đơn vị, thôn mình để gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện hủ tục trong hôn nhân. Không xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên nếu bản thân không thực hiện, hoặc thiếu tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và người thân không thực hiện các hủ tục trong hôn nhân. Không đưa vào quy hoạch, không giới thiệu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhiệm kỳ mới đối với những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không gương mẫu trong thực hiện, không tích cực tuyên truyền, vận động gia đình, người thân không thực hiện các hủ tục trong hôn nhân tại địa phương...
 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền trong giờ giáo dục công dân, tại cấp học THCS để làm thay đổi nhận thức từ thế hệ tương lai của địa phương này.
 
Hôn nhân là một khía cạnh của đời sống, đó được xem như điểm khởi đầu. Một gia đình - một tế bào của xã hội cần được xây dựng trên nền tảng tiến bộ, hạnh phúc mới hy vọng mang lại những đổi thay về kinh tế. Ngược lại, nếu tế bào ấy được xây dựng trên nợ nần, thì sẽ kéo theo hệ lụy là những tháng ngày miệt mài trả nợ và luẩn quẩn trong cái nghèo. Nghị quyết chuyên đề đã được đẩy mạnh thực hiện ở Đạ Long. Đó có thể là tín hiệu cho sự bắt đầu những chuyển động đổi thay cho mảnh đất này. 
 
HOÀNG MY