Hạt cà phê của những người phụ nữ K'Ho

06:01, 21/01/2021

Sản phẩm cà phê được cải tạo, vun trồng và chế biến bởi đôi tay gầy guộc của những người phụ nữ K'Ho ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh.

Sản phẩm cà phê được cải tạo, vun trồng và chế biến bởi đôi tay gầy guộc của những người phụ nữ K'Ho ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh.
 
Hái chín, lựa quả xanh, phơi giàn... là cách làm hoàn toàn khác biệt ở xã vùng sâu này của huyện Di Linh
Hái chín, lựa quả xanh, phơi giàn... là cách làm hoàn toàn khác biệt ở xã vùng sâu này của huyện Di Linh
 
Khi chúng tôi gọi là nhóm phụ nữ khởi nghiệp ở độ tuổi 40 tuổi, các chị cười và nói rằng mình không dám nhận. Các chị giải thích, Oh Mi Koho Coffee đơn giản là cà phê của những người anh em K’Ho. Họ muốn đem những hạt cà phê ngon nhất do chính tay mình làm ra gửi tới mọi người.
 
Dẫn chúng tôi đi một vòng trong Thôn 1b, chỉ vào lượng cà phê mốc trắng trên bạt vì lâu ngày không được phơi nắng, chị Nròng Hương - Trưởng nhóm bảo rằng đó là cách làm mà từ trước đến nay, đại đa số người dân vẫn đang áp dụng. Nhưng làm như vậy là phí phạm, làm mất đi vị ngon và giá trị vốn có của hạt cà phê. Cũng từ đó mà chị quyết tâm để mình và những người phụ nữ trong nhóm làm ra những hạt cà phê thơm ngon, chất lượng hơn.
 
Chị Hương là người có cơ hội đến nhiều vùng đất mới, tham quan nhiều mô hình hay và khi nhìn lại quê hương mình, chị thấy cần phải thay đổi, không nên để phụ nữ phải lệ thuộc quá nhiều vào thói quen trong sản xuất hằng ngày. Nhiều người vì chạy theo năng suất mà bất chấp những nguy hại có thể đến từ việc sử dụng phân bón, thuốc hóa học quá nhiều liên quan đến sức khỏe.
 
Cặm cụi, cẩn thận lựa từng hạt cà phê xanh trên giàn, chị Nròng Hương chậm rãi kể về quá trình tổ phụ nữ bắt tay vào làm cà phê rang xay theo tiểu chuẩn sạch, hữu cơ. Hai dòng sản phẩm chính mà các chị đang làm, một là cà phê hữu cơ, không sử dụng phân, thuốc hóa học, hai là cà phê để cỏ, hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 
 
Lười làm, không biết cách canh tác... khi thấy để cỏ mọc cao trong vườn là những lời dè bỉu mà các chị thường xuyên phải nghe từ bên ngoài. “Nó ít nhiều cũng tác động đến các chị em khiến họ có những phút giây nản lòng. Nhưng ngay từ lúc bắt đầu, mình đã học cách chấp nhận việc năng suất sụt giảm, công sức mình bỏ ra nhiều hơn, phải tỉ mỉ hơn nhưng hầu như đến giờ ai cũng hài lòng”, chị Nròng Hương cho hay.
 
Những người nông dân sản xuất sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá nhiều dẫn đến việc liên tục phải mắc nợ các đại lý theo hình thức trả bằng cà phê hoặc trả sau mùa vụ luôn là cái vòng luẩn quẩn mà nhiều nông dân mắc phải, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, dường như họ không có lựa chọn nào khác, bởi muốn thay đổi không chỉ cần can đảm mà còn cần cả tiền bạc và thời gian nữa.
 
Được chị Hương thuyết phục, chị Ka Thể (Thôn 1b) thay đổi cách làm đại trà như những gì người dân trong thôn, trong làng mình vẫn làm từ trước đến nay. Bón phân, xịt thuốc, cuốc cỏ, cào bồn... những công việc tưởng như cứ phải lặp lại hằng năm nay được hạn chế. “Mình mua phân chuồng để ủ, chỉ bón thêm các loại phân bón cần thiết theo hướng dẫn. Chồng mình ban đầu cũng phản đối vì thấy mỗi lần thu hái, sơ chế mất rất nhiều thời gian, nhưng chính việc không phải đeo từng bình thuốc nặng đi xịt trong vườn, tránh tiếp xúc với chất hóa học độc hại đã giúp ông ấy có cái nhìn khác, dần dần ủng hộ cách làm này”, chị Ka Thể chia sẻ. 
 
Hiện nay, ở Thôn 1b và 5b, nhóm đã nâng tổng số thành viên làm cà phê theo tiêu chuẩn sạch lên trên 20 người. Các chị cũng tổ chức đi tham quan các mô hình trồng cà phê bền vững ở Bảo Lộc, Bảo Lâm học cách cải tạo vườn, đồng thời học cách sử dụng phân bón sao cho vừa tiết kiệm, vừa khoa học lại hiệu quả hơn. Dẫu sản phẩm hiện tại của họ chưa nhiều, nhưng hầu như khi kể về việc mình làm cà phê, ai nấy đều mang một niềm tự hào. 
 
Làm nông nghiệp không hóa chất, các chị chấp nhận năng suất cà phê sụt giảm và cố gắng tìm thị trường tiêu thụ bởi giá cao hơn các loại sản phẩm thông thường. Vậy nên, nếu không có quyết tâm, chắc hẳn rất khó có thể khiến những người phụ nữ chân quê kiên trì với lựa chọn của mình. Chỉ khi có được chỗ đứng, được thị trường chấp nhận thì họ mới có thể mở rộng sản xuất, mở rộng diện tích, lan tỏa hình thức canh tác theo hướng hữu cơ, mang lại nguồn thu nhập ổn định mà không lo “được mùa mất giá” và quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe, đồng thời góp phần cải tạo nguồn đất, bảo vệ môi trường. 
 
“Điều mà nhóm trăn trở là chưa có cơ sở để chứng minh nguồn gốc, quá trình làm hữu cơ của mình. Tụi mình sẽ cố gắng học để có thể được cấp chứng nhận hữu cơ, từ đó khẳng định đúng giá trị sản phẩm của mình”, chị Nròng Hương chia sẻ.
 
HỒNG THẮM