Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường

05:01, 09/01/2020

Một trong các nhiệm vụ chính của Hội Phụ nữ là vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động nổi bật năm 2019.

Một trong các nhiệm vụ chính của Hội Phụ nữ là vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường là một trong những hoạt động nổi bật năm 2019.
 
Giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ Di Linh. Ảnh: A.Nhiên
Giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của hội viên phụ nữ Di Linh. Ảnh: A.Nhiên
 
Vận động phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế tập thể như tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã (HTX)... theo chuỗi giá trị, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn; vận động hội viên phụ nữ không sử dụng chất cấm trong sản xuất chăn nuôi, không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực như: HTX nuôi trùn quế (Đơn Dương); HTX dịch vụ mua bán rau củ quả Yến Vân (Đà Lạt) và 17 tổ hợp tác: Tổ hợp tác “Bánh Huế” (Đạ Tẻh ); Tổ hợp tác “Trồng dâu nuôi tằm” (Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lộc), Tổ hợp tác may công nghiệp (Bảo Lộc); Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản (Cát Tiên); Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp (Đam Rông); Tổ hợp tác đổi công bắt tằm cho vay dâu và hùn vốn tại xã Quốc Oai (Đạ Tẻh)...
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh, bền vững, Hội tiếp tục tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ toàn tỉnh là trên 1.232 tỷ đồng với 35.670 hộ vay/911 tổ, nợ quá hạn 2.373 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,19 %). Tiếp tục thu hồi và giải ngân Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo với dư nợ trên 5 tỷ đồng có 935 thành viên tham gia vay vốn; duy trì hoạt động Quỹ quay vòng vệ sinh với dư nợ 2,4 tỷ đồng cho 338 thành viên vay. 
 
Thực hiện hướng dẫn liên ngành về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ, đến nay tổng dư nợ vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 282,413 triệu đồng, 2.214 hộ hội viên phụ nữ vay thuộc 86 tổ tại 5 huyện Di Linh, Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông.
 
Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì thông qua các hoạt động giúp nhau về tiền, ngày công, cây con giống, thành lập các tổ hợp tác trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm an toàn. Trong năm, các cấp Hội tiếp tục vận động hội viên tham gia xây dựng các mô hình tổ tiết kiệm, tổ hùn vốn, tổ quay vòng vốn tại 1.562/1.562 chi hội để giúp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
 
Phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp hội viên phụ nữ ứng dụng các kiến thức, kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất. Qua đó, từng bước thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cắt may, nấu ăn, nuôi heo đen, trồng dâu nuôi tằm... cho 5.014 chị hội viên, phụ nữ; vận động 1.464 hội viên, phụ nữ tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm, có 32 chị tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Ả Rập Xê Út.
 
Thực hiện Đề án 712 “Thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 - 2020”, Hội LHPN tỉnh đã phân công cán bộ dự tập huấn do Trung ương Hội tổ chức; chọn huyện Lạc Dương, Đức Trọng và thành phố Đà Lạt làm điểm, tổ chức tập huấn truyền thông trực tiếp tại 6 xã điểm có 700 hội viên phụ nữ tham gia. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường mở lớp tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường trong sản xuất, chăn nuôi và giảm thiểu sử dụng, phát thải các sản phẩm nhựa và nilon cho 100 cán bộ, hội viên phụ nữ tại huyện Lạc Dương và Đức Trọng. Qua hoạt động đề án, các chị được quán triệt, hướng dẫn những kiến thức cơ bản về thu gom, xử lý bao bì hóa chất thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chăn nuôi, cách phân loại và xử lý rác thải, các giải pháp bảo vệ môi trường, các chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa bàn khu dân cư. 
 
Hội Phụ nữ 12/12 huyện, thành phố tổ chức phát động, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện chống rác thải nhựa bằng các việc làm cụ thể như: tuyên truyền hội viên hạn chế sử dụng túi nilon, thay thế túi nilon bằng túi vải (Đà Lạt), xây dựng mô hình “Phụ nữ chung tay giải quyết rác thải nhựa, sử dụng túi nilon tự hủy sinh học trên địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ và xã Lạc Lâm (Đơn Dương); mô hình “Phụ nữ đi chợ bằng gùi và giỏ” (Lạc Dương); “Đi chợ bằng làn, bằng túi thân thiện môi trường” (Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên); tuyên truyền hội viên phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và các sản phẩm nhựa dùng một lần thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường; mô hình nuôi trùn quế, phân loại rác thải (Bảo Lộc). 
 
Tiếp tục nhiệm vụ năm 2010, Hội xác định một số chỉ tiêu phấn đấu trong hoạt động bảo vệ môi trường như: 100% huyện, thành phố và cơ sở Hội đăng ký công trình phần việc tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Giúp thêm được ít nhất 2 hộ gia đình/cơ sở Hội đạt các tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần tăng thêm 10 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, 2 huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên đạt chuẩn nông thôn mới. Tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia hạn chế sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình sản xuất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Mỗi cơ sở Hội xây dựng, duy trì (hoặc tham gia, phối hợp) thực hiện ít nhất 1 hoạt động hoặc mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm thải ra môi trường hoặc mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
AN NHIÊN