Mảnh đạn trên lưng và sự tận tâm với nghề

06:11, 07/11/2019

Mảnh đạn vẫn nằm trên lưng khi ông trở về từ chiến trường Campuchia. Vết thương ấy sẽ chẳng bao giờ lành kể cả khi được lấy nó ra, bởi đó là chứng tích hy sinh, là khát vọng và nhiệt huyết của một thời trai trẻ mà Đại tá Nguyễn Xuân Huy đã mang trên mình. 

Mảnh đạn vẫn nằm trên lưng khi ông trở về từ chiến trường Campuchia. Vết thương ấy sẽ chẳng bao giờ lành kể cả khi được lấy nó ra, bởi đó là chứng tích hy sinh, là khát vọng và nhiệt huyết của một thời trai trẻ mà Đại tá Nguyễn Xuân Huy đã mang trên mình. 
 
Đại tá Nguyễn Xuân Huy - Giảng viên Khoa Pháo binh. Ảnh: T.Linh
Đại tá Nguyễn Xuân Huy - Giảng viên Khoa Pháo binh. Ảnh: T.Linh
 
Mang theo chứng tích của chiến tranh bên mình suốt 22 năm đứng trên bục giảng, những cơn ho cũng kéo dài hơn bởi quy luật của thời gian nhưng chưa bao giờ sự say mê vơi cạn trong ông. Sự tận tâm với nghề, hay đúng hơn là tình yêu với màu áo lính đã giúp ông luôn đón nhận được cái nhìn trân trọng và đầy yêu thương từ đồng đội của mình. 
 
Hỏi sao ông không lấy mảnh đạn ấy ra? Đại tá Nguyễn Xuân Huy - Giảng viên Khoa Pháo binh, Học viện Lục quân phá lên cười bởi ông không muốn “lợn lành thành lợn què”. “Bác sĩ kêu muốn lấy mảnh đạn ra phải cắt một phần xương sườn và phổi thì mới lấy ra được, nên mình chọn cách sống chung với nó, chắc cũng không đến nỗi nghiêm trọng”, ông hồn nhiên chia sẻ!
 
Được khoác lên mình màu áo xanh của bộ đội là ước mơ từ nhỏ của ông. Thế nên sau khi tốt nghiệp phổ thông và chẳng cần đợi kết quả của kỳ thi đại học, ông đã đăng kí nhập ngũ. Hết hai năm nghĩa vụ ông được cử đi học sĩ quan pháo binh, ra trường ông được điều về Quân khu 9 và sang Campuchia chiến đấu. Hơn một năm rưỡi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn, ông trở về Việt Nam với mảnh đạn trên lưng khi vừa tròn 24 tuổi. Năm 1994, ông học tập tại Học viện Lục quân, hết khóa học, năm 1997 ông được trường giữ lại và công tác từ đó đến nay khi chỉ còn 1 năm nữa là nghỉ hưu. Ông nói, bản vắn tắt hồ sơ lý lịch và cuộc đời của tôi chỉ đơn giản và ngắn gọn vậy thôi.
 
Gắn bó cả cuộc đời với binh nghiệp, những người như ông vốn thường không muốn nói nhiều về mình. Dẫu không có nhiều ngã rẽ nhưng những năm tháng làm thầy của ông lại không thiếu những chương hồi về sự tôn vinh, về sự tự hào và cả những trăn trở, đau đáu với nghề dù đã ở cái tuổi sắp về hưu.
 
Giống như đặc thù của pháo binh. Vốn là một binh chủng kỹ thuật nhưng có cả nghệ thuật sử dụng pháo binh, con người của Đại tá Nguyễn Xuân Huy có cả chất thép, sự cương trực của người lính, nhưng đồng thời trong ông cũng có sự linh hoạt, nhạy bén và hơn hết là sự đam mê, nhất là mỗi lần ông đứng lớp để truyền đạt kiến thức.
 
Đồng đội trong đơn vị của ông thường trêu đùa, ông Huy phải đóng thêm tủ, thêm giá sách mới đủ chỗ để chứa hết bằng khen, giấy khen. Rất khó để liệt kê hết những danh hiệu ông đã đạt được sau gần 42 năm tuổi quân và 22 năm tuổi nghề. Chỉ biết rằng, gần đây nhất trong phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2014 - 2019, thì đã có 4 năm ông là Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) cấp cơ sở. Là 1 trong 5 gương mặt của Quân đội được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc; Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu CSTĐ toàn quân; 5 bằng khen của Bộ Quốc phòng; 1 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao đồng - Thương binh và Xã hội.  Thêm vào đó, trong nghề của mình ông cũng đã 10 lần được công nhận là Giáo viên dạy giỏi tại đơn vị và 2 lần là Nhà giáo giỏi cấp Bộ.
 
Ông chia sẻ “việc nâng cao trình độ, năng lực toàn diện là trách nhiệm, quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của bản thân. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nghiên cứu khoa học, tôi đã tích cực, chủ động trong biên soạn bài giảng, bài tập, xây dựng, sửa chữa tưởng định. Thường xuyên học hỏi, nắm vững mục đích, yêu cầu nội dung của bài giảng, từ đó đề ra biện pháp đổi mới phương pháp giảng dạy. Bên cạnh việc nắm vững các nội dung, hình thức chiến thuật của bộ môn mình giảng dạy, tôi còn nghiên cứu, học hỏi các hình thức chiến thuật của bộ môn khác trong khoa”. Có lẽ chính vì điều đó, nên ông là một trong số ít giảng viên của cả Học viện Lục quân có thể đảm nhiệm tất cả các bài giảng, bài tập của bộ môn khác trong khoa.
 
Không chỉ đơn thuần đứng lớp, trong suốt sự nghiệp của mình, ông còn tham gia biên soạn hàng chục giáo trình, tài liệu, chuyên đề cấp bộ, cấp Học viện cũng như cấp Khoa. Các giáo trình, tài liệu, chuyên đề đều được đánh giá có chất lượng tốt, hàm lượng khoa học cao và được đưa vào phát hành, huấn luyện ở các học viện, nhà trường trong toàn quân.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2019, ngoài các tài liệu chuyên đề cấp Học viện và Khoa, ông còn trực tiếp tham gia biên soạn 1 giáo trình, 1 báo cáo khoa học cấp Bộ. Ngoài việc biên soạn tài liệu, giáo trình, đề tài để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; trao đổi về lý luận nghệ thuật quân sự và kinh nghiệm thực tiễn trong giảng dạy, ông còn tham gia viết bài trên Tạp chí Chiến thuật - Chiến dịch Học viện Lục quân và Tạp chí Thông tin Khoa học Quân sự Pháo binh. Các bài báo này đã góp phần vào việc nghiên cứu, vận dụng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Học viện.
 
Người sĩ quan ấy đã cống hiến thanh xuân của mình trong những ngày tháng tươi đẹp nhất ở chiến trường Campuchia. Phần đời còn lại là những tháng ngày không ngơi nghỉ học tập và say mê truyền đạt kiến thức khoa học quân sự. Tình yêu với màu áo xanh của lính có lẽ là đam mê duy nhất để ông vượt qua mọi thử thách.
 
TUẤN LINH