Mưu sinh từ... đá

10:04, 11/04/2017

Mờ sáng, những ngôi nhà của nhóm thợ làm nghề chẻ đá ở thôn Bắc Hội (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) đã đỏ lửa. Cơm nước đâu vào đấy, cả nhóm lên đường làm công việc chẻ đá… đổi cơm.

Mờ sáng, những ngôi nhà của nhóm thợ làm nghề chẻ đá ở thôn Bắc Hội (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) đã đỏ lửa. Cơm nước đâu vào đấy, cả nhóm lên đường làm công việc chẻ đá… đổi cơm.
 
Thợ chẻ đá ở Hiệp Thạnh dầm mưa dãi nắng để mưu sinh. Ảnh: Đ.Tú
Thợ chẻ đá ở Hiệp Thạnh dầm mưa dãi nắng để mưu sinh. Ảnh: Đ.Tú
Ông Nguyễn Hồng Quân (1960) là một thợ chẻ đá có thâm niên trên hai mươi năm. Đôi tay chắc nịch, thân thể cường tráng, làn da rám nắng là điểm nổi bật ở người đàn ông ngoài ngũ tuần này.
 
Ông Quân cười hiền khô: “Nghề này vất vả lắm, ruộng vườn ít thì bắt buộc mình phải kiếm một cái nghề để mưu sinh thôi. Người nghề này, kẻ việc khác, chúng tôi đến với đá, sống với đá, chết với đá như một niềm duyên. Ở đây cũng có nhiều nhóm thợ lắm, có nhóm làm ở địa phương, nhóm xuôi về các huyện phía Nam của tỉnh để làm việc”.
 
Hiện nay, các công trình xây dựng ngày càng chuộng đá chẻ, nên nghề chẻ đá vì thế cũng trở nên sôi động. Sản phẩm đá chẻ chủ yếu là hai loại: đá hộc và đá thước. Đá thước đôi thông thường có kích thước dài 30 cm, rộng 20 cm, dày cỡ 10 cm và đá thước đơn với kích thước bằng một nửa đá đôi, loại này chủ yếu phục vụ để xây dựng nhà ở và các công trình kiến trúc khác nhau như tường rào, lăng mộ. Loại đá này bán ra thị trường có giá từ 12 ngàn đến 15 ngàn đồng/viên. Còn đá hộc là loại đá cong vênh hoặc bị vỡ trong quá trình chế tác, chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng như làm móng nhà, lát đê kè, làm rọ đá… được bán theo khối với giá rẻ hơn.
 
Nhóm thợ chẻ đá của ông Quân gồm 7 thành viên, trạc tuổi cũng có mà thanh niên mới vào nghề cũng lắm, mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Tôi cố gắng bắt chuyện với nhóm thợ, ai cũng e dè. Vì một khi đã liên quan đến “miếng cơm, manh áo” là rất khó nói chuyện. 
 
Họ e ngại như vậy là vì xét cho cùng đá là tài nguyên, do vậy khi khai thác phải được sự cho phép của chính quyền địa phương. Nhóm thợ này thường lao động khi nhận được những lời “kêu cứu” của người dân địa phương. Mảnh vườn sản xuất nông nghiệp của người dân khi đưa vào trồng trọt mà gặp đá lớn thì xem như trở ngại và họ nghĩ ngay đến những nhóm thợ chẻ đá để giải tỏa cho khu vườn của mình. Nghĩa là “bứng” những hòn đá mồ côi đi để cây trái đơm bông, mang lại thu nhập dựa vào rau, hoa, củ, quả... Tôi hỏi: Ngày công của các anh bao nhiêu? Cao nhất là 250 nghìn đồng, một người chen vào. Đó là cao nhất, vì chẻ đá ra thành viên, chúng tôi phải tự tay bốc xếp nếu có người mua và phải hoàn nguyên cho chủ đất. Vì cái họ cần là đất chứ không phải là đá. Tiền làm ra chúng tôi chia đều cho nhau, vì anh em đã đi làm với nhau đều “hoàn cảnh” cả, một người làm nghề chẻ đá lâu năm cho biết.
 
Anh Nguyễn Văn Bi (46 tuổi) là thợ chẻ đá mới vào nghề được hơn một tuần kể về hoàn cảnh “khởi nghiệp” của mình: Làm ăn thất bát, thua lỗ, con cái học hành… biết bao nhiêu thứ phải lo toan. Tuy công việc chẻ đá rất nặng nhọc nhưng mình muốn nghỉ lúc nào cũng được, với lại có thêm thu nhập để trang trải mọi chi phí cho gia đình nên cảm thấy rất vui. 
 
Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy cách nhóm thợ chẻ một khối đá lớn ra làm đôi, làm ba rất nhẹ nhàng và chuyên nghiệp. Sau khi dùng thước vạch vài đường thẳng lên tảng đá, những người thợ dùng ve sắt đục một hoặc vài lỗ tùy vào kích cỡ lớn hay nhỏ của hòn đá. Tiếp đến, họ cho nước vào những lỗ vừa đục rồi đặt con chạm (một miếng sắt nhọn có hình khối tam giác) vào. Mục đích là để con chạm không bị lệch đi khi đập đá, một phần là để vụn đá trong lỗ đục bay ra theo hướng nước khi đập vào. 
 
Một người thợ vung tay dùng búa tạ đập mạnh vào con chạm, tảng đá vỡ làm đôi, thẳng tắp. Bằng cách đó, khối đá lớn được chẻ thành nhiều viên đá nhỏ hơn.
 
Nghề chẻ đá tuy kiếm ra đồng tiền trong thời buổi khó khăn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy rình rập. Vì miếng cơm manh áo, nhiều thợ đá bất chấp để hành nghề. Họ hầu như không có trang thiết bị bảo hộ lao động, thường thì chỉ khoác manh áo vải, đội nón cho đỡ nắng. Dù biết cái nghề này nguy hiểm, nhưng con người ở đây vẫn không bỏ nghề được, vì ngoài chẻ đá ra thì trước mắt họ chưa tìm được một công việc nào phù hợp với mình.
 
ĐỨC TÚ