Lãng phí chợ tiền tỷ

09:03, 15/03/2017

Được xây dựng khang trang, sạch, đẹp với 32 quầy, sạp, nhưng sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đến nay, chợ bán thực phẩm tươi sống xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) chỉ có vỏn vẹn 7 hộ buôn bán, kinh doanh...

Được xây dựng khang trang, sạch, đẹp với 32 quầy, sạp, nhưng sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đến nay, chợ bán thực phẩm tươi sống xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) chỉ có vỏn vẹn 7 hộ buôn bán, kinh doanh. Đây là khu chợ được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (LIFSAP), với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng.
 
Khu bán thực phẩm tươi sống chợ Lộc Quảng vắng vẻ, cơ sở vật chất đang bị lãng phí. Ảnh: Hải Đường
Khu bán thực phẩm tươi sống chợ Lộc Quảng vắng vẻ, cơ sở vật chất đang bị lãng phí. Ảnh: Hải Đường

Khu bán thực phẩm tươi sống chợ Lộc Quảng có diện tích khoảng 800 m 2. Riêng khu chợ lồng được xây dựng trên diện tích hơn 230 m 2. Ngoài ra, khu chợ còn được trang bị đầy đủ hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh, giếng khoan... Với điều kiện kinh doanh khá tốt, nhưng hiện tại người dân vẫn không mặn mà để vào chợ buôn bán.
 
Theo phản ánh của các tiểu thương đang buôn bán trong chợ, khi chúng tôi có mặt tại khu chợ này để tìm hiểu thực hư, dù đây là thời điểm chính của người bán, kẻ mua nhưng toàn khu chợ lại rất vắng vẻ. Lúc này, tại khu chợ chỉ có vỏn vẹn 7 người bán và người mua còn ít hơn cả người bán. Toàn khu chợ có 32 quầy sạp bán thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau, củ) nhưng chỉ có tư tiểu thương bán thịt ở những quầy sạp dãy đầu và 3 người bán cá ở dãy sau, còn lại trống không. Trong khi đó, tại ngã 4 xã Lộc Quảng (khu vực bên cạnh chợ) lại tấp nập người bán, người mua chen chúc nhau. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, khu vực ngã tư Lộc Quảng đang có ít nhất khoảng 20 điểm buôn bán các mặt hàng như thịt, cá, rau, củ, quả và cả các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tất cả đều được các tiểu thương che chắn tạm bợ bên lề đường và trước cổng nhà để buôn bán, kinh doanh. Anh Phạm Tuấn Long, một trong những tiểu thương đang buôn bán tại chợ Lộc Quảng cho biết: “Trước đây, tôi cũng bán thịt heo tại khu vực ngã tư Lộc Quảng. Nhưng cách đây hơn 2 năm, khi chợ mới được xây dựng đi vào hoạt động thì tôi đã đăng ký quầy, sạp và chuyển qua đây bán thịt heo. Mặc dù điều kiện kinh doanh trong chợ tốt và sạch hơn nhiều so với bán rong ở ngoài, nhưng do nhiều người không chịu vào chợ kinh doanh mà cứ buôn bán tại ngã tư Lộc Quảng hoặc tại nhà nên chúng tôi buôn bán trong chợ rất ế ẩm. Tuy nhiên, tôi và những tiểu thương đang buôn bán trong chợ thấy điều kiện khang trang, sạch đẹp nên vẫn cố bám trụ cho tới bây giờ. Hiện, khu chợ này đang bị lãng phí do chính quyền địa phương không vận động được người dân vào chợ”.
 
Cùng chung suy nghĩ như anh Long, bà Trần Thị Sơn cũng đăng ký quầy sạp để bán cá ở chợ. Trước đây, khi chưa có chợ, bà Sơn cũng bán cá tại khu vực ngã tư Lộc Quảng rất nhiều năm. Bà Sơn cho hay: “Vào chợ buôn bán thì điều kiện vệ sinh rất đảm bảo. Mỗi tháng các hộ kinh doanh chỉ phải đóng 250 ngàn đồng gồm tiền phí chợ và tiền điện, nước. Điều kiện buôn bán tốt như vậy, nhưng tôi không hiểu sao mọi người vẫn không chịu vào chợ mà cứ chen nhau buôn bán ở khu vực ngã tư gây mất an toàn giao thông. Chúng tôi đã nhiều lần cùng nhau viết đơn yêu cầu UBND xã Lộc Quảng giải tỏa các hộ bán rong ngoài đường để tập trung vào chợ nhưng mọi chuyện vẫn không chuyển biến”.
 
Ông Lê Chí Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quảng cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu thực tế nhằm đáp ứng việc buôn bán, kinh doanh của người dân nên năm 2014 xã đã xin chủ trương xây dựng chợ. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho người dân thì đây còn là việc làm để giúp địa phương đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Khi chợ hoàn thành và bàn giao, UBND xã đã họp dân và có 28 hộ dân đăng ký quầy, sạp để kinh doanh. Tuy nhiên, được khoảng 6 tháng thì có hơn 20 hộ đã bỏ chợ ra ngoài với nhiều lý do khác nhau. Các hộ bỏ chợ và họ chọn ra ngoài buôn bán rong tại ngã tư xã Lộc Quảng và kinh doanh buôn bán tại nhà. Hiện nay, vấn đề bất cập nhất là các hộ buôn bán tại nhà và tại ngã tư Lộc Quảng vẫn buôn bán các mặt hàng tươi sống như thịt, cá rất khó kiểm soát và gây mất an toàn giao thông. Trước thực trạng này, xã đã nhiều lần họp dân để tuyên truyền, vận động vào chợ kinh doanh để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, song, họ vẫn tìm mọi cách đối phó không chịu vào chợ nên hộ này đã kéo theo hộ khác biện mọi lý do để kinh doanh, buôn bán ở ngoài”.
 
Còn theo ông Lê Xuân Vĩnh, người quản lý chợ Lộc Quảng thì việc người dân bỏ chợ ra ngoài kinh doanh đang gây nên nhiều bất cập cần giải quyết; trong đó, bất cập lớn nhất là cơ sở vật chất trong chợ bị lãng phí, hư hỏng. Đặc biệt, các hộ chấp hành vào chợ bị chia khách nên buôn bán ế ẩm không đảm bảo thu nhập. Tới đây, Ban quản lý chợ sẽ kiến nghị UBND xã Lộc Quảng có biện pháp để giải tỏa các hộ buôn bán rong và buôn bán tại nhà vào chợ để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong kinh doanh, buôn bán giữa các tiểu thương.
 
HẢI ĐƯỜNG