Người sở hữu gần 200 giống lan rừng đặc hữu

09:05, 12/05/2016

Hiện nay, ở TP. Bảo Lộc hay nói rộng hơn là khắp cả vùng đất Nam Tây Nguyên có lẽ ít có ai sở hữu nhiều lan rừng như anh Trịnh Văn Sỹ (48 tuổi, ngụ tại thôn Tân Hương 1, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc). Anh Sỹ đang sở hữu 2 vườn hoa phong lan (lan rừng) có tổng diện tích 1.800m2 với gần 200 giống lan rừng đặc hữu các loại; trong đó, có nhiều giống lan đột biến quý, hiếm.

Hiện nay, ở TP. Bảo Lộc hay nói rộng hơn là khắp cả vùng đất Nam Tây Nguyên có lẽ ít có ai sở hữu nhiều lan rừng như anh Trịnh Văn Sỹ (48 tuổi, ngụ tại thôn Tân Hương 1, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc). Anh Sỹ đang sở hữu 2 vườn hoa phong lan (lan rừng) có tổng diện tích 1.800m2 với gần 200 giống lan rừng đặc hữu các loại; trong đó, có nhiều giống lan đột biến quý, hiếm.
 
Thỏa chí đam mê
 
Anh Sỹ bên tác phẩm Đại Ý thảo trắng đoạt giải đặc biệt tại Hội hoa xuân (Tao Đàn, TP. Hồ Chí Minh)
Anh Sỹ bên tác phẩm Đại Ý thảo trắng đoạt giải đặc biệt tại Hội hoa xuân (Tao Đàn, TP. Hồ Chí Minh)
Từ lúc bắt đầu chơi lan đến nay, khi đang sở hữu 2 vườn lan rừng kinh doanh đồ sộ mang “thương hiệu” Văn Sỹ thì anh đã có tới gần 15 năm gắn bó với cây lan rừng. Từng bươn chãi làm đủ nghề để phát triển kinh tế như làm đầu bếp nhà hàng, buôn cà phê, buôn thỏ… nhưng hoa phong lan mới là thứ cho anh niềm đam mê và giúp anh làm giàu.
 
Hiện, anh Trịnh Văn Sỹ là một trong những nghệ nhân có uy tín trong làng chơi lan của TP. Bảo Lộc nói riêng và cả tỉnh Lâm Đồng nói chung. Chúng tôi đến thăm vườn lan của anh ở thôn Thanh Hương 1 (xã Lộc Thanh, TP. Bảo Lộc) và 1 vườn khác nằm ở thôn 3 (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm). Vườn nào của anh cũng dày đặc những dò lan lớn, nhỏ nằm san sát nhau. Tuy anh không thể thống kê đầy đủ, nhưng đến hiện tại, anh ước chừng có khoảng 3.000 sản phẩm của gần 200 giống lan rừng các loại.
 
Nói về việc “bén duyên” với lan rừng, anh Sỹ chia sẻ: “Hồi còn là thanh niên, tôi đã mê lan rừng, một loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng sắc đẹp” của núi rừng. Nhưng, trong hơn 5 năm đầu, tôi chỉ tìm kiếm, sưu tầm lan rừng chơi để thỏa chí đam mê của mình. Theo thời gian, tôi nhận thấy niềm đam mê sẽ đưa mình tới sự thành công, nếu biết trân trọng và theo đuổi đến cùng. Vậy là tôi âm thầm chuyển từ việc chơi lan rừng để thỏa chí đam mê sang xây dựng vườn lan kinh doanh phát triển kinh tế. Qua gần 15 năm tìm kiếm, sưu tầm, mày mò tìm cách nhân giống, giờ đây xem như tôi đã thành công”.
 
Theo như lời tâm sự của anh Sỹ, để có được gần 200 giống lan rừng đặc hữu như hiện tại, anh đã đi khắp các nơi từ Bắc chí Nam để sưu tầm và mua lan. Lan rừng được anh sưu tầm từ 2 nguồn chính là những người dân đi rừng lấy lan về bán và từ những bạn bè chơi lan mà anh quen biết trong và ngoài địa phương. Để rồi, trong quá trình chăm sóc anh đã tự mày mò và phát hiện ra những loại lan quý hiếm và tự nhân giống.
 
Đến nay, anh đang sở hữu những giống lan quý và có thể nói là “vô giá” như: Thủy Tiên trắng đột biến, Đại Ý thảo trắng, Giả hạc Di Linh trắng hay cây lan mang thương hiệu riêng của anh (Giả hạc trắng Văn Sỹ)… “Quá trình mà tôi đi sưu tầm các giống lan rừng là vô cùng vất vả, tốn kém và gặp nhiều khó khăn. Để chọn được 1 giống lan có giá trị về cả thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế, tôi phải mất đến hàng tháng và thậm chí cả năm trời mới có được. Khi có được lan quý rồi, tôi lại phải tìm cánh để nhân giống và bảo tồn nguồn gen… Vất vả là vậy, nhưng vì niềm đam mê của mình đã tạo động lực để tôi vượt qua mọi khó khăn và tìm cách có chúng cho bằng được” - anh Sỹ chia sẻ.
 
Làm giàu từ lan rừng
 
Không chỉ hiện tại, mà từ trước đến nay, tôi luôn xem những loại lan rừng mà mình đang có như những “đứa con tinh thần” của mình vậy! Đó là lời chia sẻ chân thành và đầy cảm hứng của anh Sỹ với chúng tôi.
 
Theo anh Sỹ, việc chăm sóc lan rừng “tuy dễ nhưng lại khó”. Dễ là vì, lan rừng là loài tự nhiên nên có sức đề kháng và sinh trưởng tốt ở mọi điều kiện môi trường. Nhưng, trái lại để tạo được những dò lan có đầy đủ độ thẩm mỹ nghệ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của những người chơi lan sành sỏi thì lại là một công việc vô cùng khó khăn. Muốn vậy, anh phải học tập kinh nghiệm từ những người đi trước để đúc rút cho bản thân. “Để có kinh nghiệm và kỹ thuật nhân giống, chăm sóc lan rừng, tôi đã không ngừng học tập từ các đồng nghiệp mà mình quen biết. Vì ở họ, mỗi người đều có một bí quyết riêng và khi mình học hỏi được sẽ hệ thống lại để đúc rút kinh nghiệm và giúp ích cho bản thân” - anh Sỹ tâm sự.
 
Đối với lan rừng, môi trường sống tự nhiên là rất quan trọng. Đây chính là lý do không thể “nuôi” lan rừng trong nhà kính như những loài hoa công nghiệp khác. Lan rừng chỉ phù hợp và đạt hiệu quả cao khi nuôi trong nhà lưới để giúp chúng tận hưởng cái “khí trời vốn có mà thiên nhiên ban tặng cho loài hoa nữ hoàng sắc đẹp”. Khi bón phân cho lan rừng, đòi hỏi người trồng phải phối hợp hài hòa và đúng liều lượng giữa phân hữu cơ và vô cơ. Trong thời kỳ nuôi thân thì để có được những cành lan mập và dài, cần bổ sung thêm phân bón lá cho lan. Thời kỳ làm bông (dưỡng hoa) bắt đầu từ tháng 10 dương lịch hàng năm. Ở thời kỳ này, ta phải theo sát để có chế độ cho lan “ăn” phù hợp nhất. Đặc biệt, cần phải tạo được môi trường sạch để lan ra hoa đều và rộ. Để khi một dò lan được “trình làng” phải hội đủ các yếu tố (hoa nở rộ, cây đẹp và có tính nghệ thuật cao).
 
Với “thâm niên” gần 15 năm gắn bó cùng cây lan rừng, sản phẩm của anh đã được người chơi lan khắp cả nước từ Đà Lạt ra tận Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Quảng Ninh cho đến Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây biết đến. Giờ đây đơn đặt hàng lan rừng của anh luôn dày đặc, nên anh không đáp ứng đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường, mà đặc biệt là vào mùa tết. Nói như vậy, có nghĩa sản phẩm lan rừng của anh đã có mặt ở hầu hết các thị trường lớn trong cả nước.
 
Tuy nhiên, anh Sỹ mới chỉ một lần mang tác phẩm đi tham gia cuộc thi trong “Hội hoa xuân”. Tết Nguyên đán 2016, anh đã “trình làng” những tác phẩm lan rừng quý hiếm của mình tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh. Trong những lần dự thi này, anh đã nhận được 7 giải tại Hội hoa xuân, với 1 giải đặc biệt, 1 giải bạc, 1 giải nhất, 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.
 
Tại “Hội hoa xuân” do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, với tác phẩm “Hoàng Phi hạc” đã giúp anh đạt giải nhất. Còn tại “Hội hoa xuân” tổ chức tại Công viên Tao Đàn (TP. HCM), tác phẩm “Đại Ý thảo trắng” của anh đã đoạt giải đặc biệt. Tất cả đều là nguồn động viên to lớn để tiếp thêm niềm tin và kỳ vọng giúp anh gắn bó với hoa phong lan. Hiện, mỗi năm, vườn lan rừng đang mang lại cho gia đình anh nguồn lợi nhuận ổn định từ 600 - 700 triệu đồng. Cùng với đó, anh đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 4 lao động, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
 
KHÁNH PHÚC